Huy động tín dụng của các ngân hàng tăng trưởng tốt khiến ngân hàng dư dả tiền. Nhưng nó cũng khiến ngân hàng đâu đầu khi rơi vào tình cảnh tìm khách vay.
Giành nhau khách hàng “tốt”
Đã qua rằm tháng Giêng nhưng anh T., nhân viên tín dụng của một ngân hàng quốc doanh lớn, chi nhánh Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Hà Nội vẫn rất nhàn rỗi. “Cả ngày chỉ xử lý một ít giấy tờ rồi liên hệ với một số khách hàng nhưng chưa đâu vào đâu, chưa có khách hàng”, anh T. kể.
Cũng theo anh T., mảng giải ngân tốt trong năm ngoái là bất động sản ở phân khúc chung cư. Mỗi tháng, nhân viên tín dụng chỉ cần ký hợp đồng với một vài dự án cho khách hàng vay vốn là “ấm” rồi. “Giờ thì ngược lại, giải ngân trong bất động sản lại đang chững, trong đó phân khúc chung cư cũng rất chậm”, nhân viên tín dụng này chia sẻ.
Không chỉ có người dân, đối tượng khách hàng doanh nghiệp cũng thờ ơ với việc vay vốn đầu năm. “Ngân hàng muốn đẩy mạnh khách hàng tốt để cho vay nhưng đối tượng này ít lắm khiến các ngân hàng giành giật nhau. Còn đầu năm toàn khách vay đảo nợ nên cũng không thể giải ngân”, anh T. nói. Chính vì vậy, nhân viên tín dụng này xác định sẽ phải chịu cảnh nhàn rỗi trong cả tháng sau và làm bù chỉ tiêu trong các tháng của quý II.
Anh T. cũng cho biết, một số khách hàng của anh đang lo lắng khi hộ kinh doanh, hộ gia đình đã ít vay vốn thì nay lại bị giới hạn bởi quy định mới của Ngân hàng Nhà nước khi Thông tư số 39/2016/TT-NHNN quy định từ ngày 15/3 hộ gia đình, tổ hợp tác, hộ kinh doanh, doanh nghiệp tư nhân sẽ không được vay vốn ngân hàng.
Ngân hàng cần giải thích rõ về Thông tư 39
Ngày 14/2, trao đổi với PV, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) ông Võ Tấn Hoàng Văn cho biết, nguồn tiền trong hệ thống ngân hàng đang khá dồi dào nhưng khó đầu ra khi các dự án cũ đã ổn định từ năm trước, các dự án phải chờ đến hết tháng Giêng. Theo ông Văn, phải hơn 1 tháng nữa đầu ra của hệ thống mới ổn định.
Về lo lắng của khách hàng đối với Thông tư 39/2016/TT-NHNN, luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty luật Basico cho hay, hộ gia đình, hộ kinh doanh hay tổ hợp tác là chủ thể “ảo” mà thực chất là một hoặc một nhóm cá nhân, vì vậy bị xoá bỏ khỏi Bộ Luật Dân sự năm 2015. Do đó, Thông tư cho vay số 39/2016/TT-NHNN bỏ chủ thể vay vốn “hộ gia đình” là phù hợp.
“Bỏ chủ thể vay vốn hộ gia đình (hay hộ kinh doanh) chỉ là thay đổi vỏ hình thức tên gọi, còn trong “ruột” bản chất vẫn cơ bản như cũ. Chỉ khác là từ năm 2017 trở đi, hộ gia đình, hộ kinh doanh sẽ giao dịch với tư cách của một hoặc một số cá nhân, chứ chủ hộ không còn đương nhiên đại diện cho hộ như trước đây nữa”, ông Đức nói. Tuy nhiên, vị luật sư này cũng lưu ý, Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng rất cần có sự giải thích, hướng dẫn cụ thể để tránh hiểu sai, không thống nhất và lo lắng.
“Theo tôi, hộ gia đình thì không được ghi vào hợp đồng tín dụng nữa, vì là chủ thể không được xác định rõ ràng về pháp lý. Nhưng hộ kinh doanh thì vẫn nên ghi như cũ, vì rất giống doanh nghiệp tư nhân, cũng không được quy định trong Bộ luật Dân sự và quy chế cho vay trước đây, nhưng vẫn giao dịch bình thường, vì nó được quy định trong Luật Doanh nghiệp, có giấy chứng nhận kinh doanh và chủ doanh nghiệp tư nhân luôn là người đại diện theo pháp luật”.
Trong trường hợp hộ kinh doanh chỉ có một người, ông Đức đề nghị về cơ bản vẫn xử lý như cũ và giống như với doanh nghiệp tư nhân vì cá nhân và hộ kinh doanh là một, trùng khít nhau. “Còn nếu hộ kinh doanh có hai thành viên trở lên thì cần xử lý hơi khác. Đó là tất cả các thành viên của hộ kinh doanh phải ký hoặc uỷ quyền ký hợp đồng, chứ chủ hộ kinh doanh không đương nhiên được ký như trước đây nữa”, ông Đức phân tích.
Bình luận