• Zalo

Syria: 'Băng nhóm chính quyền' gồm những ai?

Thế giớiThứ Hai, 13/08/2012 06:13:00 +07:00Google News

(VTC News) - "Chính phủ Syria hoạt động như một nhóm tội phạm có tổ chức cao, lắm tiền và nhiều quyền".

(VTC News) – Giới chức Mỹ khẳng định nội các chính phủ Syria thực chất do người nhà của Tổng thống al-Assad cầm quyền và họ chính là một “băng nhóm xã hội đen”, hãng CNN đưa tin hôm 12/8.

Việc cựu Thủ tướng Ryad Hijab đào tẩu trong tuần trước đã làm tăng số lượng quan chức cấp cao trong chính phủ Syria quyết định rời bỏ Tổng thống Assad khi nhà lãnh đạo cao nhất ở quốc gia Tây Á này đang đứng trước nguy cơ phải rời bỏ quyền lực.

Trước hành động của ông Hijab, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton nhận định “đây là dấu hiệu cho thấy sự sắp sụp đổ của chế độ al-Assad ở Syria”.

 Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, người đã nhiều lần lên tiếng chỉ trích gay gắt các hành động của chính phủ Syria

“Chúng ta không cần phải ra hạn thời gian cho việc ông Assad từ bỏ quyền lực. Mà đúng hơn là khó có thể đoán biết chính xác khi nào nó xảy ra. Tuy nhiên, tôi cũng như bao nhà quan sát khác trên toàn thế giới vẫn biết chắc một điều rằng ngày đó sẽ tới”, bà Clinton nhấn mạnh.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Mỹ mới đây loan tin quyền lực thực chất của chính phủ Syria không nằm trong tay người đứng đầu là Thủ tướng mà thuộc về một số ít các quan chức là người nhà của Tổng thống al-Assad. 

Maher al-Assad: em trai út của Tổng thống Bashar al-Assad - được cho là người nắm giữ nhiều quyền lực thứ hai ở Syria, sau anh trai Bashar. Ông này đồng thời cũng là người đứng đầu nội các, tổng chỉ huy Quân đội Cộng hòa Syria và Sư đoàn Thiết giáp 4.

Namir Al-Assad: anh em họ của Tổng thống Syria và là một trong những nhà lãnh đạo hàng đầu của tổ chức Shabiha – lực lượng lính đánh thuê được huy động để đàn áp các cuộc nổi dậy của phe đối lập.

 Maher al-Assad được cho là nhân vật quyền lực đứng thứ 2 ở Syria

Rami Makhlouf: được mệnh danh là người giàu nhất Syria và là nguồn cung ứng tài chính cho lực lượng cầm quyền của người anh em họ Bashar al-Assad. 

Các chuyên gia Mỹ cho rằng chính Makhlouf đã đứng sau chi tiền cho quân đội chính phủ trong các cuộc giao tranh khốc liệt với phe đối lập ở Syria – gồm những người muốn lật đổ chế độ cai trị của Tổng thống Assad.

Ali Mamlouk: là người đứng đầu cơ quan an ninh quốc gia Syria, Mamlouk từng bị Mỹ cáo buộc và áp đặt lệnh trừng phạt vì hành vi lạm dụng chức vụ để vi phạm nhân quyền của người dân trong nước.

Cũng theo Bộ Ngoại giao Mỹ, hầu hết các thành viên trong nội các dưới chính quyền Tổng thống Assad đều là người Alawite –nhóm Hồi giáo thiểu số ở Syria và chiếm khoảng 15% dân số nước này. Trong khi 3/4 người dân Syria thuộc dòng Hồi giáo Sunni.

Và điều không phải ngẫu nhiên, gần như các quan chức đào tẩu khỏi chính phủ lại Syria là người Sunni, bao gồm cựu Thủ tướng Ryad Hijab.

 Rami Makhlouf được mệnh danh là người giàu nhất Syria 

Trước đó, vào tháng 7/2012, một trong số các nhà ngoại giao cấp cao hàng đầu Syria Nawaf al-Fares cũng đã từ bỏ chính quyền Tổng thống Assad, đồng thời kêu gọi sự can thiệp quân sự từ nước ngoài trong bối cảnh xung đột nội bộ đang ngày càng leo thang ở quốc gia Tây Á này.

Một quan chức khác người Sunni cũng đào tẩu hồi tháng 7 là Tướng Manaf Tlas, thuộc lực lượng Quân đội Cộng hòa . Tlas là họ hàng của Tổng thống Assad và là con trai một cựu bộ trưởng quốc phòng, người đầu tiên được phong tướng trong quân đội Syria.

Theo nhận định của chuyên gia Bộ Ngoại giao Mỹ: “Chính phủ (Syria) hoạt động như một nhóm tội phạm có tổ chức. Việc cải cách là điều quá khó khăn đối với đất nước này vì nó đồng nghĩa với việc đấu tranh chống lại cả một "băng nhóm xã hội đen” cấp cao, lắm tiền và nhiều quyền."

Xung đột giữa quân đội chính phủ và phe nổi dậy ở Syria bùng nổ vào tháng 3/2011 đã khiến hơn 21.000 người thiệt mạng và đang là một trong những vấn đề gây nhiều tranh cãi trong cách giải quyết trên bàn thảo luận của Liên Hiệp quốc.

 Tổng thống Syria, Bashar al-Assad

Trong khi Nga và Trung Quốc kiên trì phản đối các biện pháp trừng phạt mới đối với chính quyền Tổng thống al-Assad, các nước phương Tây và Mỹ lại mạnh mẽ lên án ông Assad và không ngừng yêu cầu ông này chuyển giao quyền lực cho một chính phủ mới bao gồm đại diện của cả quân nổi dậy. 

Tuy nhiên, Tổng thống Assad đã kiên quyết từ chối đề nghị này và thậm chí còn đe dọa sẽ sử dụng vũ khí hóa học để "đáp trả" nếu các nước phương Tây dám can thiệp vũ trang vào Syria.

Hạ Giang
Bình luận
vtcnews.vn