• Zalo

Thể thao thế giới 2012: Sặc mùi doping, tham nhũng

Thể thaoThứ Tư, 19/12/2012 06:30:00 +07:00Google News

(VTC News)- 2012, năm của thế vận hội, của vòng chung kết bóng đá châu Âu, đã ghi nhận hàng loạt sự kiện thể thao có sức tác động lớn trên toàn thế giới.

(VTC News)- 2012, năm của thế vận hội, của vòng chung kết bóng đá châu Âu, đã ghi nhận hàng loạt sự kiện thể thao có sức tác động lớn. VTC News điểm lại những điểm nhấn đáng chú ý trong bức tranh thể thao toàn cầu 12 tháng qua.


1. Scandal doping thế kỷ của Lance Armstrong

Hình ảnh cua-rơ người Mỹ - Lance Armstrong vượt qua căn bệnh ung thư quái ác, vô địch 7 lần liên tiếp cuộc đua xe đạp danh giá Tour de France, gây quỹ từ thiện Livestrong giúp đỡ các bệnh nhân ung thư… từ lâu đã trở thành huyền thoại, một tấm gương cao cả cho biết bao thế hệ người hâm mộ. Nhưng sau vụ phanh phui nghi án doping của Lance Armstrong, hình tượng ấy sụp đổ và làm cả thế giới rung chuyển.

Trung tuần tháng 10/2012, Ủy ban Chống Doping Mỹ (USADA) cáo buộc "huyền thoại Tour de France" đã sử dụng doping và "trốn thoát" những cuộc kiểm tra nhờ một hệ thống gian lận tinh vi có tổ chức mà chính Lance Armstrong đứng đầu. Ngay sau đó, Liên đoàn Xe đạp Quốc tế (UCI) đã chính thức tước 7 danh hiệu vô địch Tour de France và cấm thi đấu đến suốt đời với Lance Amstrong.

 Armstrong được cho là kẻ lừa dối vĩ đại nhất mọi thời đại.

Theo lời khai các nhân chứng, Lance Armstrong đã nhiều lần sử dụng doping, chủ yếu là chất EPO qua đường truyền máu. Các thủ thuật lách luật mà Lance Armstrong đã sử dụng để trốn nhân viên kiểm tra, sử dụng lời khai giả đánh lạc hướng, dùng các loại doping mới, thậm chí đe dọa các nhân chứng, móc nối với những người có vai vế… Lance còn xây dựng được cả "1 ekip gian lận chuyên nghiệp".

Hệ thống của Lance Armstrong được tổ chức tinh vi, tất cả các thành viên đều rất “đoàn kết”. Họ nhắn tin để cảnh báo trước những vụ kiểm tra doping đột xuất của cơ quan chức năng.

Sau khi bị “vạch mặt”, Lance Amstrong đã chủ động rút lui khỏi cương vị chủ tịch quỹ Livestrong hòng bảo vệ những người bệnh ung thư như anh. Tuy nhiên, hành động đó không làm người hâm mộ nguôi ngoai. Họ gọi Amstrong là kẻ phản bội của làng thể thao, đòi đốt áo, cắt vòng tay – những thứ một thời là biểu tượng của Amstrong, của tinh thần thể thao bất diệt. Những nhà tài trợ cũng lần lượt rút lui khiến thu nhập của ngôi sao người Mỹ sụt giảm thê thảm.

 Livestrong - quỹ từ thiện giúp đỡ nạn nhân ung thư do Armstrong lập nên bngười hâm mộ tẩy chay.

Sự kiện Amstrong sử dụng doping khiến thế giới quá đỗi bàng hoàng và hoang mang. Bàng hoàng ở chỗ một biểu tượng trong lòng hàng triệu người nhiễm căn bệnh ung thư quá ác đã sụp đổ. Hoang mang ở chỗ thật, giả, đúng, sai quá đỗi mong manh.

2. Bóng đá dột từ nóc... FIFA


Giống môn đua xe đạp, bóng đá cũng trải qua một năm với vô vàn sự kiện đau thương và đáng quên. Sau hàng loạt vụ tham nhũng, đấu đá quyền lực năm 2011 dẫn tới việc đình chỉ hoạt động suốt đời với phó chủ tịch Mohamed bin Hammam, Liên đoàn Bóng đá Thế giới FIFA lại bùng nổ một scandal mới trong năm 2012.


 Havelange và Teixeira tham nhũng hàng chục triệu euro trong thời kỳ tại chức.

