• Zalo

Tại sao ngựa ngủ đứng cả ngày lẫn đêm?

Chuyện bốn phươngThứ Năm, 28/11/2024 08:30:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Không giống phần lớn các loài động vật khác, ngựa ít khi nằm xuống khi ngủ mà thường ngủ đứng dù là ngày hay đêm; tại sao lại như vậy?

Ngựa là một loài động vật có vú trong họ Equidae, bộ Perissodactyla (bộ Móng guốc). Đây là một trong 8 phân loài của họ Equidae sinh tồn cho tới ngày nay. Chúng trải qua quá trình tiến hóa trong 45 - 55 triệu năm để từ  sinh vật nhỏ, chân nhiều ngón trở thành động vật lớn với chân một ngón như hiện tại.

Con người bắt đầu thuần dưỡng ngựa vào khoảng 4.000 - 4.500 năm trước công nguyên. Loài này được nuôi phổ biến ở châu Âu từ khoảng 2.000 - 3.000 năm trước công nguyên. Chúng được sử dụng rộng rãi trong các cuộc chiến tranh thời cổ đại. Ngựa có tuổi thọ khoảng 25 - 30 năm tùy thuộc vào giống, các yếu tố môi trường và chăm sóc.

Tuy ngựa làm bạn với loài người từ rất lâu đời nhưng có nhiều điều về chúng không phải ai cũng biết, chẳng hạn như tại sao ngựa ngủ đứng, chúng ít khi nằm xuống ngủ dù là ngày hay đêm.

Tại sao ngựa ngủ đứng?

Ngựa là loài động vật ăn cỏ và vốn sinh sống trong môi trường hoang dã, nơi chúng dễ trở thành mục tiêu của các loài thú săn mồi. Trong tự nhiên, việc nằm xuống sẽ khiến ngựa mất đi những giây phút quan trọng để thoát thân. Do đó, để không tự biến mình thành món mồi ngon của các loài động vật ăn thịt khác, ngựa luôn ngủ đứng kể cả ngày lẫn đêm.

Bản năng sinh tồn đã khiến ngựa thích nghi với việc ngủ đứng, tư thế này là một đặc điểm sinh học đặc biệt, giúp chúng thích nghi với môi trường hoang dã và bảo vệ bản thân khỏi nguy hiểm, lâu dần thành thói quen.

Vì sao ngựa ngủ đứng cả ngày lẫn đêm? Đó là bản năng sinh tồn, giúp chúng kịp thời chạy trốn thú săn mồi bất cứ lúc nào. (Ảnh: The Spruce Pets)

Vì sao ngựa ngủ đứng cả ngày lẫn đêm? Đó là bản năng sinh tồn, giúp chúng kịp thời chạy trốn thú săn mồi bất cứ lúc nào. (Ảnh: The Spruce Pets)

Ngựa luôn ngủ đứng nhưng không bao giờ ngã vì sau một thời gian dài tiến hóa, chúng sở hữu hệ thống cơ và khớp đặc biệt, gọi là hệ thống treo tự nhiên (stay apparatus), giữ cơ thể đứng vững trong thời gian dài mà không mệt mỏi.

Hệ cơ và khớp ở chân ngựa cho phép chúng khóa khớp một cách cố định khi đứng, duy trì trạng thái đứng vững mà không cần sử dụng nhiều sức lực. Trong trạng thái này, ngựa có thể thả lỏng các cơ khác của cơ thể và bước vào trạng thái nghỉ ngơi.

Ngựa nhà cũng được thừa hưởng đặc điểm này từ tổ tiên chúng - ngủ đứng hầu hết thời gian, ngay cả trong chuồng.

Ngoài mục đích tự vệ, tư thế ngủ đứng còn mang lại nhiều lợi ích khác cho ngựa. Việc nằm quá lâu có thể gây áp lực lên tim, phổi và nội tạng, đặc biệt là với những con ngựa lớn. Ngủ đứng giúp ngựa duy trì sức khỏe tốt hơn, đỡ gây áp lực cho tim và các cơ quan nội tạng. 

