Còn nhớ trước thềm Đại hội VII diễn ra cách đây hơn 4 năm, tranh luận đã nổ ra khá gay gắt quanh tiêu chí của ứng viên Chủ tịch. Thời điểm trên, xuất hiện 2 luồng quan điểm song song, một nghiêng về phương án Chủ tịch VFF phải là người nhà nước, và một ủng hộ giới doanh nhân.
Những người có quan điểm ủng hộ doanh nhân làm Chủ tịch VFF cho rằng, điều này có lợi cho phát triển bóng đá Việt Nam, trong bối cảnh bóng đá chuyên nghiệp cần rất nhiều tiền để đầu tư. Quan điểm đối nghịch thì lý luận, bóng đá là môn nhận được sự quan tâm lớn của xã hội, cần có sự quản lý từ nhà nước để không bị “chệch đường ray”.
Rốt cuộc, quan điểm đầu tiên thắng thế với việc ông Lê Hùng Dũng, khi đó đang giữ chức vụ cao ở 2 đơn vị tài chính lớn và cũng là Phó chủ tịch phụ trách tài chính VFF, thắng cử. Thay thế vị trí của ông Dũng là một doanh nhân khác, ông bầu Đoàn Nguyên Đức. Người ta chờ đợi bộ phận lãnh đạo cấp cao với 2 gương mặt doanh nhân nổi bật sẽ thổi luồng gió mới vào đời sống bóng đá Việt Nam.
Nhìn nhận một cách công bằng, nhiệm kỳ VII của VFF đã có không ít thành tựu, bên cạnh những vấn đề cố hữu của nền bóng đá chưa thể sửa chữa. Với định hướng tập trung đầu tư cho khâu đào tạo trẻ được đưa ra ngay từ đầu, độ 3 năm trở lại đây, bóng đá trẻ Việt Nam liên tục gặt hái các thành tích cao ở đấu trường khu vực và châu lục.
VFF đã siết chặt hơn quy định về đào tạo trẻ đối với các CLB, như việc buộc các đội bóng phải duy trì các tuyến trẻ, tham dự đủ các giải trẻ quốc gia.
Đỉnh cao thành tích của bóng đá trẻ Việt Nam là tấm vé tham dự FIFA World Cup U20 tại Hàn Quốc hồi tháng 5 vừa qua. Với sự hỗ trợ tài chính từ ông bầu “futsal” Trần Anh Tú, các giải trẻ quốc gia được duy trì, tổ chức tốt, có tính cạnh tranh ngày một cao.
Tuy nhiên, khâu tài chính vẫn là điểm hạn chế của VFF khi nguồn thu không đạt được mức tăng ấn tượng.
VFF thậm chí có lúc được báo cáo là khá khó khăn về tài chính, đến độ nhiều khâu phải cậy cả vào ông bầu Trần Anh Tú, một ủy viên trong Thường trực. Đây hẳn nhiên không phải giải pháp lâu dài, bởi bóng đá cần nhiều hơn nữa các nguồn đầu tư. Bên cạnh đó, giải VĐQG V-League, vốn đã được giao cho VPF, chưa có sự cải thiện đáng kể ở cả góc độ chuyên môn cũng như hình ảnh.
Nếu đúng kế hoạch, đại hội nhiệm kỳ VIII sẽ được tổ chức vào tháng 3/2018. Tuy nhiên theo tìm hiểu, đến thời điểm hiện tại trong ngành thể thao vẫn tồn tại các quan điểm khác nhau, chưa nhất quán đối với vị trí Chủ tịch. Do vấn đề sức khỏe, Chủ tịch Lê Hùng Dũng sẽ nghỉ, và việc chọn ai ngồi vào chiếc ghế của ông Dũng đang trở thành vấn đề nan giải.
Đã có ý kiến cho rằng nên tiếp tục giao ghế Chủ tịch VFF cho một doanh nhân, với điều kiện phải là lãnh đạo một tập đoàn lớn, tiềm lực tài chính đủ mạnh, đồng thời không phải diện “cận về hưu” như ông Lê Hùng Dũng trước đây. Tuy nhiên, cũng có quan điểm cho rằng bóng đá Việt Nam đã đến lúc cần trở lại quỹ đạo cũ, vị trí Chủ tịch phải do người nhà nước nắm giữ.
Một quan chức Tổng cục TDTT hôm qua chia sẻ, trong bối cảnh xuất hiện nhiều tin tức không tốt về nội bộ mất đoàn kết ở VFF, việc tổ chức đại hội không nên để lùi quá thời hạn dự kiến. “Tuy nhiên việc này cũng không thể vội vàng, bởi việc lựa chọn đội ngũ lãnh đạo cấp cao VFF cần có sự tính toán chu toàn. Lãnh đạo ngành cũng muốn sớm ổn định nhân sự mới, chứ như phản ánh của dư luận vừa qua thì chúng tôi rất lo”- vị trên cho biết.
Bình luận