Tính cả thời gian yêu, cưới và có với nhau hai con trai, anh chỉ về phép vẻn vẹn 6 lần. Và cũng chỉ có duy nhất một năm hai người được cùng nhau đi chúc Tết họ hàng, tính đến nay cũng đã gần 30 năm.
Ngôi nhà của chị Trần Thị Liễu (vợ liệt sĩ Nguyễn Mậu Phong, hi sinh trong trận chiến bảo vệ đảo Gạc Ma năm 1988) nằm trong một con hẻm ở thôn Hiền Lộc, xã Duy Ninh, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình).
Thiệt thòi người mẹ, tự hào các con
Hôm chúng tôi đến, căn nhà nhỏ chỉ có hai bà cháu ở nhà. Anh Nguyễn Mậu Trường (con cả) đang đi làm ăn ở Vũng Tàu, còn anh Nguyễn Tiến Xuân (con trai út) vẫn đang làm nhiệm vụ ở Cam Ranh, Khánh Hòa.
Nhắc chuyện xưa, chị Liễu nhớ lại, năm 1980, chị đi bộ đội ở Kon Tum và Gia Lai được 4 năm thì ra quân. Còn anh Phong cũng đi bộ đội hải quân từ năm 1977.
Chị Liễu luôn là hậu phương vững chắc để con trai hoàn thành nhiệm vụ |
“Bốn năm tôi đi bộ đội thì cũng chừng đó năm tôi và anh Phong thư qua thư lại rồi yêu nhau lúc nào không biết, năm 1984, cả hai chúng tôi về quê và quyết định tổ chức đám cưới. Cũng vào gần dịp Tết, nên hai vợ chồng được ở với nhau 1 tháng”, chị Liễu kể.
Năm đó, chị được cùng anh đi chúc Tết khắp họ hàng, làng xóm. Với chị, đó không phải là cái tết no ấm nhất, nhưnh là cái tết hạnh phúc nhất, vì có anh bên cạnh.
Chị cũng không thể ngờ đó lại là cái tết đầu tiên và cũng là cuối cùng hai người được đón cùng nhau.
Anh đi rồi, chị ở nhà mang bầu và tháng 8/1985, Nguyễn Mậu Trường chào đời. Cuộc sống vất vả, chị đã rất cố gắng để nuôi dạy con, còn anh vẫn đằng đẵng nơi đầu sóng ngọn gió, những cánh thư lại nối đất liền và hải đảo như những ngày mới yêu nhau.
Một năm anh mới về phép được một lần để thăm chị, thăm con. Hết phép, vợ chồng lại bịn rịn hẹn ngày về. Biết nhiệm vụ của chồng nên chị luôn động viên anh cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ đươc giao, ở nhà đã có chị lo liệu.
Anh Nguyễn Tiến Xuân nhổ tóc bạc cho mẹ trong lần về phép gần đây nhất |
Đầu năm 1986, anh được về thăm gia đình, đợt về phép đó anh chị có người con thứ hai, nhưng lúc ra đi anh chưa hề biết có một mầm sống đang lớn dần trong bụng chị. Năm 1987, chị sinh con trai và đặt tên là Nguyễn Tiến Xuân.
Biết vợ sinh con trai thứ hai nhưng anh chưa một lần được gặp mặt con. Những cái hẹn về thăm nhà cứ thế không bao giờ thực hiện khi gần Tết năm 1988, anh viết thư về và hẹn sớm thì tháng 3 mà muộn thì tháng 6 sẽ về.
Nhưng anh không về nữa. Trong trận đánh bảo vệ đảo Gạc Ma vào ngày 14/3/1988, anh đã anh dũng hi sinh khi lời hứa về thăm với chị và hai con Trường, Xuân còn dang dở.
“Xuân này con không về!”
“Thương hai đứa con đứt ruột, lúc ba hi sinh, chúng còn nhỏ quá, tuổi thơ lại cơ cực, không đủ ăn đủ mặc nên lúc may áo khó cho Xuân nó còn tưởng là áo mới”, chị nhớ lại.
Sau khi anh hi sinh, cuộc sống của ba mẹ con lại càng khó khăn hơn, để nuôi con, ai thuê gì chị cũng làm. Có những hôm chị phải đi cấy cách nhà 12km.
“Đến 8h tối mà vẫn chưa thấy mẹ về là thằng Xuân và ông ngoại lại đốt đuốc đi tìm, lần nào nó cũng đòi cột chân mạ lại, mai không cho đi cấy nữa”, chị kể tiếp.
Niềm thôi thúc muốn làm lính hải quân như ngấm vài hai đứa con chị, và cả hai học đều khá, giỏi.
“Hồi nhỏ Xuân toàn xin ảnh, báo có hình biển đảo, lính hải quân về dán khắp nhà. Rồi lâu lâu lại mang ba lô, sung giả, đội mũ của ba tập đánh trận giả, bắn đùng đoàng một mình trong nhà.
Rất ít khi ba mẹ con có cơ hội đoàn tụ cùng nhau |
Ước mơ của Xuân là lớn lên được làm lính hải quân, được vào đơn vị của ba, được ra hòn đảo mà ba ngã xuống, được thắp cho ba nén nhang cho ba bớt lạnh lẽo nơi sóng gió”, chị Liễu kể lại.
Biết thế nên Xuân rất chăm học, năm nào cũng đạt học sinh khá giỏi, hết lớp 12 anh đi khám sức khỏe nhưng vì run quá nên không qua được vòng kiểm tra.
Năm đó anh đi học Đại học Thủy sản nhưng sau đó đã bảo lưu kết quả và tự ôn thi lại. Trong thời gian chờ kết quả, cả hai anh em đã viết đơn tình nguyện đi lính Trường Sa. Đơn của hai anh em được chấp nhận thì cũng là lúc anh Xuân biết kết quả đậu học viện hải quân vao năm sau.
Chị Liễu là người đưa anh Trường đến với đơn vị cũ của ba để con được làm nhiệm vụ. Được hơn 2 năm thì ra quân, bao nhiêu ước mơ hoài bão giờ cả nhà đều đặt hết vào Xuân.
Liên lạc với anh Xuân, anh cho biết, Tết năm ngoái anh đã về thăm mẹ, năm nay sẽ ở lại canh giữ biển trời Tổ quốc.
Biết mẹ sẽ nhớ. Rồi mẹ sẽ khóc. Nhưng đó là giọt nước mắt tự hào, vì mẹ vẫn luôn luôn động viên anh hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Và Tết này, anh sẽ cùng đồng đội thả hoa ở Trường Sa, cho bố!
Nguồn: Vietnamnet
Bình luận