Vào một buổi đêm tháng 7, Khalida bị đánh thức bởi tiếng nổ chói tai. Từ mái nhà của mình, cô gái trẻ nhìn thấy ngọn lửa bốc lên từ trường trung học nữ sinh của mình ở tỉnh Faryab.
"Tôi đã khóc rất nhiều. Dân làng cố gắng dập lửa, nhưng Taliban đã bắn họ. Không ai cứu được trường học của chúng tôi", Khalida nói.
Vào buổi sáng khi Khalida tới trường, mọi thứ đều bị thiêu rụi và phá hủy, ngay cả cổng trường.
"Khi tận mắt nhìn thấy Taliban, tôi đã rất sợ hãi. Chúng là những kẻ hoang dã, chúng không tôn trọng phụ nữ. Không ai hài lòng với Taliban. Tất cả mọi người đều phát ốm với chúng. Nhưng không ai sẵn sàng đứng lên. Chúng sẽ giết bạn. Chúng rất tàn nhẫn", Khalida nói.
Khalida từng ước mơ trở thành bác sỹ trong tương lai. Nhưng cô gái trẻ tin rằng mơ ước này đang trở nên xa vời khi Talban tiếp quản trở lại Afghanistan.
Lo sợ chế độ cai trị hà khắc trở lại
Zahra may mắn lớn lên khi chế độ cai trị hà khắc của Taliban ở Afghanistan bị lật đổ vào năm 2001. Cô gái trẻ chỉ được nghe về thời kỳ đen tối cách đây 2 thập kỷ qua các câu chuyện của bà, mẹ mình và các phụ nữ trong vùng.
Trong giai đoạn cầm quyền của Taliban – từ năm 1996 đến khi bị lực lượng do Mỹ dẫn đầu lật đổ sau vụ tấn công khủng bố 11/9/2001 – Taliban trở nên khét tiếng với việc áp đặt nghiêm ngặt luật Hồi giáo nguyên bản, trừng phạt những người phạm tội nhỏ bằng hình phạt rất nặng như chặt tay những kẻ trộm cướp, ném đá đến chết phụ nữ ngoại tình và thậm chí hành quyết ở nơi công cộng. Họ đàn áp dã man các nhóm thiểu số, chẳng hạn như người Shiite thuộc cộng đồng thiểu số Hazara.
Các tay súng dùng thuốc phá huỷ hai bức tượng Phật khổng lồ 1.500 tuổi ở Bamiyan nghìn năm tuổi với lý do mô tả hình dáng con người là điều “báng bổ” đối với đạo Hồi.
Dưới ách cai trị của Taliban, phụ nữ Afghanistan không được đi học, đi làm và thậm chí không được ra khỏi nhà nếu không có người thân là nam giới đi cùng. Những cô gái bị bắt gặp đi cùng người đàn ông không phải là người nhà của mình sẽ bị đánh cả trăm roi. Phụ nữ chỉ được phép làm việc trong bệnh viện.
Đàn ông không được cạo râu vì Taliban cho rằng điều này chống lại luật Hồi giáo. Âm nhạc, ca múa, giải trí bị cấm hoàn toàn.
Những ngày gần đây, Taliban liên tục đưa ra các tuyên bố trấn an người Afghanistan. Họ khẳng định sẽ không có các cuộc tấn công trả thù nhằm vào những người từng làm việc cho chính phủ và "tính mạng, tài sản và danh dự" của người dân sẽ được tôn trọng.
Họ kêu gọi người Afghanistan ở lại đất nước và cam kết tạo ra một "môi trường an toàn" cho các doanh nghiệp, đại sứ quán, các tổ chức từ thiện nước ngoài và địa phương.
Nhưng một số hành động của phong trào này lại gửi đi một thông điệp trái ngược.
Thời kỳ đen tối
Tháng trước, sau khi chiếm được quận Malistan ở phía nam tỉnh Ghazni, các tay súng Taliban đi từng nhà để tìm kiếm những người từng làm việc cho chính phủ, giết chết 27 dân thường, làm bị thương 10 người khác và cướp phá hàng loạt nhà dân, theo Tổ chức nhân quyền độc lập Afghanistan (AIHRC).
Sau khi chiếm được quyền kiểm soát ở Herat, các chiến binh Taliban đưa 2 kẻ trộm đi diễu phố như một lời cảnh báo. Các tay súng nhắc nhở người dân địa phương các hành động tương tự sẽ phải đối mặt với hình phạt chặt tay.
Những người dân hiện sống tại các khu vực mà Taliban kiểm soát cho biết phong trào này vẫn tàn bạo và đầy thù hận như cách đây 2 thập kỷ.
