• Zalo

Thông tin cần biết về ưu tiên tuyển sinh năm 2016

Giáo dụcThứ Ba, 16/02/2016 03:33:00 +07:00Google News

TS Nguyễn Đức Nghĩa (ĐH Quốc gia TP.HCM) chia sẻ về điều chỉnh chính sách ưu tiên cho thí sinh trong kỳ tuyển sinh năm 2016.

TS Nguyễn Đức Nghĩa (ĐH Quốc gia TP.HCM) chia sẻ về điều chỉnh chính sách ưu tiên cho thí sinh trong kỳ tuyển sinh năm 2016.

Trước hết, với quan điểm đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong giai đoạn hiện nay, vẫn phải khẳng định: việc duy trì chính sách ưu tiên trong tuyển sinh ĐH, CĐ là cần thiết.
Nộp hồ sơ tại Trường ĐH Tôn Đức Thắng (TP.HCM) trong đợt xét tuyển năm 2015 - Ảnh: Như Hùng
Nộp hồ sơ tại Trường ĐH Tôn Đức Thắng (TP.HCM) trong đợt xét tuyển năm 2015 - Ảnh: Như Hùng 
Tuy nhiên, căn cứ trên tình hình thực tế, đặc biệt là do thay đổi cách thức thi và xét tuyển, cần có sự điều chỉnh về chủ trương và kèm theo đó là các biện pháp để thực hiện chính sách ưu tiên trong tuyển sinh ĐH, CĐ một cách công bằng và hợp lý.

1 Quy định về ưu tiên năm 2015 rất chi tiết, nhưng lại gây hiểu nhầm

Chính sách ưu tiên trong tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ được quy định tại điều 7 của quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy năm 2015.

Nội dung điều 7 này rất chi tiết, vì điều khoản này dài đến chín trang rưỡi, chiếm 1/3 số trang của quy chế tuyển sinh vốn chỉ có 28 trang.

Chính sách ưu tiên tuyển sinh năm 2015 cũng được điều chỉnh từ năm 2013, khi được căn cứ nhiều hơn trên các văn bản pháp quy nhà nước hơn là chỉ mang tính kế thừa quy định từ năm này sang năm khác như những năm trước đây.

Để phục vụ kỹ thuật cho việc xử lý chế độ ưu tiên trong tuyển sinh theo khu vực (KV) bằng máy tính, hằng năm Bộ GD-ĐT công bố danh mục các trường THPT theo KV ưu tiên.

Theo danh mục năm 2015, cả nước có 17 tỉnh được xếp ưu tiên KV1, gồm 11 tỉnh vùng núi và biên giới phía Bắc (Hà Giang, Cao Bằng, Lai Châu, Lào Cai, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Yên Bái, Sơn La, Hòa Bình, Điện Biên), 5 tỉnh Tây nguyên (Đắk Nông, Lâm Đồng, Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum) và 1 tỉnh duy nhất phía Nam là Sóc Trăng.

Như vậy, so với những năm trước, số địa phương được ưu tiên KV1 trên toàn quốc đã giảm bốn tỉnh.

Tuy nhiên, trong kỳ xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ 2015 vừa qua đã có nhiều ý kiến về sự công bằng hợp lý trong chính sách ưu tiên, và có nhiều khiếu nại liên quan đến xử lý kỹ thuật khi vận dụng chính sách ưu tiên, đặc biệt là ưu tiên KV, đến mức việc giải quyết chỉnh sửa ưu tiên phải kéo dài đến tận sau khi sinh viên nhập học (trước đây việc điều chỉnh ưu tiên phải kết thúc trước buổi thi đầu tiên).

Một trong các nguyên nhân dẫn đến sai sót đã xảy ra năm 2015 trong xử lý ưu tiên lại là do có sự hiểu nhầm điều 7, khoản 4 mục c, khi một số địa phương cho rằng thị xã của thành phố trực thuộc trung ương là KV2, còn thị xã trực thuộc tỉnh lại thuộc KV2 - nông thôn khiến nhiều thí sinh từ “đỗ” thành “trượt” do bị hướng dẫn khai sai KV ưu tiên.

2 Điều chỉnh ưu tiên năm 2015 
chưa thay đổi nhiều


Trước khi có điều chỉnh về ưu tiên KV và ưu tiên đối tượng từ năm 2014, số thí sinh được ưu tiên chiếm tỉ lệ rất lớn.

Thống kê tuyển sinh ĐH, CĐ trong hai năm 2012 và 2013 cho thấy các đối tượng không được ưu tiên gì (học sinh phổ thông thuộc KV3) chỉ chiếm khoảng 13-14%; còn số thí sinh được hưởng ưu tiên chiếm 87%, trong đó ưu tiên do KV chiếm tuyệt đại đa số (82% tổng số thí sinh) và cũng trong đó, số thí sinh được ưu tiên theo KV1 dao động hằng năm lên đến 33-39%.