Tuy ngựa có thể ngủ đứng cả ngày lẫn đêm nhưng chúng sẽ không đạt được một giấc ngủ sâu khi đứng. Vì thế, trong trường hợp cần một giấc ngủ sâu và chất lượng để phục hồi sức khỏe, chúng vẫn cần nằm xuống. Khác với con người, ngựa chỉ cần khoảng 2–3 giờ mỗi ngày để ngủ sâu. Thời gian còn lại, chúng có thể nghỉ ngơi trong trạng thái đứng.

Đứng khi ngủ là sự thích nghi để tránh những kẻ săn mồi, do đó ngựa cần cảm thấy thoải mái và an toàn để có thể nằm xuống ngủ. Trong quần thể ngựa hoang, nếu nhiều con ngựa nằm xuống để ngủ sâu cùng một lúc, sẽ luôn có ít nhất một con đứng gác để đảm bảo an toàn cho cả đàn.

Ngựa được nuôi trong môi trường an toàn có xu hướng nằm xuống ngủ thường xuyên hơn. Tuy nhiên, chúng vẫn duy trì thói quen ngủ đứng trong phần lớn thời gian do bản năng di truyền.

Ngựa chỉ nằm ngủ khi chúng cảm thấy thực sự an toàn. (Ảnh: The Spruce Pets)

Ngựa chỉ nằm ngủ khi chúng cảm thấy thực sự an toàn. (Ảnh: The Spruce Pets)

Những đặc điểm độc đáo của loài ngựa

Ngoài thói quen ngủ đứng cả ngày lẫn đêm thì vẫn còn nhiều điều thú vị về loài ngựa mà bạn có thể chưa biết.

Thị giác đặc biệt

Ngựa có đôi mắt rất lớn so với các loài động vật trên cạn khác. Đôi mắt này mang lại góc nhìn cực rộng, gần 350 độ, giúp chúng dễ dàng phát hiện kẻ săn mồi từ xa. Tuy nhiên, chúng không thể nhìn thấy trực tiếp phía trước hoặc phía sau mình.

Ngựa cũng có khả năng nhìn trong điều kiện ánh sáng yếu tốt hơn con người, nhưng lại không phân biệt rõ một số màu sắc như đỏ và xanh lá.

Giao tiếp bằng ngôn ngữ cơ thể

Ngựa không chỉ giao tiếp bằng tiếng hí mà còn thông qua ngôn ngữ cơ thể. Chúng sử dụng tai, đuôi và các cử động của cơ thể để biểu đạt cảm xúc. Chẳng hạn, nếu tai ngựa hướng thẳng về phía trước nghĩa là chúng đang tập trung. Nếu tai gập ra sau, đó có thể là dấu hiệu của sự sợ hãi hoặc tức giận.

Chạy nhanh như ô tô

Một con ngựa đua có thể đạt tốc độ tối đa lên tới 70 km/h. (Ảnh: Rawpixel)

Một con ngựa đua có thể đạt tốc độ tối đa lên tới 70 km/h. (Ảnh: Rawpixel)

Ngựa là biểu tượng của tốc độ. Một con ngựa đua có thể đạt tốc độ tối đa lên tới 70 km/h. Những giống ngựa như Thoroughbred hay Quarter Horse được lai tạo đặc biệt để phát huy tối đa tốc độ và sức bền.

Khả năng ghi nhớ tốt

Ngựa sở hữu trí nhớ tuyệt vời. Chúng có thể nhớ lâu hơn con người về các khuôn mặt, giọng nói và đường đi. Điều này lý giải tại sao ngựa có thể nhận ra chủ nhân của mình sau nhiều năm xa cách.

Nhạy cảm với cảm xúc con người

Ngựa có khả năng cảm nhận cảm xúc của con người qua giọng nói, cử chỉ và nét mặt. Nếu bạn vui vẻ, chúng sẽ thoải mái hơn; nếu bạn lo lắng hay sợ hãi, chúng cũng có thể trở nên bất an.

NGUYỆT ÁNH(Tổng hợp)
Bình luận
vtcnews.vn