4 tỷ phú USD mới của Việt Nam đều không phải là cái tên xa lạ với giới đầu tư, kinh doanh và người Việt. Họ đều là những ông - bà chủ Tập đoàn, Tổng công ty lớn, với tài sản tỷ "đô", có tầm ảnh hưởng ở Việt Nam và thế giới.
Vậy hiện nay, sau khi lọt vào danh sách tỷ phú thế giới năm 2018, 4 tỷ phú, đại gia người Việt sở hữu khối tài sản khủng cỡ nào?
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch Tập đoàn Vingroup
Ông Phạm Nhật Vượng là tỷ phú USD đầu tiên của Việt Nam. Đây là năm thứ 6 liên tiếp, tỷ phú Phạm Nhật Vượng có tên trong danh sách tỷ phú thế giới của Forbes.
Năm đầu tiên lọt vào danh sách này của ông Vượng là năm 2013. Khi đó, ông sở hữu khối tài sản trị giá 1,5 tỷ USD và đứng thứ 974 danh sách tỷ phú thế giới.
Năm 2018, ông Vượng có năm thứ 6 liên tiếp nằm trong danh sách này với tài sản lên tới 4,3 tỷ USD, tăng nhiều lần so với năm 2013 và tăng 1,9 tỷ USD so với năm 2017. Thứ hạng của ông Vượng tăng vượt bậc khi đứng ở vị trị 499 thế giới.
Mới đây, trước khi công bố danh sách tỷ phú thế giới năm 2018, góc nhìn mới của Forbes thể hiện sự thừa nhận về thành công của tỷ phú Phạm Nhật Vượng trong việc xây dựng hệ sinh thái Vingroup, không chỉ có bất động sản và du lịch – giải trí mà còn bao gồm cả bán lẻ, y tế, giáo dục, nông nghiệp và mới đây là công nghiệp ô tô.
Theo báo cáo quản trị 6 tháng đầu năm 2017, ông Phạm Nhật Vượng nắm gần 724 triệu cổ phiếu Vingroup - VIC (tương đương 27,5% vốn). CTCP Tập đoàn Đầu tư Việt Nam nắm hơn 880 triệu cổ phiếu VIC, tương ứng tỷ lệ sở hữu 33,4%.
Trong khi đó, ông Vượng đang sở hữu 92,88% CTCP Tập đoàn Đầu tư Việt Nam. Như vậy, ông Vượng đang trực tiếp và gián tiếp sở hữu hơn 60% cổ phần tại Vingroup, tương đương với hơn 1,54 tỷ cổ phiếu VIC.
Ngoài ra, trong tay ông Vượng còn sở hữu nhiều tài sản giá trị khác chưa có thống kê cụ thể.
Tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo - CEO VietJet Air
Đây là lần thứ 2 bà Thảo góp mặt trong danh sách tỷ phú thế giới, với khối tài sản trị giá 3,1 tỷ USD. Bà thảo đứng thứ 766 trong danh sách này.
Bà Thảo từng là thành viên Ban giám đốc của một số ngân hàng thương mại tại Việt Nam trước khi gia nhập Ngân hàng Phát triển TP HCM (HDBank) trong vai trò Phó chủ tịch HĐQT. Bà hiện còn đảm nhận vị trí CEO tại hãng hàng không VietJet Air.
Nắm giữ trong tay khối tài sản khổng lồ, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, CEO Công ty Cổ phần Hàng không Vietjet, là nữ tỷ phú thế giới, doanh nhân tuổi Tuất giàu nhất Việt Nam.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo sinh năm 1970 (năm Canh Tuất). Bà Thảo là Tiến sĩ Điều khiển học Kinh tế. Bà từng du học ở Nga và tạo lập được sự nghiệp ở Đông Âu.
Bà có vốn tại hàng loạt công ty đình đám như Sovico, HDBank,… nhưng chỉ tới khi thành công với hãng Hàng không giá rẻ Vietjet Air, tên tuổi của bà Thảo mới được “phủ sóng” rộng rãi.
Thời điểm cuối năm 2017, bà Thảo được Forbes xếp ở vị trí 55 trong danh sách “Những người phụ nữ quyền lực nhất thế giới” năm 2017 và xếp ở vị trí 1.678 trong danh sách “Những tỷ phú giàu nhất thế giới” năm 2017.
