Khi Mỹ quyết định nâng thuế với hàng nhập khẩu Trung Quốc đầu tháng 5, Francis O’Brien chẳng còn lựa chọn nào khác là nâng giá sản phẩm thêm 4%. O’Brien hiện có hai cửa hàng nội thất Furniture Market tại Modesto (California, Mỹ).
Ông đang tìm cách giảm bớt phần nào chi phí từ việc Mỹ nâng thuế với hàng Trung Quốc từ 10% lên 25%. "Tôi không có lựa chọn nào khác. Việc rà soát lại 5.000 sản phẩm hiện tại để xem cái nào từ Trung Quốc là quá khó", ông nói.
Tuần này, ông Trump lại tuyên bố áp thuế 5% với toàn bộ hàng hóa nhập khẩu từ Mexico. Đến tháng 10, thuế này sẽ lên 25% nếu các điều kiện của ông về siết nhập cư không được thỏa mãn. Đây lại là một đòn giáng mới vào việc kinh doanh của O’Brien. "Tôi chẳng biết nên làm gì với tin này nữa", ông nói.
O’Brien không phải là người duy nhất mắc kẹt trong mớ hỗn độn mà các chính sách thương mại của ông Trump tạo ra. Hàng chục hãng bán lẻ, sản xuất nội thất khác tại Mỹ đã phải áp dụng nhiều biện pháp để giảm thiểu ảnh hưởng từ thuế nhập khẩu, gây ra bởi cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
Cũng như O’Brien, một số đã phải tăng giá. Số khác cho biết đã hủy hoặc hoãn các đơn hàng. Số còn lại thắt chặt các điều khoản trong hợp đồng, chuyển hướng nguồn cung và đàm phán các cách để chia sẻ chi phí với nhau.
Năm ngoái, khi Mỹ áp thuế 10% với đồ nội thất và nhiều mặt hàng nhập khẩu khác từ Trung Quốc, một số hãng kinh doanh và sản xuất đã thống nhất chia sẻ chi phí. Hãng sản xuất sofa Manwah Holdings (Thâm Quyến, Trung Quốc) mỗi năm xuất khẩu 470 triệu USD hàng hóa cho các hãng bán lẻ tại Mỹ. Họ đồng ý chịu 5% thuế nhập khẩu.
Còn giờ, khi thuế lên 25%, Manwah phải đàm phán lại với các khách hàng. "Mức chia sẻ cụ thể sẽ tùy vào thỏa thuận với từng hãng bán lẻ", người phát ngôn của công ty - Kevin Castellani cho biết.
Tuy nhiên, những thỏa thuận thế này thường chỉ áp dụng được với các công ty lớn. Trong ngành bán lẻ nội thất quy mô 114 tỷ USD của Mỹ, rất nhiều doanh nghiệp đang lao đao vì chi phí tăng vọt.
Jeff Child – Giám đốc RC Willey Home Furnishings thuộc Berkshire Hathaway đã phải hủy một đơn hàng ghế da và sofa sau khi một nhà cung cấp Trung Quốc từ chối chia sẻ chi phí. Không thể tăng giá với cả 12 cửa hàng trong chuỗi, Child đã hủy đơn hàng 15 container trị giá hơn 300.000 USD.
Trước đây, nhiều nhà cung cấp tại Trung Quốc của họ đồng ý chia nửa thuế nhập khẩu 10%. Nhưng hiện tại, 25% là quá sức.
Với một số công ty, giải pháp là tìm đến các nhà cung cấp khác ngoài Trung Quốc. Manwah đang tăng hơn gấp đôi quy mô nhà máy ở Việt Nam. Hiện mỗi tháng, nhà máy này xuất xưởng 1.000 container.
Hàng nội thất Trung Quốc mà các hãng bán lẻ như IKEA, Home Depot và Target nhập khẩu vào Mỹ đã giảm 13,5% trong quý I. Sự sụt giảm này được bù lại phần nào nhờ nhập khẩu từ Việt Nam tăng 37,2% và Đài Loan (Trung Quốc) tăng 19,3%, theo số liệu từ S&P Global Market Intelligence.
Dù vậy, chiến lược này cũng không phải không có rủi ro. Lao động tại các nước thay thế không nhiều kinh nghiệm như Trung Quốc. Chi phí vận chuyển và cơ sở vật chất cũng không bằng. Đây là điều Harvey Karp – Giám đốc Happiest Baby lo ngại. "Sản phẩm của chúng tôi rất phức tạp, không thể cứ chuyển sản xuất sang Việt Nam, Indonesia hay Ấn Độ là xong được", ông nói.
Thuế 25% sẽ khiến công ty của Karp khó tồn tại. Vì ngay cả với giá hiện tại, nhiều bậc phụ huynh đã cho rằng sản phẩm cho trẻ em của công ty ông rất đắt đỏ rồi.
Các mặt hàng giá trị lớn, như sofa hay bàn ăn sẽ có cú sốc giá lớn. Hơn thế nữa, đồ nội thất không phải đồ ăn và người tiêu dùng không nhất thiết phải mua. Epperson – Giám đốc Mann, Armistead & Epperson cho biết không công ty nào trong ngành này có biên lợi nhuận đủ để chịu mức thuế 25%.
Hãng sản xuất Delta Children đã nâng giá 3% khi Mỹ mới áp thuế 10% với hàng Trung Quốc. Nhưng doanh thu của họ vẫn giảm 8 – 10 triệu USD vì các hãng bán lẻ ngừng nhập hàng, Joe Shamie – Giám đốc công ty này cho biết.
Hiện tại, khi họ chỉ vừa mới vượt qua giai đoạn khó khăn, ông Trump lại nâng thuế lên 25%. Một số hãng bán lẻ đã hủy đơn hàng. "Các hãng bán lẻ sợ rằng người tiêu dùng sẽ không đủ khả năng mua sản phẩm. Giá cũi, giường trẻ em hay ghế ngồi trên ôtô sẽ tăng 25%, có khi còn tăng nữa. Người Mỹ bình thường không đủ tiền đâu", Shamie kết luận.
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung nổ ra từ tháng 7/2018 với việc Mỹ áp thuế nhập khẩu lên 34 tỷ USD hàng Trung Quốc, cáo buộc nước này vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và có các hoạt động thương mại không công bằng. Qua nhiều vòng, Mỹ đã áp thuế lên tổng cộng 250 tỷ USD hàng Trung Quốc và Trung Quốc trả đũa với 110 tỷ USD.
Đầu tháng 5, sau một thời gian hai bên "đình chiến" và đi đến đàm phán, Mỹ đột ngột nâng thuế với 200 tỷ USD hàng Trung Quốc vì cho rằng Bắc Kinh đã thay đổi các cam kết. Sau đó, Trung Quốc cũng trả đũa bằng việc nâng thuế với phần lớn trong nhóm 60 tỷ USD hàng Mỹ đã chịu thuế từ năm ngoái. Căng thẳng hiện tiếp tục lên cao khi Mỹ đưa Huawei vào danh sách "đen", cấm mua các bộ phận và linh kiện từ Mỹ.
Bình luận