• Zalo

Thủ tướng: 'Thừa Thiên - Huế phát triển dưới mức tiềm năng'

Thời sựThứ Ba, 02/01/2018 22:16:00 +07:00Google News

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá Thừa Thiên - Huế phát triển dưới mức tiềm năng, tỉnh có kết cấu hạ tầng tốt, có thể phát triển du lịch, kinh tế biển, rừng, công nghiệp chế biến nhưng chưa tạo được đột phá cần thiết.

Phát triển dưới mức tiềm năng

Chiều 2/1, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và đoàn công tác Chính phủ đã có buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Thừa Thiên-Huế. Cùng dự có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và lãnh đạo một số bộ, ngành.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, sau 2 năm thực hiện kế hoạch 5 năm (2016- 2020) nêu rõ: Thừa Thiên Huế đã huy động được nhiều nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, chăm lo tốt đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

26513513_10208789487889421_778798208_o

 Thủ tướng và đoàn công tác của Chính phủ làm việc với tỉnh Thừa Thiên - Huế. (Ảnh: T. Bảo)

Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt khá trong khu vực, cơ cấu kinh tế phát triển theo hướng tiến bộ; dịch vụ chiếm 57%, công nghiệp chiếm 32,5%, nông nghiệp giảm còn 10,5% trong GRDP…

Với đặc thù riêng, tỉnh Thừa Thiên - Huế đang quyết tâm đầu tư phát triển theo hướng “đô thị di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan và thân thiện với môi trường” nhằm phát huy lợi thế nổi trội về văn hóa, lịch sử và du lịch, kiên trì mục tiêu tăng trưởng xanh và bền vững.

Trong đó, phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn để tạo đột phá trong phát triển kinh tế; phát triển công nghiệp thân thiện với môi trường tạo nguồn thu ngân sách; phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch để phục vụ du lịch và nâng cao sức khỏe cho người dân.

Trong thời gian tới, tỉnh Thừa Thiên - Huế tập trung thực hiện 3 mũi đột phá có tính chiến lược là: tập trung phát triển du lịch, dịch vụ thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phấn đấu đóng góp 25-30% trong tổng thu ngân sách nhà nước; huy động nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ; cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư gắn với tăng cường đổi mới công tác xúc tiến đầu tư.

Tại buổi làm việc, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ một số nội dung như tăng vốn đầu tư lên 2 tỷ USD và đầu tư kinh doanh casino cho dự án Laguna Lăng Cô; đề nghị bổ sung quy hoạch 2 sân golf ven biển; quy hoạch Bạch Mã, trong đó có chủ trương khôi phục 139 biệt thự trên đỉnh Bạch Mã, xây dựng khu du lịch dịch vụ ngoài phân khu hành chính và đề xuất phương án sử dụng cáp treo; quy hoạch phát triển điện lực; nâng cấp, mở rộng cảng hàng không quốc tế Phú Bài...

HIEU2673

 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc với tỉnh Thừa Thiên - Huế. (Ảnh: VGP)

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những nỗ lực của tỉnh Thừa Thiên - Huế trong phát triển kinh tế xã hội năm 2017, trong đó từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế thành công dù bị ảnh hưởng bởi thiên tai kéo dài. Về văn hóa - giáo dục, y tế Thừa Thiên - Huế tiếp tục là điểm sáng mà nhiều địa phương khác cần học tập, nhân rộng.

Thủ tướng nói: “Nổi bật là tốc độ tăng trưởng cao, 7,76% cao hơn bình quân chung cả nước nhưng chỉ do bia cao quá nên khó vượt. Trong đó vai trò công nghiệp và du lịch góp vào thành tựu chung cả nước, nông nghiệp tuy chiếm tỷ lệ thấp nhưng đời sống người dân nông thôn được cải thiện rõ nét.

Tôi đi các huyện Nam Đông, A Lưới thì thấy huyện 35A đã xin thôi hưởng chế độ chính sách, đó là tấm gương tốt cần biểu dương.

Tuy nhiên Thừa Thiên - Huế cần cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cải cách hành chính, chỉ số năng động của chính quyền địa phương, tránh rơi vào tình trạng phát triển “bình bình” như hiện nay.

Đối với du lịch, địa phương cần rà soát lại để có thể phát triển ngành này là ngành kinh tế mũi nhọn, xứng với tiềm năng".

"Tôi muốn nói tổng quát là Thừa Thiên - Huế phát triển dưới mức tiềm năng, tỉnh có kết cấu hạ tầng tốt, có thể phát triển du lịch, kinh tế biển, rừng, công nghiệp chế biến nhưng chưa tạo được đột phá cần thiết. Môi trường đầu tư ở mức trung bình, chỉ số năng động của chính quyền giảm, doanh nghiệp nhỏ và vừa cạnh tranh thấp, một số dự án lớn còn chậm tiên độ”, người đứng đầu Chính phủ đánh giá. 

Tỷ lệ ra trường có việc làm của sinh viên Đại học Huế chưa cao

Cùng ngày, Thủ tướng và đoàn công tác của Chính phủ cũng đã có buổi làm việc tại Đại học Huế. Tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương những thành quả đã đạt được của ĐH Huế; yêu cầu lãnh đạo, cán bộ tiếp tục nỗ lực để phát huy hơn nữa thành quả, thế mạnh; khắc phục những khó khăn, hạn chế, chú trọng hơn nữa công tác đào tạo, nghiên cứu; thúc đẩy hợp tác quốc tế, đào tạo nhân lực cho Lào, Campuchia và Myanmar; chăm lo tốt đời sống cán bộ, viên chức, người lao động…

thu tuong 1 3

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc với Đại học Huế. (Ảnh: H.Q)

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Đại học Huế đào tạo nhiều ngành, cả tiến sĩ, thạc sĩ nhưng tỷ lệ việc làm của sinh viên ra trường chưa cao. Đặc biệt là các ngành Sư phạm, Nông lâm, Giáo dục thể chất có tỷ lệ có việc làm cực kỳ thấp.

Số bài báo trên tạp chí quốc tế của Đại học Huế là khá cao, đây 1 trong 5 trường đại học lớn của quốc gia, nhưng hướng nghiên cứu của Đại học Huế chưa rõ nét. Hoạt động sáng tạo và khởi nghiệp cho sinh viên còn mờ nhạt, cơ sở vật chất còn thiếu thốn".

PGS.TS Nguyễn Quang Linh - Giám đốc Đại học Huế kiến nghị Chính phủ tiếp tục đầu tư xây dựng Khu đô thị Đại Huế với kinh phí 100 triệu USD; cho Đại học Huế hoạt động như cơ chế Đại học Quốc gia để thực hiện lộ trình tự chủ Đại học; có chủ trương để Đại học Huế tái cấu trúc và hoàn thiện cơ cấu tổ chức của các đơn vị thành viên và trực thuộc; đầu tư nguồn lực để phát huy lợi thế của Đại học Huế ở các lĩnh vực có thế mạnh: Y dược, Nông lâm, Xã hội và nhân văn; Công nghệ thông tin, Mỹ thuật, Sư phạm; hỗ trợ Đại học Huế đào tạo nguồn nhân lực cho Lào, Campuchia và Myanmar…

Video: Thủ tướng quyết định tạm dừng thu phí trạm BOT Cai Lậy

NGUYỄN VƯƠNG
Chuyên đề: Tin nóng trong ngày
Bình luận
vtcnews.vn