UBND Thành phố Hà Nội vừa ban hành văn bản bày tỏ mong muốn người dân thay đổi thói quen, nhận thức và dần từ bỏ việc sử dụng thịt chó, mèo làm thực phẩm, thể hiện sự nhân văn với loài vật, đảm bảo văn minh đô thị.
Sau khi UBND Thành phố Hà Nội ra văn bản trên, PGS.TS - Nhà lý luận phê bình, nhà văn Ngô Văn Giá gửi tới VTC News bài viết về vấn đề này.
Tôi xin kể hai câu chuyện nhỏ.
Chuyện thứ nhất: Vừa rồi tôi về quê, chứng kiến cảnh cậu em tôi to tiếng với thằng con giai sinh viên đại học. Hỏi ra mới biết rằng chỉ vì cái chuyện nó mời một nhóm bạn cả trai lẫn gái khoảng chục đứa về thăm nhà.
Vậy phải làm cơm đón chúng như thế nào? Bố nó bảo thịt luôn con chó cốm trong nhà. Thằng con kiên quyết phản đối, bảo nếu bố thịt chó thì con thôi không mời bạn về nữa…Lời qua tiếng lại, thằng bé chỉ còn biết khóc.
Nghe chuyện, cậy quyền ông anh bố nó, tôi bảo: Các con nó không ăn thị chó là quyền của các con, mình phải tôn trọng. Vả lại trong số bạn nó về chơi, có một số đứa không ăn được thịt chó thì sao. Cho nên, tốt nhất mình nên thay đổi món, chuyển sang thịt lợn, thịt gà, cá mú…cũng ngon chứ.
Chỉ vì phải ăn thịt chó mà cuộc đón tiếp các con mất vui thì chả nên chút nào. Mặc dù có hậm hực chút, nhưng cuối cùng ông em tôi cũng nghe theo.
Chuyện thứ hai của chính tôi. Cách đây khoảng 3-4 năm trở về trước, tôi cũng là người ăn thịt chó. Trong khi đó bà xã và hai con tôi không biết ăn. Lắm hôm thèm, lại rủ bạn bè đi đánh chén. Khi thấy các phương tiện truyền thông đại chúng bàn về chuyện này rôm rả, với nhiều luồng ý kiến khác nhau, tôi cũng chột dạ. Xong rồi lại tặc lưỡi cho qua…
Một hôm, tôi đến thăm đôi vợ chồng người bạn, thấy họ nuôi đến 4 con poodle rất xinh xắn, hiền lành, trông như những cục bông di động. Tôi xuýt xoa khen chúng. Thấy thế, bạn tôi bảo có thích không, bắt về một con mà nuôi. Tôi hơi ngần ngại.
Ngại nhất là cái cảnh chiều chiều dắt chó ra đường tìm chỗ đi vệ sinh như tôi thấy thường xuyên trong khu tập thể nhà tôi và nhiều nơi khác. Với tôi, cái hình ảnh một ông già mặc bộ đồ pizama hay một thiếu nữ mắt xanh tóc vàng dắt chó ra đường, chả có gì nên thơ cả.
Nhưng tôi lại nghĩ, biết đâu bà vợ và các con mình lại thích. Tôi bèn bốc máy gọi về, không ngờ cả nhà đồng ý. Tôi giao kèo: Thế thì việc chăm chó là do ba mẹ con, chứ đây không liên quan đâu nhé…Nhà tôi nuôi con poodle từ đó.
Cả ba mẹ con thích thú, chăm bẵm, dạy dỗ, cưng chiều, luyện bằng được cho chú chó cưng đi vệ sinh vào toilet. Mọi chuyện cuối cùng rất ổn. Riêng tôi, ban đầu rất ơ hờ. Giống chó khôn lắm. Ai không có tình với nó, nó cũng dè chừng, không dám quấn quýt. Có bữa ngồi ăn cơm, thấy mấy mẹ con cưng nựng, trộn cơm cho chó ăn, mắng mỏ, yêu chiều, trò chuyện với nó…tôi cũng vui lây.
Bà vợ nói một câu xanh rờn: “Mỗi khi mình đi làm về, chả có ai ra đón, chỉ có mỗi con chó này thôi”. Nuôi trong nhà mấy tháng, dần dần tôi cũng lại lây cái bệnh…yêu con poodle này. Tôi hay nhắc các con tắm cho nó, trộn cơm cho nó ăn, để ý lịch tiêm phòng…cho nó. Bà vợ lườm: “Thế sao trước kia bảo không liên quan? Bây giờ lại chăm nó còn hơn cả nhà”.
Tôi nhớ, trong dịp ấy, có một người bạn rủ đi ăn thịt chó, không hiểu sao tôi buột miệng “Mình không ăn thịt chó nữa”. Từ bấy trở đi, bằng một cách rất tự nhiên, tôi không thấy có nhu cầu ăn thịt chó. Mỗi khi ai nhắc đến thịt chó, hoặc đi qua hàng thịt chó, tôi đều nghĩ đến con poodle bé bỏng nhà tôi.
Trên đây là hai trải nghiêm có tính cá nhân. Nhìn rộng ra, hiện nay vấn đề ăn thịt chó, mèo đang là vấn đề quan tâm của cộng đồng. Nó được nhìn dưới nhiều góc độ.