Theo thống kê của Forbes, tại thời điểm 11/2/2018, tổng tài sản của bà Nguyễn Thị Phương Thảo lên tới 3,1 tỷ USD. Bà được tạp chí này đánh giá là người giàu thứ 2 Việt Nam, chỉ sau ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Vingroup.
Hôm 6/3, nhiều báo đưa tin Hãng hàng không Vietjet của bà Thảo vừa có đề xuất xin nhập khẩu thuốc lá để phục vụ khách hàng trên các chuyến bay quốc tế.
Video: Forbes tính tài sản các tỷ phú thế giới thế nào?
Cụ thể, theo đề nghị của Vietjet, số lượng thuốc lá mà Vietjet dự kiến nhập kể trên được căn cứ vào tình hình tiêu thụ thực tế của năm 2017 và tương đương với khoảng 20.000 USD.
Số thuốc lá này sau đó được hãng bán tại các cửa hàng miễn thuế mà Vietjet phục vụ trên các chuyến bay quốc tế trong năm 2018.
Tỷ phú Trần Đình Long - Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát
Ông Trần Đình Long là 1 trong 2 tỷ phú USD mới của Việt Nam năm 2018. Tỷ phú Trần Đình Long thành lập Hòa Phát năm 1992 tại Hà Nội.
Tập đoàn này hiện sản xuất thiết bị văn phòng, thép ống, thép xây dựng và được coi là nhà sản xuất thép lớn nhất Việt Nam.
Hồi cuối tháng 1/2018, ông Trần Đình Long lần đầu tiên được các bảng xếp hạng trong nước xác nhận là tỷ phú USD tiếp theo của Việt Nam sau khi cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát liên tục lập đỉnh cao mới, tăng giá gấp gần 2 lần so với 6 tháng trước đó lên trên 63.000 đồng/cp.
Ông Trần Đình Long sở hữu hơn 381 triệu cổ phiếu HPG, trị giá hơn 24 ngàn tỷ đồng (tương đương hơn 1 tỷ USD).
Sở dĩ ông Long lọt top tỷ phú USD Việt Nam là nhờ sự bứt phá vững chắc của cổ phiếu HPG trong cả chục năm qua. HPG được xem là cổ phiếu trụ cột trên TTCK Việt Nam.
Theo Forbes, khối tài sản ông Trần Đình Long sở hữu trị giá 1,8 tỷ USD, ông Long đang đứng vị trí 1.339 thế giới.
Tỷ phú Trần Bá Dương - Chủ tịch Thaco
Ông Trần Bá Dương chính thức là tỷ phú USD thứ 4 của Việt Nam sau khi Forbes công bố danh sách tỷ phú thế giới năm 2018. Ông Trần Bá Dương đang sở hữu tập đoàn tư nhân lớn nhất Việt Nam, có hoạt động sản xuất kinh doanh đa dạng.
Cổ phiếu Thaco niêm yết nhưng trên thị trường tự do (OTC) tiếp tục đứng ở mức cao, khoảng 150.000-180.000 đồng/cp.
Hiện tại, Thaco có gần 415 triệu cổ phiếu, tương ứng với vốn điều lên gần 4.150 tỷ đồng. Với mức giá hiện tại, vốn hóa thị trường của Thaco đạt gần 2,8 tỷ USD. Ông Trần Bá Dương, chủ tịch HĐQT Thaco cùng với vợ trực tiếp và gián tiếp nắm giữ hơn 65% doanh nghiệp này.
Điều đó có nghĩa, vợ chồng ông Trần Bá Dương đang nắm giữ số cổ phiếu Thaco trị giá khoảng 1,8 tỷ USD. Con số này có thể còn tăng lên thêm nhiều nếu cổ phiếu Thaco lên sàn và tăng vọt giống như hàng loạt các cổ phiếu lớn gần đây như: Sabeco, Habeco, ACV, Vietnam Airlines, Faros...
Cũng theo Forbes, ông Dương có khối tài sản 1,3 tỷ USD xếp hạng 1.756 thế giới.
Bình luận