• Zalo

Tháng 9: Dân công sở cẩn trọng lây đau mắt đỏ

Sức khỏeThứ Ba, 09/09/2014 04:18:00 +07:00Google News

(VTC News) – Dân công sở cần cảnh giác trước bệnh đau mắt đỏ, vào tháng 9, bệnh thường có dấu hiệu gia tăng.

(VTC News) – Dân công sở cần cảnh giác trước bệnh đau mắt đỏ, vào tháng 9, bệnh thường có dấu hiệu gia tăng.

Tháng 9/2013, lượng bệnh nhân bị đau mắt đỏ đến khám tại các bệnh viện gia tăng. Sang tháng 9 năm nay, bắt đầu xuất hiện nhiều hộ gia đình tại Hà Nội bị đau mắt đỏ.

Dù không phải là bệnh nguy hiểm nhưng đau mắt đỏ dễ lây, gây khó chịu cho mắt. Vì vậy, người phải làm việc thường xuyên với máy tính sẽ gặp khó khăn trong  công việc, thậm chí phải nghỉ làm.

Đau mắt đỏ khiến nhiều người phải nghỉ làm.
Tại Khoa khám bệnh, Bệnh viện Mắt Trung ương số người đến khám đau mắt đỏ đã có chiều hướng gia tăng, đa số các trường hợp đến khám bệnh đều đã đã bị đau mắt đỏ hoặc có triệu chứng ban đầu của bệnh đau mắt đỏ.


Bệnh viện đã tiếp nhận khám và điều trị cho khoảng 60 đến 70 lượt bệnh nhân/ ngày. Con số này so với các đợt dịch đỉnh điểm hàng năm tuy chưa bằng (khoảng 100 ca/ngày) nhưng cũng đã tăng khá nhiều so với những ngày bình thường.

Tại bệnh viện Mắt Hà Nội, bệnh nhân đến khám đau mắt đỏ cũng tăng so với tháng trước.

Đau mắt đỏ rất dễ lây và đường lây quá phong phú, nên nhiều khi khó kiểm soát nguồn lây. Virus adeno – tác nhân gây bệnh đau mắt đỏ có thể truyền qua tiếp xúc (tay – mắt), qua đường hô hấp.

Nếu một người trong công sở bị đau mắt đỏ, các đồng nghiệp trong phòng tuy tránh chạm mặt trò chuyện nhưng sau đó họ vẫn có thể lây do virus từ hơi thở bệnh nhân phát tán vào không khí.

Tay người bệnh dụi mắt rồi chạm vào bàn phím máy tính, vào điện thoại bàn, điều khiển điều hòa, tay nắm cửa, bảng điều khiển thang máy…, nơi mà các đồng nghiệp sau đó cũng chạm vào.

Một người bị đau mắt đỏ có thể là nguồn lây trong vòng gần 20 ngày, thậm chí lâu hơn nếu họ đau mắt kéo dài. Và tình trạng truyền virus khi bệnh chưa phát hoặc đã khỏi khiến rất nhiều người bị đau mắt đỏ mà không thể biết mình lây từ đâu.

Theo bác sỹ Nguyễn Đông, Bệnh viện Bưu điện, bệnh đau mắt đỏ thông thường sẽ khỏi sau 1 tuần. Tuy nhiên, có người mắc với thời gian lâu hơn.

Nếu sau 7 ngày, bệnh vẫn nặng không đỡ, bệnh nhân phải đến khám lại. Vì có trường hợp mắt xuất hiện giả mạc, khi đó phải bóc bỏ.

Nếu bị viêm kết mặc không được điều trị đúng cách có thể bị các biến chứng nguy hiểm như  viêm giác mạc, loét giác mạc, khô mắt, giảm thị lực, viêm màng bồ đào…

Ngoài việc dùng thuốc đặc trị, bệnh nhân cần bổ sung thêm vitamin C để tăng sức đề kháng, dùng thuốc hỗ trợ giảm viêm.

Ngày 9/9, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) vừa khuyến cáo về việc phòng, chống bệnh đau mắt đỏ. Theo Cục này, bệnh thường diễn biến lành tính, các biến chứng nặng ít gặp nhưng có thể xảy ra.

Hiện nay chưa có vắc-xin phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu. Để chủ động phòng bệnh, người dân cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng. Rửa mặt hằng ngày bằng khăn mặt riêng với nước sạch.

Bạn cần vệ sinh mắt, mũi, họng hàng ngày bằng các thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi, nước súc họng thông thường. Sử dụng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường sát trùng các đồ dùng, vật dụng của bệnh nhân.

Không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng. Không dùng chung lọ thuốc nhỏ mắt, vật dụng cá nhân dễ bị nhiễm mầm bệnh như khăn mặt, kính mắt.

Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân hoặc người nghi bị đau mắt đỏ. Người bệnh hoặc người nghi bị đau mắt đỏ cần hạn chế tiếp xúc với người khác và đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời. Không tự ý điều trị khi chưa có hướng dẫn của cán bộ y tế.

» Ăn những loại rau này, gan bạn sẽ khỏe
» Bảo quản thực phẩm từ thiên nhiên
» Muốn hết yếu sinh lý, đàn ông phải kiêng thực phẩm này
» 13 thực phẩm đỏ tốt cho sức khỏe

Nam Anh

                                                                                                                                                                                                        

Bình luận
vtcnews.vn