“Thật không may, tình hình hiện tại của đất nước là chúng ta đang quay trở lại những năm 1990”, một nhà hoạt động tại quận Shirin Tagab - nơi rơi vào tay Taliban cách đây 1 tháng cho biết.
Cô này nhớ lại tháng 10/2020 khi người dân địa phương chuẩn bị cho Ngày Nhà giáo thế giới tại một trường nữ sinh địa phương. Vào đêm trước khi sự kiện diễn ra, các chiến binh Taliban đã thiêu rụi trường học.
“Chúng tôi viết một lá thư cho Taliban và yêu cầu họ cùng nhau xây dựng một đất nước Afghanistan hòa bình, cung cấp nền giáo dục cho tương lai, để dạy cho thế hệ trẻ bài học về sự tự tin, sự chấp nhận lẫn nhau và đoàn kết dân tộc. Nhưng Taliban đã đe dọa giết tôi và cha tôi”, nhà hoạt động nữ quyền cho hay.
Không lâu sau khi kiểm soát các khu vực của Afghanistan, Taliban dùng loa phóng thanh của các nhà thờ hồi giáo chỉ thị phụ nữ phải đeo burka (khăn choàng) kín mít và luôn đi kèm với nam giới là người thân.
Tại một số khu vực, Taliban đòi người dân “cống nạp” lương thực hoặc tiền mặt, bắt 20 nam giới trong mỗi ngôi làng gia nhập lực lượng. Nhiều gia đình bị cấm xem TV hoặc sử dụng điện thoại di động.
Vào tháng 7, sau khi nắm quyền kiểm soát các tỉnh Badakhshan và Takhar, các thủ lĩnh Taliban ra lệnh cho các lãnh đạo tôn giáo địa phương cung cấp cho họ danh sách các thiếu nữ trên 15 tuổi và góa phụ dưới 45 tuổi để "kết hôn" với các tay súng Taliban. Không rõ, danh sách này có được nộp lên hay không.
Nhưng nếu những cuộc hôn nhân này diễn ra, phụ nữ và các thiếu nữ sẽ được đưa tới Waziristan ở Pakistan để giáo dục lại và chuyển sang "đạo Hồi chính gốc".
Đầu tháng 7, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền ghi nhận các vụ đốt phá hàng loạt ở tỉnh Kunduz, miền bắc Afghanistan. Ở nhiều nơi, giáo dục cho trẻ em gái và các quyền của phụ nữ đang bắt đầu bị gạt sang một bên.
“Họ cam kết với mọi người rằng bất cứ ai vi phạm luật lệ đều là những kẻ vô đạo và đáng phải chết”, nhà hoạt động ở tỉnh Faryab - người chứng kiến 5 vụ đốt phá trường học của Taliban cho biết.
Tuần trước tại tỉnh Takhar, một nhóm phụ nữ bị Taliban chặn xe vì "đi dép lộ chân" trong khi một giáo viên ở tỉnh nói rằng phụ nữ không được đi chợ nếu không có nam giới đi kèm.
Ngày nay, giới lãnh đạo Taliban cho biết họ cho phép phụ nữ tiếp cận với giáo dục. Nhưng các nhóm bảo vệ nhân quyền nói rằng các quy tắc được áp đặt khác nhau tùy thuộc vào chỉ huy từng địa phương.
"Khoảng cách giữa các tuyên bố chính thức của Taliban về quyền và các lập trường được các quan chức Taliban thông qua trên thực tế cho thấy Taliban còn lâu mới đạt được sự đồng thuận nội bộ về các chính sách của riêng họ”, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền có trụ sở tại New York cho biết.
Theo tổ chức này, Taliban thường xuyên đe dọa và giam giữ các nhà báo, đặc biệt là phụ nữ và các phóng viên chỉ trích nhóm này.
Tuần trước, Taliban chiếm quyền kiểm soát một đài phát thanh ở thành phố Kandahar và đổi tên thành Đài Tiếng nói Sharia. Không rõ số phận của các nhân viên trong đài.
Đài này hiện đã không còn phát nhạc vốn bị cấm ở các vùng mà Taliban nắm quyền.
Taliban cũng đóng cửa một đài phát thanh ở tỉnh Helmand, nơi sản xuất nhiều chương trình dành cho phụ nữ.
Zarmina Kakar, một nhà hoạt động nữ quyền 26 tuổi so sánh các thành tựu mà phụ nữ Afghanistan giành được trong 20 năm qua giống như việc một con chim miệt mài làm tổ. Nhưng giờ đây, con chim đó đang phải bất lực nhìn người khác phá nát tổ của mình.
"Tôi cảm thấy rằng nếu Taliban lên nắm quyền, chúng ta sẽ trở lại những ngày đen tối", Kakar nói.
Bình luận