Đồng ý với đề xuất nâng tuổi nghỉ hưu lên mức 60 tuổi đối với nữ và 62 tuổi đối với nam, bởi theo đại biểu (ĐB) Trần Văn Lâm (đoàn Bắc Giang), năng suất lao động của Việt Nam còn thấp; tuổi thọ người Việt lại ngày một tăng lên, trong khi thời gian nghỉ ngơi hưởng thụ tăng lên là lãng phí nguồn lực lao động, nhất là trong khi đất nước đang tiếp tục cần sáng tạo, lao động để phát triển.
Đặc biệt, ĐB cũng cho rằng, chính sách với chế độ hưu trí còn rất thấp nên muốn cải thiện điều này thì phải tăng quỹ hưu trí lên, tăng tuổi nghỉ hưu để đóng góp cho quỹ hưu trí tăng lên, có cơ hội cải thiện mức sống của người nghỉ hưu, về lâu dài còn đảm bảo an toàn quỹ BHXH.
Đồng quan điểm, ĐB Đào Tú Hoa (đoàn Hà Nội) cho rằng, quy định tăng tuổi nghỉ hưu là cần thiết, bởi hiện nay, cả thể lực và trí tuệ của người Việt Nam ngày càng tốt lên. Rất nhiều người đã nghỉ hưu nhưng vẫn lao động và đóng góp tích cực cho xã hội.
Cũng đồng tình với đề xuất điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nhận định, việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu phải có tầm nhìn dài hạn và có lộ trình, nhằm giải quyết việc làm, hạn chế thất nghiệp, tránh tác động tiêu cực đến thị trường lao động.
Theo đại biểu Bùi Sỹ Lợi, từ kinh nghiệm điều chỉnh tuổi nghỉ hưu của các quốc gia cho thấy, thời điểm tốt nhất thực hiện điều chỉnh tuổi nghỉ hưu là khi thị trường lao động đang còn thặng dư lao động (số người trong độ tuổi lao động chiếm đa số tổng dân số); kinh tế đang trên đà phát triển, có tốc độ tăng trưởng tốt; cơ cấu dân số càng trẻ thì lộ trình điều chỉnh càng dài.
“Vào thời điểm này của Việt Nam, khi chúng ta đang bước dần từ giai đoạn dân số vàng sang dân số già, việc xem xét điều chỉnh tuổi nghỉ hưu đã là hơi chậm và cần có những quyết định sớm”, ông Lợi nói.
Một điều nữa mà chúng ta cần xem xét, đó là việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu cần được thực hiện đồng bộ với các chính sách khác về thị trường lao động và an sinh xã hội một cách tổng thể, bao gồm cả việc sử dụng một phần quỹ bảo hiểm thất nghiệp hỗ trợ một phần tiền lương hoặc hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội để giảm áp lực chi phí tài chính cho doanh nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp tiếp tục sử dụng, tránh sa thải lao động sau 35-40 tuổi; sử dụng một phần quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp để chủ động phòng ngừa, cải thiện điều kiện làm việc giúp kéo dài tuổi nghề của người lao động.
ĐB Lê Văn Sỹ (Thanh Hoá) nhận định, tăng tuổi nghỉ hưu theo phương án 1 là lựa chọn hợp lý. Song, cần quy định kỹ về việc NLĐ (có chuyên môn, kỹ thuật cao, làm công tác quản lý) có quyền nghỉ hưu muộn hơn không quá 5 năm.
Theo đó, phải xác định nhóm ngành nghề nào thuộc chuyên môn kỹ thuật cao hoặc làm công quản lý; cũng như có những vị trí nào không cần nghỉ hưu muộn hơn 5 năm.
“Hiện một số trường ĐH, BV ký hợp đồng với các chuyên gia sau tuổi nghỉ hưu tiếp tục làm việc nhưng thôi công tác quản lý”- ĐB Sỹ dẫn chứng. Do đó, theo ĐB Sỹ, nếu không bàn kỹ, trong quá trình làm sẽ rất vướng.
Đồng tình với quy định này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, tăng tuổi nghỉ hưu nằm trong xu thế chung của thế giới cũng như sự già hoá dân số và nhu cầu đảm bảo an toàn quỹ BHXH. Đặc biệt, không phải tất cả mọi đối tượng trong khu vực công tư, trong các lĩnh vực đều tăng tuổi nghỉ hưu bình quân như nhau.
“Báo cáo thẩm tra tuổi nghỉ hưu cần nghiên cứu bình đẳng hơn, tại sao nam 62 tuổi nghỉ hưu, mà nữ chỉ 60 tuổi. Tôi cho rằng, không có nghĩa độ tuổi bằng nhau nghỉ hưu là bình đẳng, mà sự khác nhau mới bình đẳng. Bởi, do đặc thù tâm sinh lý, mỗi giới khác nhau, thì mới có sự tiến bộ, chứ không nhất thiết phải nam và nữ bằng tuổi nhau”, ông Uông Chu Lưu khẳng định.
Bình luận