Theo thông báo từ Ngân hàng Agribank, từ ngày 12/5 tăng phí rút tiền nội mạng qua ATM, từ mức 1.100 đồng lên 1.650 đồng/giao dịch. Ngoài phí rút tiền nội mạng, Agribank cũng tăng phí chuyển khoản liên ngân hàng tại ATM và phí chuyển khoản liên ngân hàng tại ứng dụng E-Mobile Banking lên mức 0,05% số tiền giao dịch.
Vietcombank sau đợt tăng phí SMSBanking, Internetbanking hồi tháng 3 cũng vừa thông báo tăng phí rút tiền ATM nội mạng thêm 550 đồng, lên mức 1.650 đồng/giao dịch.
Còn tại Ngân hàng Vietinbank, từ ngày 5/5 đã điều chỉnh mức phí rút tiền mặt tại ATM với thẻ ghi nợ E-Partner, ở 2 mức phí cho các dòng thẻ khác nhau…
Đáng đáng nói, đây là những ngân hàng lớn và sở hữu lượng khách hàng, lượng thẻ phát hành “khổng lồ” trên thị trường. Nhiều người lo ngại, động thái tăng phí của những ngân hàng này sẽ tạo thành xu hướng tăng phí cho các ngân hàng khác trên toàn hệ thống.
Theo số liệu công bố của Ngân hàng nhà nước, số lượng thẻ mà các đơn vị phát hành hiện nay là 132 triệu thẻ. Chỉ với mức phí quản lý tài khoản từ 2.000-5.000 đồng/tài khoản/tháng, hệ thống ngân hàng đã thu về từ 200-600 tỉ đồng mỗi tháng. Nếu tính tất cả các loại phí, các ngân hàng đang thu một khoản tiền không nhỏ từ phía khách hàng.
Nói về nguyên nhân tăng phí dịch vụ ngân hàng, ông Đào Minh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội thẻ Việt Nam cho rằng, các loại phí hiện nay hoàn toàn phù hợp với quy định theo thông lệ quốc tế. Theo Thông tư 35, có một số loại phí bắt buộc thu như, phí phát hành hoặc thay đổi thẻ, phí thường niên hàng năm… Còn phí giao dịch, thì có phí sao kê, rút tiền mặt, các dịch vụ tiện ích khác…
Tại nhiều quốc gia, thẻ thường dùng để chi tiêu nên khách hàng không mất phí. Còn tại Việt Nam, thẻ ATM thường dùng để rút tiền mặt nên mức phí tăng lên vì ngân hàng phải đảm bảo cung ứng lượng tiền mặt cho ATM.
Ông Tuấn ước tính, một giao dịch khiến ngân hàng mất từ 7.000-10.000 đồng, trong khi các ngân hàng chỉ thực hiện thu phí 1.000 đồng giao dịch nội mạng và 3.000 đồng giao dịch ngoại mạng, mới bằng 1/3 mức trần theo quy định tại Thông tư 35 của Ngân hàng Nhà nước về phí dịch vụ thẻ ghi nợ nội địa. Mức phí rút tiền trần 3.000 đồng hiện nay là bất đắc dĩ mới phải áp dụng.
“Chúng tôi thống kê, giao dịch bằng thẻ ghi nợ nội địa trong vòng 5 năm gần đây đã tăng đáng kể, từ mức 0,7% năm 2013 đến nay lên con số gần 3%. Hiện nay, gần 3% là sử dụng dịch vụ thanh toán bằng thẻ, còn 97% là rút tiền mặt. Vấn đề là đến thời điểm nhất định, việc mua bán hàng hóa dịch vụ tăng lên được khoảng 20%, 80% rút tiền mặt thì mức phí rút tiền mặt phải điều chỉnh giảm chứ không thể tăng lên nữa.”- Ông Đào Minh Tuấn cho hay.
Video: Hội thẻ Ngân hàng Việt Nam - Tăng phí rút thẻ lên 10.000 đồng, ngân hàng mới hết lỗ
Những bức xúc từ cộng đồng dư luận khiến Ngân hàng Nhà nước vừa phải “thổi còi” các ngân hàng đồng loạt tăng phí dịch vụ thẻ ATM. Động thái này được xem là bước đi đúng đắn của cơ quan quản lý để đảm bảo quyền lợi cho cả khách hàng và ngân hàng. Thực tế hiện nay, khách hàng sẵn sàng bỏ tiền ra để được sử dụng dịch vụ ngân hàng tốt. Nhưng hàng loạt vụ mất tiền qua thẻ ATM thời gian qua, rồi đến mùa cao điểm, nhiều cây ATM bị hỏng hóc, hết tiền... khiến nhiều khách hàng bức xúc.
Thừa nhận, mức tăng phí rút tiền nội mạng của ngân hàng hiện nay vẫn dưới mức quy định tối đa cho phép dưới 3.000 đồng/giao dịch, nhưng tăng dồn dập gây phản cảm cho khách hàng sử dụng, khiến khách hàng sử dụng thẻ luôn có cảm giác rằng ngân hàng đang tận thu, phí chồng phí./.
Bình luận