• Zalo

Tết của giáo viên ở lớp tình thương

Kinh nghiệm sốngThứ Sáu, 04/02/2022 17:01:19 +07:00Google News

Một lớp tình thương ở TP.HCM, tuy không có nhiều kinh phí nhưng thầy, trò vẫn cố gắng trang trí lớp, tổ chức nhiều hoạt động mang lại không khí Tết cho trẻ em nghèo.

Trong căn nhà hơn 20m2, nằm lọt thỏm giữa xóm lao động, tiếng vui đùa, chúc Tết của 24 học sinh vang lên rôm rả. Cả năm mới có dịp các em được nghỉ ngơi, không hối hả chạy đến lớp khi vừa đi làm về. 

Học trò biết chữ là món quà Tết quý giá

Cứ 18 giờ 30 mỗi tối, căn nhà số 30D, khu phố 2 đường HT23 (quận 12, TP.HCM) lại vang lên tiếng học trò đọc chữ. Người dân sống xung quanh cũng đã quen hình ảnh thầy giáo Khải đứng lớp dạy cho vài chục học trò có hoàn cảnh khó khăn. Nhưng hai năm gần đây, dịch bệnh COVID-19 ập đến, phụ huynh đón con về quê, lớp học đóng cửa, xóm nhỏ cũng buồn hơn hẳn.

Anh Huỳnh Quang Khải, 32 tuổi, chủ của lớp học tình thương Ngọc Việt, cho biết những tháng gần đây, tình hình dịch ổn, TP cho mở cửa lớp học, các em đã trở lại nhưng không đông như trước, chỉ còn 24 em. Suốt 13 năm từ khi mở lớp học tình thương, đây là lần đóng cửa lâu và ít học trò nhất.

Tết của giáo viên ở lớp tình thương - 1

Anh Huỳnh Quang Khải tổ chức cho học sinh của lớp tình thương Ngọc Việt cúng tất niên năm 2021, đón năm mới 2022. Ảnh: NVCC

Ở lớp học này, em nhỏ tuổi nhất là 8 tuổi đang học lớp 1, còn lớn nhất là anh học trò 39 tuổi học lớp 2. Anh Khải kể, anh dạy từ lớp 1 đến lớp 5, cho học trò từ 8 đến 19 tuổi nhưng đôi lúc có những anh chị lớn tuổi không biết chữ đến xin học thì anh cũng nhận và dạy kèm riêng. "Mình đã mở lớp học thì phải nhận hết. Có khi nhận cả gia đình người Khơ-me gồm ông bà, cha mẹ để dạy học. Giúp họ biết chữ, dù cực hơn dạy trẻ nhưng cũng vui" - anh Khải chia sẻ.

Nhìn sang đám học trò đang reo vui nhận lì xì Tết, anh Khải cười buồn, nói rằng những đứa trẻ này đều có hoàn cảnh khó khăn. Đứa mất cha, đứa mất mẹ, đứa sống với ông bà, nghèo khó, rồi có đứa không may mắn bị khuyết tật. Hằng ngày, chúng phải đi làm thêm kiếm tiền, nuôi bản thân và gia đình. "Lo bữa cơm no đối với những gia đình lao động nghèo còn khó, nói gì đến đi học" - anh Khải nói.

Vì vậy, có lúc đang học thì phụ huynh đến đưa con về, họ nói "thời gian nó đến lớp học thì có thể đi làm thêm kiếm tiền lo cho gia đình, học làm gì để rồi nhịn đói". Nhiều lần, anh Khải phải đến tận nhà, khuyên nhủ, động viên gia đình cho trẻ đến lớp. Những học sinh đi học đủ tuần, không nghỉ ngày nào, anh sẽ tặng các em túi gạo, mắm, muối... để mang về nhà, như vậy học trò sẽ có động lực đến lớp.

