• Zalo

Sự thật cuộc sống 'người rừng' giữa Hà Nội

Thời sựThứ Bảy, 28/12/2013 11:00:00 +07:00Google News

(VTC News) - Những 'người rừng' này là ai, vì sao họ phải sống 'trên cây' ngay giữa thủ đô văn minh, hiện đại... là câu hỏi của không ít người khi chứng kiến.

(VTC News) - Những 'người rừng' này là ai, vì sao họ phải sống đời sống 'trên cây' ngay giữa thủ đô văn minh, hiện đại... là câu hỏi của không ít người khi chứng kiến.

Những ngày qua, dư luận xôn xao về những 'người rừng' dựng lán dưới gốc cây để sinh sống giữa thủ đô Hà Nội. Đó là những căn lều tạm bợ, rách nát nằm trên đoạn đường ven sông Tô Lịch hướng từ Bưởi đi Cầu Giấy (Phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội).
Phóng viên VTC News đã có mặt để tìm hiểu thực hư về cuộc sống của những 'người rừng' này tại các khu lều tạm. 
Tấp xe vào vỉa hè đoạn đường này, chúng tôi 'mục sở thị' những căn nhà tạm bợ của những người lao động đang trú ngụ tại đây. Nói là nhà, nhưng thực chất đó là những căn lều được dựng lên từ bạt và những thanh gỗ tạm bợ, tựa thân vào gốc cây cheo leo bên ven đường.
Những căn lều tạm bợ là chính nơi sinh sống của một cụ ông Trương Ngọc Tuấn (67 tuổi) và một nam thanh niên bị câm bẩm sinh làm nghề nhặt đồng nát. 
 Các căn lều dựng tạm dưới gốc cây trên tuyến đường ven sông Tô Lịch (phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội)

 Các căn lều dựng lên từ bạt, vải vóc và các thanh gỗ, tre
Run lên bần bật vì cái lạnh như cắt da cắt thịt của mùa đông Hà Nội, ông Trương Ngọc Tuấn (67 tuổi) kể:  "Tôi đã sống ở đây gần 4 năm. Đến cái Tết Nhâm Ngọ này nữa là 4 cái Tết tôi ở đây". 
Được biết, ông dựng lều tạm bợ sống ở đây, ban ngày đi nhặt ve chai về bán, đêm xuống lại ẩn mình dưới chiếc lều tạm. Trong căn lều của ông, chỉ có ngồi chứ không thể đứng và vừa đủ cho một mình ông cuộn tròn giữa cái rét 10 độ C như cắt da cắt thịt. 
 Ông Tuấn cho biết đã sống tại khu này gần 4 năm
 Chỗ ngủ trong lều
Theo tìm hiểu của PV, ông Tuấn là người gốc ở gần khu vực chợ Bưởi, trước đó gia đình ông từng sống rất hạnh phúc. 
Cách đây khoảng hơn 4 năm, giữa ông và vợ có xích mích nên ông quyết định bán căn nhà khoảng gần 3 tỷ đồng. Số tiền này ông cho các con xây dựng nhà cửa. Sau đó ông bỏ đến khu vực này sống tạm, chịu cảnh màn trời chiếu đất mấy năm nay.
"Các con tôi đều sống ở khu vực Hà Đông, chúng vẫn thường mang thực phẩm và những đồ dùng thiết yếu đến cho tôi, rồi mong muốn đón tôi về ở cùng, nhưng  vì nhiều lý do, tôi không thể về nhà. Hơn nữa, về ở khu đó tôi không có bạn bè" ông Tuấn chia sẻ. 

 Phải rất cẩn thận mới leo lên được các căn lều này

 Giữa cuộc sống phồn hoa của thủ đô Hà Nội, vẫn có những mảnh đời phải lay lắt sống từng ngày
Vừa nói chuyện, ông Tuấn vừa khoe thùng mì tôm còn nguyên được người dân cho để ăn dần. Ông nói: "Sống ở đây tuy khổ, nhưng tinh thần thoải mái, lạc quan và không phải phiền muộn về cuộc sống".
Trong căn lều tạm bợ, đồ đạc, quần áo, thực phẩm vứt ngổn ngang. Hai tấm nệm nhỏ tháo từ chiếc ghế được ông dùng làm nệm để ngủ. Những bộ quần áo ấm được người dân cho, ông vẫn đề dành đó mà chưa mặc đến. Tất cả các món đồ ông đều khoe: "Người dân họ cho tôi đấy".
 Bếp nấu ăn của các người dân sống ở lều
 Bánh mì là một trong những thức ăn chính của những người ở đây

Thường ngày, cứ sáng ra là ông Tuấn lang thang khắp các con phố để nhặt nhạnh những thứ người ta vứt đi, bới trong các thùng rác kiếm cái chai, tờ giấy về bán lại cho đồng nát. Theo ông, "thu nhập chẳng đáng bao nhiêu đâu, ngày được vài chục nghìn là nhiều lắm, có hôm chỉ được vài nghìn thôi, nên có thức ăn, mì tôm ngươi ta cho là quý lắm rồi".
 Quần áo, chăn màn phơi ở ngay sát lều

Ngay sát lều ông Tuấn, là căn lều 'khang trang' hơn của nam thanh niên bị câm. Căn lều cũng nằm dưới một gốc cây xoan rất to. 
Theo lời ông Tuấn kể thì người thanh niên này bị câm, quê ở Lạng Sơn và cũng làm nghề nhặt đồng nát như ông. Sáng sớm, chàng thanh niên thức dậy nấu vội gói mì tôm ăn sáng, rồi lọc cọc trên chiếc xe đạp của mình đi khắp các con phố để thu lượm đồng nát. Khi trên xe đã nặng, anh lại chở về bán cho các đầu mối thu mua.
Ông Tuấn nói, chính ông là người cưu mang thanh niên này và dạy anh cách dựng lều tạm để ở tại khu này. "Chỉ có tôi mới phiên dịch và hiểu được những hành động của nó, vì cháu nó bị câm mà" ông Tuấn nói thêm.

Hà Minh
Bình luận
vtcnews.vn