Tờ Financial Times (FT) dẫn lời Hendrik Neumann, giám đốc kỹ thuật của công ty điều hành lưới điện Amprion (Đức) cho biết, Berlin đang tính đến phương án tạm thời ngừng xuất khẩu điện trong mùa đông sắp tới, áp dụng với cả các nước đồng minh thân cận ở châu Âu.
Financial Times nhận định đây là một trong vài giải pháp có thể giúp Đức đáp ứng nhu cầu sử dụng điện để sưởi của người dân nước này tăng cao trong mùa đông.
Tuy nhiên đại diện của Amprion vẫn tỏ ra lạc quan khi nói rằng việc dừng xuất khẩu điện chỉ diễn ra cục bộ và trong thời gian ngắn.
“Chúng tôi đang xây dựng kịch bản cắt giảm sản lượng điện xuất khẩu khi vào mùa đông”, Neumann nói với FT. Giám đốc Amprion cũng cho biết khủng hoảng năng lượng không chỉ diễn ra ở Đức mà cả châu Âu. Trong khi đó tình hình ở Ukraine không có dấu hiệu hạ nhiệt và lệnh cấm vận năng lượng Nga đang tác động tiêu cực đến châu Âu.
Không chỉ ở Đức, Pháp cũng đang đối mặt với nguy cơ thiếu điện khi một nửa số nhà máy điện hạt nhân của nước này phải ngừng hoạt động để bảo trì, nguồn cung than đá cho các nhà máy nhiệt điện cũng không ổn định. Về năng lượng tái tạo, dù đáp ứng được một phần nhu cầu hiện tại nhưng sẽ không đủ trong mùa đông, đó là còn chưa kể ngành công nghiệp nặng của Pháp cũng đang rất cần điện.
Trong nhiều năm qua, Đức luôn là một trong những quốc gia xuất khẩu điện hàng đầu ở châu Âu. Chỉ tính riêng năm ngoái, Berlin đã bán được 17.400 gigawatt (GWh) điện cho các nước thuộc liên minh châu Âu (EU).
Pháp và Áo là những khách hàng lớn của ngành công nghiệp điện của Đức. Pháp nhập khẩu 6.000 GWh điện từ Đức từ tháng 1 đến tháng 3 năm nay, chiếm 5% tổng sản lượng điện của Đức trong giai đoạn này, theo dữ liệu từ tổ chức nghiên cứu Fraunhofer ISE. Con số này lớn gấp 5 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Giới phân tích cho rằng xuất khẩu điện của Đức giảm có thể làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu nguồn cung điện ở Pháp. Tháng trước, một báo cáo chỉ ra rằng Pháp thậm chí có thể ngừng xuất khẩu điện cho Italia trong hai năm, do vấn đề kỹ thuật của các nhà máy điện hạt nhân. Tuy nhiên, Paris sau đó đã bác bỏ những thông tin này
Chính phủ Pháp đã thúc giục Tập đoàn Điện lực quốc gia Pháp (EDF) khởi động lại 32 lò phản ứng hạt nhân hiện đang ngừng hoạt động càng sớm càng tốt. Những cơ sở này tạm ngừng hoạt động từ đầu năm 2022 do vấn đề ăn mòn bên trong lò phản ứng và cho đến nay vẫn đang được bảo trì.
EDF gần đây cho biết sản lượng điện hạt nhân của họ đã giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 30 năm do vấn đề kỹ thuật tại các nhà máy điện hạt nhân sau nhiều thập kỷ hoạt động.
Bình luận