Dưới góc độ y tế, người ta lo ngại các bệnh lây truyền. Dưới góc độ an ninh, lại sợ rằng chó cắn người, khiến người mắc bệnh dại; rằng ăn thịt chó là nguyên nhân trực tiếp gây ra tệ nạn trộm chó, có khi người trộm chó bị đánh chết.
Từ góc độ văn minh, có luồng ý kiến cho rằng, thú ăn thịt chó rất gần với sự ăn uống hoang dã. Dưới góc nhìn văn hóa du lịch, cũng phải thừa nhận với nhau rằng cách giết mổ chó/mèo, chuyện ăn thịt chó mèo rất gây phản cảm cho khách phương Tây và những nước không có thói quen đó.
Còn dưới góc nhìn nhân văn, quả là giết một con vật nuôi thân thiết với con người, nhất là hành vi giết mổ, gây lên cảm giác bạo lực, hiếu sát; riêng đối với người nuôi, còn là một nỗi đau mất mát…
Trong quan sát của tôi, ở các đô thị lớn hiện nay, chuyện ăn thịt chó có những dấu hiệu suy giảm, và đối tượng đi đầu này chính là những người trẻ. Chúng thuộc thế hệ mới, được học hành, được tiếp xúc với các giá trị văn minh nhân loại ngay từ tấm bé, lớn lên lại được tiếp xúc mọi thứ qua các phương tiện truyền thông đại chúng.
Đối với người trẻ, họ không bị thói quen của quá khứ đè nặng, họ dám kháng cự lại với những áp đặt của người lớn, họ cần được tôn trọng với những sở thích mới, lựa chọn mới, thói quen mới. Tôi chứng kiến một cô bé sinh viên hàng xóm nhà tôi, nó bảo: “Cháu không bao giờ đi yêu cái thằng nào lại ăn thịt chó”.
Thói quen ăn thịt chó/mèo hiện nay đang còn khá nặng ở các vùng nông thôn. Họ vẫn coi thịt chó là nguồn thực phẩm ngon, rẻ, bổ. Phần lớn mỗi gia đình nuôi vài ba con để giữ nhà, tiện khi nào nhà có việc thì giết mổ để ăn. Cũng không ít gia đình nuôi chó để bán kiếm tiền. Việc tiêm phòng, quản lý đang còn khá lỏng lẻo.
Trong khi đó, những người dân thôn quê ngàn đời nay vẫn có tâm lý coi thịt chó là “quốc hồn quốc túy”, không thể thiếu được. Cho nên, câu chuyện quản lý thịt chó/mèo ở vùng nông thôn cần được tính toán thận trọng hơn đối với các đô thị.
Mới đây, Hà Nội ra chỉ thị vận động người dân hạn chế ăn thịt chó/mèo, từng bước quản lý tốt, tiến tới đến năm 2021 không còn cơ sở giết mổ, kinh doanh thịt chó/mèo. Tôi cho việc làm này là một chủ trương đúng. Chúng ta đang chứng kiến một cách làm có lộ trình, thận trọng, bắt đầu bằng một cuộc vận động lớn, dần dần kết hợp với cách quản lý có tính hành chính.
Ở đây cũng cần phân biệt rõ hai chuyện: (1) ăn thịt chó/mèo; (2) quản lý nuôi, thả, kinh doanh, giết mổ; khám chữa bệnh cho chó/mèo và các dịch vụ khác. Đối với mục (1), không nên dùng mệnh lệnh hành chính có tính áp đặt, cưỡng bức; bởi nó là thói quen, mà thói quen thì chỉ có vận động, xây dựng dư luận xã hội tốt để giảm dần, tiến tới bỏ hẳn.
“Trong số các loài vật, con chó có cấu trúc sinh học và hệ thần kinh gần với con người nhất”
Đối với mục (2), có thể tiến hành ngay được. Phải luật hóa, hoặc có những ban hành quy định cụ thể đối với người nuôi, cơ sở giết mổ, nhà hàng và các dịch vụ liên quan. Nếu các cơ quan quản lý hành chính vào cuộc tốt, kiên trì, chắc chắn sẽ sớm thiết lập được một trật tự lành mạnh về tình trạng trên. Nếu tiến hành tốt mục (2), tất yếu sẽ tác động tốt đến mục (1) như đã nêu.
Với riêng tôi, tôi sẽ không dám cấm đoán, phản đối những người thân, bạn bè tôi ăn thịt chó/mèo. Nhưng họ sẽ trở nên đáng yêu hơn trong tôi khi họ không ăn thịt chó/mèo.
Sinh thời, Giáo sư Nguyễn Hoàng Phương (1927-2004), nhà nghiên cứu nổi tiếng về các lĩnh vực vật lý, trường sinh học và tâm linh, trong một cuộc trò chuyện với các nhà văn trẻ chúng tôi, tôi nhớ như in câu nói của ông:
“Trong số các loài vật, con chó có cấu trúc sinh học và hệ thần kinh gần với con người nhất. Ăn thịt chó tức là ăn thịt người”. Do tôi là người dốt về lĩnh vực này nên không rõ độ tin cậy trong ý kiến của Giáo sư đến đâu, nhưng câu nói ấy cũng đã là một động lực giúp tôi bỏ hẳn thói quen ăn thịt chó.
Video: Hà Nội kêu gọi từ bỏ thói quen ăn thịt chó, mèo, người dân nói gì?
Bình luận