Tết của giáo viên ở lớp tình thương - 2

Các học sinh trong lớp tình thương cùng nhau dọn dẹp lớp học đón Tết Nguyên đán 2022. Ảnh: NVCC

Từ lúc mở lớp, chưa bao giờ anh nghĩ đến việc sẽ có lương thưởng. Khi dịch ập đến, công việc hướng dẫn viên du lịch của anh không làm được, anh mở xe bánh mỳ để kiếm thêm thu nhập, lo cho các em. Dù còn nhiều thiếu thốn, nhưng khi Tết đến Xuân về, anh Khải cũng tổ chức cho các em một buổi trại Xuân. Các em được cùng nhau trang trí lớp học, cắm trại tại lớp qua đêm và ăn uống, nhận lì xì.

Đối với anh Khải, niềm vui lớn hơn khi được nhận quà Tết là các em học tốt, bước ra đời không phạm pháp, có ích xã hội.

"Thưởng Tết" là nhìn học trò tiến bộ mỗi ngày

Cũng như anh Khải, với sức trẻ của mình, anh Danh Anh Tuấn (30 tuổi, TP.HCM) mở lớp học tình thường dưới chân cầu Rạch Ông (quận 7, TP.HCM) được gần 10 năm. Người dân ở đây chủ yếu là dân lao động nhập cư, đời sống còn nhiều khó khăn, các em chưa một lần được đến trường. Số lượng học sinh thường xuyên biến đổi vì gia đình các em phải di chuyển đến nơi xa hơn tìm cơ hội việc làm, hoặc về quê. Đến nay còn 37 em theo lớp học. 

Anh Tuấn cho biết vì là gia đình nhập cư nên có hai nguyên nhân chính khiến cho các bé không được đi học ở trường chính quy là về giấy tờ và kinh phí học tập. Hiện nay, bên phía lớp học vẫn ưu tiên phối hợp cùng các tổ chức - đoàn thể để hỗ trợ cho các bé về giấy tờ để đủ điều kiện theo học. Một số khác thì vì nhiều lý do, không thể tiếp tục học ở trường học nên đến học tại lớp học tình thương.

Lớp học đang dạy chương trình từ tiểu học (lớp 1-5) tùy vào trình độ của mỗi bé mà phân vào khối lớp phù hợp, không phân chia theo độ tuổi. Các môn học đang được dạy tại lớp gồm: Tiếng Việt, Tiếng Anh, Toán, Mỹ Thuật, Nhảy, Võ Thuật và Kỹ Năng.

Tết của giáo viên ở lớp tình thương - 3

Anh Danh Anh Tuấn (áo trắng) cùng nhà hảo tâm tặng quà cho học sinh của lớp học tình thương. Ảnh: NVCC

Trong dịp Tết này, lớp học của anh Tuấn kết hợp cùng các bạn tình nguyện viên của Xuân tình nguyện trường Đại học Y Dược TP.HCM tổ chức chương trình vui chơi trao quà Tết gồm nhiều nhu yếu phẩm đến gia đình các bé. Ngoài ra, lớp học cũng kết hợp với câu lạc bộ Sức khỏe sinh sản cũng thuộc Đại học Y Dược TP.HCM để tổ chức các buổi chia sẻ kiến thức và giao lưu liên quan đến chủ đề "Chăm sóc Cơ thể & Tâm lý tuổi dậy thì" nhằm kịp thời cho các em có được những kiến thức cơ bản nhất khi bước vào độ tuổi có nhiều chuyển biến này.

"Nhìn thấy sự tiến bộ của học sinh từng ngày, thấy sự thay đổi quan điểm về giáo dục từ phía gia đình các em là "tiền lương, thưởng" lớn nhất đối với tôi. Sau nhiều năm miệt mài trao đi con chữ, tôi thấy mình đủ hạnh phúc vì có thể chung tay thay đổi một cuộc đời" - anh Tuấn bộc bạch.

(Nguồn: Người Lao Động)
Bình luận
vtcnews.vn