Trong kỳ xét tuyển ĐH, CĐ 2015, số thí sinh thi tại các cụm thi do các trường ĐH chủ trì (để có thể dùng kết quả của kỳ thi THPT quốc gia đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH) lên đến gần 730.000, tuy nhiên số thí sinh thuộc KV3 (không được ưu tiên) chỉ chiếm khoảng 15%; trong khi số thí sinh được hưởng ưu tiên KV là 85% (KV1 được ưu tiên 1,5 điểm chiếm gần 32%, KV2 - nông thôn được ưu tiên 1 điểm chiếm 29% và KV2 được ưu tiên 0,5 điểm chiếm 24%).

Như vậy, tỉ lệ thí sinh được hưởng ưu tiên KV chỉ giảm rất ít so với năm 2013.

Một tình huống hoàn toàn khác với những năm tuyển sinh ĐH, CĐ theo phương thức ba chung trước đây là: trong kỳ xét tuyển ĐH, CĐ 2015 thí sinh đăng ký xét tuyển sau khi biết kết quả thi.

Trong đợt xét tuyển đầu tiên của năm 2015, thống kê 100 thí sinh có điểm thi cao nhất đăng ký xét tuyển vào ngành điện - điện tử của Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) cho thấy số thí sinh được ưu tiên KV và đối tượng chiếm đến 93%.

Tương tự như vậy, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM (có điểm chuẩn chung cho tất cả các ngành trong trường) tỉ lệ này là 92%. Thế nhưng, nếu như với ngành tài chính - ngân hàng của Trường ĐH Tài chính - marketing, tỉ lệ được ưu tiên ở top 100 là 83%, thì cũng ngành này ở Trường ĐH Tôn Đức Thắng tỉ lệ này còn 50-55% (cho tất cả các tổ hợp môn) và ở Trường HUFLIT tỉ lệ này chỉ còn 30%.

Rõ ràng là với cách thi và xét tuyển như hiện nay (tách riêng hai khâu thi và khâu xét tuyển, thí sinh đăng ký xét tuyển sau khi biết điểm thi), thí sinh có điểm cao sẽ tìm kiếm cơ hội ở những trường lớn và những ngành hấp dẫn. Và các thí sinh điểm cao lại được ưu tiên đối tượng hoặc ưu tiên KV (hoặc cả hai) sẽ càng tận dụng ưu thế của mình.

Hiện tượng “anh hùng hội tụ” này làm tăng nguy cơ “có điểm cao vẫn rớt”, nhưng sâu xa hơn là các trường ĐH lớn ở các thành phố lớn (thủ đô Hà Nội và TP.HCM) sẽ hút hết thí sinh giỏi của các địa phương khác, trong khi một số trường ĐH, CĐ ở các tỉnh vẫn thiếu nguồn tuyển.

Có lẽ đó cũng là một trong các nguyên nhân làm cho đợt 1 xét tuyển ĐH, CĐ năm 2015 bị rối loạn, vì một số thí sinh điểm cao này khi có nguy cơ trượt đã liên tục rút - nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển vào những ngày cuối đợt xét tuyển.

Điều chỉnh ưu tiên trên phương án nào?

Bộ GD-ĐT cho biết sẽ điều chỉnh chế độ ưu tiên vùng miền, ưu tiên đối tượng khi xét tuyển phù hợp với các quy định hiện hành và thực tiễn. Trong đó dự kiến có thể sẽ bãi bỏ cộng điểm đối với một số đối tượng và giảm mức điểm ưu tiên so với năm 2015 để đảm bảo sự công bằng đối với các đối tượng học sinh khác nhau.

Đáng lưu ý là thí sinh thuộc đối tượng ưu tiên quy định tại điểm b, khoản 4, điều 7 là học sinh có hộ khẩu thường trú tại các xã KV1, 2, 3 thuộc vùng dân tộc và miền núi; các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vào diện đầu tư của chương trình 135... nên được xem xét lại do không còn phù hợp với điều kiện hiện nay.

Việc tính KV tuyển sinh cũng cần được đưa ra quy định rõ ràng hơn về từ ngữ là: KV2 gồm các thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh; các huyện ngoại thành của thành phố trực thuộc trung ương (trừ các xã thuộc KV1).

Việc điều chỉnh từ ngữ nhằm không gây hiểu nhầm khi một số địa phương cho rằng thị xã của thành phố trực thuộc trung ương là KV2, còn thị xã trực thuộc tỉnh lại thuộc KV2 - nông thôn như từng xảy ra trong năm 2015.

Việc thay đổi mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa các nhóm đối tượng kế tiếp và giữa hai khu vực liền kề cũng cần hết sức cân nhắc, trên cơ sở nghiên cứu các số liệu tuyển sinh, vì nếu bất hợp lý sẽ gây khó khăn nguồn tuyển cho các trường thuộc 3 Tây (Tây Bắc, Tây nguyên và Tây Nam bộ).


TS Nguyễn Đức Nghĩa
Bình luận
vtcnews.vn