(VTC News) – 10 tàu Hải giám, Ngư chính Trung Quốc được nói là đã tuần tra bảo vệ chủ quyền và xua đuổi tàu nghiên cứu nghề cá tại Senkaku/Điếu Ngư.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc nói đội tàu liên hợp gồm 8 tàu Hải giám và 2 tàu Ngư chính nước này đã thành công trong việc đuổi tàu cá của Nhật Bản ở quanh quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư mà hai nước cùng tuyên bố chủ quyền.
Tàu công vụ Trung Quốc và Nhật 'vờn' nhau trên biển hồi tháng 9/2012 - Ảnh: Chinanews |
Theo đó, lúc 10 giờ sáng nay, giờ Bắc Kinh, các tàu cá làm nhiệm vụ nghiên cứu nghề cá và tàu của lực lượng phòng vệ bờ biển Nhật đã “buộc phải rút lui trước sức ép mạnh mẽ của tàu công vụ Trung Quốc”, theo hãng tin Chinanews.
Theo truyền thông Nhật Bản, tối qua, 22/4, Khoảng 10 thuyền chở các nhà dân tộc chủ nghĩa Nhật Bản tiến ra vùng biển gần quần đảo tranh chấp với Trung Quốc để khảo sát các ngư trường xung quanh.
Đài truyền hình Nhật Bản NHK nói giới chức nước này ghi nhận vụ việc 8 tàu hải giám Trung Quốc xâm phạm lãnh hải Nhật Bản ở quần đảo Senkaku nhưng đài này không nói về việc tàu Nhật Bản bị xua đuổi như tin của Chinanews.
Sự việc rượt đuổi nhau giữa tàu công vụ Trung Quốc và Nhật Bản diễn ra trùng ngày với việc 168 quan chức trong Nghị viện Nhật đến viềng đền chiến tranh đền Yasukuni.
Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga nói ông cảm thấy “lấy làm tiếc” về vụ việc và khẳng định “chuyện viếng đền Yasukuni và tàu công vụ Trung Quốc không hề có quan hệ nhân quả”.
Trong diễn biến liên quan, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe tuyên bố sẽ dùng vũ lực để trục xuất bất kỳ công dân Trung Quốc nào đổ bộ lên quần đảo vốn là trung tâm của một cuộc tranh chấp lãnh thổ giữa hai nước.
“Sẽ là lẽ thường tình khi chúng ta dùng vũ lực để trục xuất nếu người Trung Quốc đổ bộ”, Thủ tướng Abe nhấn mạnh.
Bộ Ngoại giao Nhật Bản hôm nay cũng đã triệu đại sứ Trung Quốc tới để phản đối hành động trên.
Đền Yasukuni là nơi thờ phụng những người lính tử trận vì đã chiến đấu cho Thiên hoàng. Đến tháng 10/2004, đã có 2.466.532 người lính Nhật Bản và thuộc địa của Nhật Bản (chủ yếu là Triều Tiên và Đài Loan) được ghi tên trong đền Yasukuni.
Hiện nay, đền Yasukuni trở thành một địa điểm gây tranh cãi không chỉ trong xã hội Nhật Bản và cả ở một số quốc gia đã từng bị Nhật Bản xâm lược vì trong những người lính trên có cả những người tham gia lực lượng phát xít Nhật và những tội phạm chiến tranh trong Chiến tranh thế giới thứ hai.
Trung Quốc, Hàn Quốc và Triều Tiên luôn phản đối việc này vì không chấp nhận việc thờ phụng những tội phạm chiến tranh.
Những lần đến thăm đền của Thủ tướng Nhật Bản dù với tư cách cá nhân hay nhà nước đều luôn dẫn đến căng thẳng về ngoại giao giữa Nhật Bản với các quốc gia trên.
Nguyên Vũ
Bình luận