Cường kích Sukhoi Su-22 là phiên bản xuất khẩu của cường kích Su-17, do Liên Xô sản xuất từ năm 1977 dựa trên phiên bản cường kích Su-17M2 với động cơ R-29BS-300. Liên Xô phát triển cường kích Su-17 từ khoảng giữa những năm 1960, chuyến bay đầu tiên được thực hiện vào ngày 2/8/1966 và tới năm 1970, quân đội Liên Xô đưa cường kích Su-17 vào biên chế.
Vào đầu những năm 1960, Cục thiết kế Sukhoi bắt đầu chương trình hiện đại hóa sâu tiêm kích ném bom Su-7, chiến cơ hiện đại bậc nhất của Liên Xô vào thời kỳ bấy giờ. Công đoạn hiện đại hóa bao gồm trang bị các trang thiết bị điện tử hiện đại và các thiết kế hàng không khác của chiến cơ này.
Phiên bản thử nghiệm của Su-17 có tên mã S-32, việc sản xuất hàng loạt cường kích này được bắt đầu vào năm 1969 tại Nhà máy Hàng không mang tên Yuri A. Gagarin tại thành phố Komsomolsk trên bờ sông Amur. Đơn vị đầu tiên được trang bị cường kích này là Trung đoàn Không quân Tiêm kích – Ném bom số 523 của Quân khu phía Đông.
Việc sản xuất cường kích Su-17 được kéo dài đến năm 1990 với tổng cộng 2.867 chiếc thuộc các phiên bản khác nhau. Trước phiên bản xuất khẩu Su-22, Liên Xô chế tạo phiên bản xuất khẩu Su-20 trên cơ sở Su-17M từ năm 1972 đến năm 1975.
Điểm đáng chú ý trong thiết kế của cường kích Su-17/Su-20/Su-22 là thiết kế “cánh cụp cánh xòe”, cánh của cường kích này có thể thay đổi hình dạng để xòe ra khi bay ở độ cao thấp khi làm nhiệm vụ bay tuần tra, hoặc cụp lại để bay với tốc độ cao hơn.
Cường kích Su-17/Su-20/Su-22 có chiều dài sải cánh xòe 13,68 m, cánh cụp 10,02 m, tải trọng cất cánh tối đa là 19 tấn. Cường kích này có thể bay với vận tốc tối đa 1400 km/h trên biển và 1860 km/h ở độ cao lớn, trần bay 14.200 m, tầm bay 1.150 km (tấn công) và 2.300 km (tuần tiễu) với bán kính chiến đấu là 360 km (bay thấp) và 630 km (bay cao) khi mang theo 2,2 tấn vũ khí.
Phần lớn các phiên bản Su-17/Su-20/Su-22 chỉ do 1 phi công điều khiển, trừ phiên bản huấn luyện như Su-17UM, Su-17UM3 và Su-22U có 2 chỗ ngồi. Hiện chỉ có một số quốc gia sử còn sử dụng cường kích Su-22, bao gồm Angola, Lybia, Syria và Việt Nam, nhiều quốc gia loại biên hoàn toàn hoặc chỉ giữ số ít cường kích này trong kho niêm cất.
Video: Cường kích Su-22 trong Không quân Cộng hòa Dân chủ Đức
Bình luận