• Zalo

VFF cải tổ: Không đổi tư duy, khó thành việc lớn!

Thể thaoThứ Năm, 28/09/2017 13:03:00 +07:00Google News

Sau thất bại của U22 Việt Nam tại SEA Games 29, một làn sóng đánh thẳng vào VFF đòi những lãnh đạo của tổ chức xã hội nghề nghiệp này phải từ chức để môn thể thao vua ở dải đất hình chữ S phát triển.

Câu chuyện của người Đức

Những ngày vừa qua, các fan Borussia Dortmund đã có cơ hội gặp gỡ giao lưu với hậu vệ lừng danh một thời của CLB này cũng như của tuyển Đức Joerg Heinrich tại TP.HCM.

Bên cạnh những hoạt động giao lưu, phía Borussia Dortmund và Joerg Heinrich cũng đã chia sẻ khá nhiều về cách làm bóng đá của người Đức, và dù không mới nhưng thực sự lại khiến nhiều người bất ngờ.

bóng đá Việt Nam, VFF, U22 Việt Nam, tuyển Việt Nam

Bóng đá Đức trở lại với vinh quang bằng cách đặt nền bóng thật chắc cho đào tạo trẻ 

Đó là câu chuyện của những năm 2000, 2004 ở 2 kỳ EURO liên tiếp tuyển Đức đã bị loại ngay tại vòng bảng của giải đấu cao nhất cựu lục địa, để ngay sau giải đấu ở Bồ Đào Nha trở về DFB (hiệp hội bóng đá Đức) đã triệu tập một cuộc họp khẩn để tìm ra giải pháp.

Ở cuộc họp này, DFB đã yêu cầu toàn bộ các CLB chuyên nghiệp chơi ở những hạng đấu cao nhất đến để hợp nhất một hệ thống đào tạo trẻ đồng bộ mọi thứ. Từ cách đào tạo, kỹ chiến thuật cho đến cả HLV...để giải cứu những thất bại của đội tuyển ở thì tương lai.

Sau cuộc họp ấy, bóng đá trẻ của Đức phát triển một cách khá đồng bộ để vài năm sau đã có thể gặt hái thành quả bằng những vô địch U21 châu Âu cũng như sau đó là chức vô địch World Cup 2016, kèm theo 1 lần á quân EURO.

Và đến vấn đề của Việt Nam

Thực tế, khó có thể so sánh 2 nền bóng đá với nhau vì cách biệt nhiều thứ. Nhưng rõ ràng cách làm của người Đức (dù không mới) cũng đủ để Việt Nam phải nhìn vào đấy mà học.

Gần như vào lúc này, hệ thống đào tạo trẻ - cội rễ của mọi nền bóng đá ở Việt Nam không có sự đồng bộ, thậm chí là quá ít ỏi so với những gì mà chúng ta đang có.

Ngoài bầu Hiển, bầu Đức, rồi trung tâm Viettel, PVF...và thêm một vài CLB là có hệ thống tương đối chặt chẽ, hiện đại thì phần còn lại đều... trắng bóng đá trẻ, bất chấp VFF luôn yêu cầu các CLB phải có 3 tuyến trẻ từ U17 đến U21.

Nhìn rõ hơn, vào lúc này V-League đang có 14 đội bóng nhưng liệu rằng có quá nửa số CLB đang chơi ở giải đấu cao nhất hình chữ S có đủ cơ sở để đào tạo cầu thủ trẻ hay không thì chắc không cần phải nói quá nhiều.

bóng đá Việt Nam, VFF, U22 Việt Nam, tuyển Việt Nam

 Để những thất bại như thế này sẽ còn kéo dài, nếu như không thay đổi tư duy

Điển hình như Bình Dương – đội bóng vô địch V-League nhiều năm nhưng tuyến trẻ của CLB này gần như là con số 0. Và chỉ đôi năm trở lại đây mới bắt tay vào làm. Đội bóng đất Thủ còn như thế, thì đừng nói đến Quảng Nam, CLB TP.HCM, CLB Sài Gòn...

Xây nhà từ nóc nhiều năm qua, cái cần nhất của bóng đá Việt Nam giờ là đồng bộ đào tạo trẻ, hoặc ít nhất cả 14 đội bóng đều có hệ thống đào tạo tử tế chứ không phải thay ai ở VFF. Vậy nhưng các CLB vẫn giữ như hiện trạng thì rõ ràng chẳng giải quyết được điều gì.

Cái cần giờ là thay đổi tư duy, chứ không phải con người. Thay đổi mới có thể tồn tại và chiến thắng, bằng không những nỗi đau kiểu SEA Games 29 vừa rồi còn kéo dài.

(Nguồn: Vietnamnet)
Bình luận
vtcnews.vn