Theo những tài liệu của tòa án Thụy Sỹ, người tiền nhiệm của đương kim chủ tịch Sepp Blatter, ông Havelange và thành viên Ban chấp hành FIFA Ricardo Teixeira đã nhận hối lộ trong thời gian tại vị số tiền khổng lồ lên tới 17 triệu euro. Đây là hai nhân vật duy nhất bị công bố danh tính trong bản báo cáo về vụ tham nhũng liên quan tới Công ty kinh doanh thể thao quốc tế ISL và FIFA.

Havelange giữ chức chủ tịch FIFA trong 24 năm trước khi nhường chỗ cho Sepp Blatter vào năm 1998. Người đàn ông Brazil 96 tuổi đang phải điều trị bệnh viêm khớp tự hoại tại bệnh viện Rio de Janeiro. Còn Ricardo Teixeira, ông từng là con rể của Havelange và đã phải từ chức chủ tịch Liên đoàn bóng đá Brazil, trưởng ban tổ chức World Cup 2014, đồng thời rời ghế thành viên Ủy ban điều hành FIFA trong năm nay.

Bê bối này chỉ là sự kiện mới nhất trong serie vụ việc tham nhũng làm vấy bẩn hình tượng cơ quan bóng đá quyền lực nhất hành tinh.

3. Thảm họa bóng đá ở Ai Cập: 74 người chết

Tại Ai Cập, 1-2-2012 trở thành ngày đen tối trong lịch sử quốc gia Bắc Phi khi thảm họa bóng đá đẫm máu xảy ra tại thành phố cảng Port Said khiến hơn 70 người thiệt mạng. Trong một trận đấu tại giải vô địch quốc gia Ai Cập, 13 nghìn fan chủ nhà Al-Ahly được trang bị dao găm, rựa và tông xông thẳng xuống sân và hành hung cầu thủ lẫn CĐV đội khách Al.


Thảm họa thể thao tồi tệ nhất nhân loại trong vòng 16 năm qua.

Ngay sau sự kiện kinh hoàng đó, toàn bộ ban lãnh đạo liên đoàn bóng đá Ai Cập đã bị thủ tướng Ka-Man En-Gen-Zou-Ri bãi nhiệm. Lịch thi đấu ở giải VĐQG cũng bị hoãn vô thời hạn. Nhiều quan chức Liên đoàn cùng quan chức an ninh địa phương đã phải ra hầu tòa.

Theo thống kê, 'Ngày đen tối' ở Ai Cập là sự kiện thể thao tang thương nhất kể từ tháng 10 năm 1996. Đến giờ, kỷ lục về số thương vong trong lịch sử thể thao nhân loại thuộc về trận bóng giữa Peru và Argentina năm 1964. Tổng cộng, 318 CĐV đã bỏ mạng ở Lima năm đó.

4. Trung Quốc và scandal gian lận cầu lông Olympic

Sau Lance Armstrong, scandal thể thao lớn nhất liên quan tới gian lận thi đấu thuộc về 8 nữ VĐV cầu lông tại Olympic 2012 trong đó có 4 người Hàn Quốc, 2 người Trung Quốc và 2 người Indonesia.

Các cặp đấu Trung Quốc 1 - Hàn Quốc 1 và Indonesia - Hàn Quốc 2 đã diễn một vở kịch dở tệ trước hàng nghìn khán giả có mặt tại nhà thi đấu Wembley Arena. Không cặp đôi nào muốn thắng nhằm tránh đụng độ cường địch ở tứ kết. Cái tên bị chỉ trích nhiều nhất trong scandal là Trung Quốc khi nhiều chuyên gia, VĐV cáo buộc họ đã sử dụng trò giả dối này nhiều lần trong các giải đấu trước đó.


8 VĐV Trung Quốc, Hàn Quốc, Indonesia bị trục xuất về nước vì tội "làm vấy bẩn tinh thần Olympic và nỗi hổ thẹn của quốc gia".

Sau sự kiện trên, VĐV Trung Quốc Yu Yang đã tuyên bố giải nghệ dù vẫn có thể thi đấu đỉnh cao được nhiều năm nữa. HLV trưởng đội tuyển cầu lông nước này Li Yongbo cũng chính thức đưa ra lời xin lỗi tới toàn thể người hâm mộ vì những hành vi đáng xấu hổ của đội.


Phá Hoàng
Bình luận
vtcnews.vn