Để tiết kiệm nước tối đa, nhiều người dự trữ nước thải sinh hoạt (nước thải sau khi giặt, tắm gội, rửa rau, tráng bát đĩa...) để dội bồn cầu sau khi đi vệ sinh. Tuy nhiên, đây là một thói quen có hại, nên bỏ.
Tại sao không nên đổ nước thải sinh hoạt vào toilet?
Theo Sohu, việc đổ nước thải sinh hoạt vào toilet sẽ để lại những hậu quả nghiêm trọng dưới đây.
Gây tắc cống
Nước thải sinh hoạt có thể chứa một lượng lớn tạp chất và chất thải, chúng sẽ đọng lại trong nhà vệ sinh và cống rãnh, khiến nước chảy kém hoặc thậm chí tắc nghẽn hoàn toàn.
Lây lan vi khuẩn
Nước thải sinh hoạt có thể chứa một lượng lớn vi khuẩn và virrus. Khi dùng nó để xả xuống nhà vệ sinh, vi khuẩn và virrus có thể phát tán vào không khí và gây ô nhiễm, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
Làm hỏng toilet và hệ thống thoát nước
Nước thải sinh hoạt có thể chứa một số hóa chất gây hại cho nhà vệ sinh và hệ thống thoát nước. Việc dùng nó để dội bồn cầu lâu ngày có thể gây hư hỏng nhà vệ sinh và hệ thống thoát nước, làm tăng chi phí sửa chữa.
Tuy nước thải sinh hoạt cũng có thể cuốn trôi các chất bẩn trong bồn cầu nhưng tác động của nó yếu hơn rất nhiều so với nước sạch, điều này sẽ làm giảm đáng kể hiệu quả tẩy rửa, đôi khi khiến mặt trong bồn cầu bị ố vàng hoặc các vết ố không thể được loại bỏ sạch sẽ. Đó là lý do tại sao không nên đổ nước thải sinh hoạt vào toilet.
Những thứ tuyệt đối không nên cho vào bồn cầu
Nhiều người coi bồn cầu như một thùng rác và họ tống khứ rác bằng cách cho vào đó rồi nhấn nút xả nước. Việc xả rác bừa bãi vào bồn cầu không chỉ gây tắc đường ống mà còn có thể làm lây lan dịch bệnh. Dưới đây là những thứ bạn đừng bao giờ vứt vào bồn cầu:
Khăn ướt
Nhiều người tưởng rằng khăn ướt cũng giống như khăn giấy thông thường, sau khi cho vào bồn cầu sẽ tan rã. Thực tế không phải vậy, chúng sẽ còn nguyên vẹn trong đường ống thoát nước và tồn tại trong các nguồn nước. Và chúng rất có thể gây ra tác nghẽn đường ống.
Thuốc hết hạn sử dụng
Nhiều người sợ trẻ nhỏ nghịch dại nên cho thuốc hết hạn xuống bồn cầu thay vì thùng rác, nhưng hành vi này có thể gây hại cho cộng đồng. Cục Bảo vệ Môi trường New York (Mỹ) khuyến cáo, các chất trong thuốc chống trầm cảm, hormone, kháng sinh và các loại thuốc khác có thể không thay đổi sau quá trình xử lý nước thải và đi vào vào sông cũng như các nguồn nước khác. Chúng sẽ làm ô nhiễm nguồn nước uống ở hạ lưu và có khả năng gây hại cho cá hoặc các sinh vật khác.
Bông gòn
Tuy trông rất giống khăn giấy nhưng phản ứng của bông gòn sau khi xả xuống bồn cầu lại rất khác với khăn giấy. Hãy nghĩ xem tại sao chúng ta lại dùng bông gòn để ấn vào vết thương sau khi tiêm? Đó là vì bông gòn có tác dụng hút chất lỏng và không bị nước làm tan rã. Bông sẽ phồng lên khi tiếp xúc với nước, gây tắc đường cống.
Tóc
Những ai từng moi được cả mớ tóc khỏi cống thoát nước trong phòng tắm hoặc bồn rửa chén đang tắc nghẽn hẳn sẽ biết nó có thể gây ra điều gì với hệ thống thoát nước. Khi những sợi tóc quấn vào nhau, chúng không dễ bị nước cuốn trôi.
Phân mèo hoặc rác
Tuyệt đối không được xả phân mèo hoặc rác xuống bồn cầu. Chất độn chuồng của mèo sẽ phồng lên khi tiếp xúc với nước và bịt kín ống thoát nước. Hơn nữa, phân mèo có thể chứa ký sinh trùng Toxoplasma gondii, gây hại cho con người hoặc sinh vật thủy sinh khi đi vào môi trường.
Thức ăn thừa
Một số người có thói quen đổ thức ăn thừa vào bồn cầu để giảm bớt phiền phức khi vứt rác. Đây cũng là một trong những nguyên nhân thường gặp gây tắc nghẽn đường ống nước và toilet. Tuy chúng có thể phân hủy nhưng phải mất thời gian khá dài.
Băng vệ sinh
Băng vệ sinh rất thân thiện với phụ nữ nhưng lại khá "tàn ác" với cống rãnh. Việc thường xuyên vứt băng vệ sinh vào bồn cầu sẽ gây ra thảm họa cho cống thoát nước. Ngoài ra, những sản phẩm khác như bao cao su, tã lót … cũng không được vứt vào bồn cầu.
Bình luận