• Zalo

Sóng ngầm ở Liên đoàn Bóng đá Việt Nam

Thể thaoThứ Năm, 07/09/2017 19:44:00 +07:00Google News

Vài tháng trước Đại hội LĐBĐ Việt Nam (tháng 3/2018), đã có những dấu hiệu cho thấy một cuộc đua tranh đang diễn ra, đe dọa tới sự đoàn kết, đồng lòng ở cấp thượng tầng VFF.

Câu chuyện đoàn kết ở cấp thượng tầng VFF vốn trở thành đề tài bàn tán trong giới suốt hơn 2 năm trở lại đây. Tới độ một dạo, Phó chủ tịch phụ trách truyền thông Nguyễn Xuân Gụ phải lên tiếng phân trần về việc VFF chỉ “chưa đoàn kết cao”, chứ không có chuyện mất đoàn kết.

Trước thềm SEA Games 29, lãnh đạo VFF đã ra thông báo thể hiện quyết tâm nhất trí cao với nhau, nhằm giúp cho đội tuyển U22 Việt Nam thi đấu tốt, nhắm tới mục tiêu giành HCV. Nhưng rốt cuộc, U22 Việt Nam dưới sự dẫn dắt của HLV Nguyễn Hữu Thắng thất bại ngay từ vòng bảng.

Ông Thắng từ chức ngay tại Kuala Lumpur, và sau đó tới lượt bầu Đức, đương kim Phó chủ tịch phụ trách tài chính VFF, lên tiếng xin rút lui. Bầu Đức khẳng định sẽ giữ lời hứa trước thềm SEA Games 29, là nếu U22 Việt Nam không giành HCV thì ông sẽ từ chức. Thông tin nội bộ cho biết, ông Đức thực tế đã có kế hoạch xin nghỉ, có báo cáo Thường trực VFF, bất kể U22 Việt Nam đoạt HCV hay không.

bau duc u22 viet nam (4) 15

Ban lãnh đạo VFF sẽ có sự biến động lớn ở nhiệm kỳ tới.

Người trong giới biết rõ rằng, do vấn đề sức khoẻ của Chủ tịch Lê Hùng Dũng không được tốt trong độ 2 năm trở lại đây, công việc ở VFF được giao phó chủ yếu cho Phó chủ tịch thường trực Trần Quốc Tuấn và Ban thư ký, từ đối nội tới đối ngoại, tìm kiếm tài trợ…

Năm thành viên Thường trực còn lại, ông Trần Anh Tú được phân công đặc trách futsal, trong khi Phó chủ tịch Nguyễn Xuân Gụ lo mảng truyền thông. Nếu xét một cách chi ly, nhiệm kỳ VII VFF đang đạt được khá nhiều thành công, tập trung mạnh vào các đội tuyển trẻ: các đội U16, U19, futsal, bóng đá nữ…đều gặt hái được nhiều thành tích cao, giành vé tham dự các giải đấu cấp châu lục tới World Cup.

Điểm trừ lớn nhất có lẽ là giải VĐQG V-League, chưa thực sự được nâng cấp về mặt chất lượng, cũng như vẫn xảy ra sự cố. Kể từ khi được “giao khoán” cho Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF), công tác tổ chức, điều hành V-League đã có những thay đổi, nhưng chưa theo kịp với yêu cầu trong giai đoạn mới.

Nếu đúng hạn, Đại hội VFF sẽ phải tổ chức trong nửa đầu năm 2018, với khả năng chắc chắn là Chủ tịch Lê Hùng Dũng sẽ nghỉ. Phó chủ tịch Trần Quốc Tuấn, với việc phải lo gần như toàn bộ những công việc lớn nhỏ, rất tự nhiên trở thành ứng viên thay thế lớn.

HLV Huu Thang

Thất bại của U22 Việt Nam khiến bầu Đức và HLV Hữu Thắng phải từ chức.

Bên cạnh đó thì giới thể thao cũng đưa ra một loạt cái tên khác, có khả năng kế nhiệm ông Dũng. Trong số từng được báo chí đề cập có cả Giám đốc Khu Liên Hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình Cấn Văn Nghĩa, Ủy viên BCH VFF, Hiệu trưởng Đại học TDTT TP Hồ Chí Minh Lê Quý Phượng hay Phó chủ tịch VPF Nguyễn Công Khế…

Trong bối cảnh trên thì thất bại của U22 Việt Nam, quyết định từ chức của HLV Nguyễn Hữu Thắng tới tuyên bố ra đi của bầu Đức vô tình trở thành công cụ rất tốt cho người trong cuộc “phang” nhau. Thế nên không phải ngẫu nhiên, sau SEA Games 29, lại đang có những lời kêu gọi phát động “cải tổ” VFF.

Những việc làm được của nhiệm kỳ VII bị hạ thấp, trong khi các điểm khiếm khuyết được phóng lên cực đại. Người ngoài chỉ thấy những lời hiệu triệu chấn hưng bóng đá, nhưng giới trong cuộc thì biết VFF lại đang xảy chiến tranh, sự thất thế của người này sẽ là cái rung đùi ăn mừng của kẻ khác. Lãnh đạo ngành thể thao nếu không tỉnh táo, ắt khó tránh khỏi bị tác động.

Chiếc ghế Chủ tịch VFF “quyền rơm, vạ đá” như lời ông Lê Hùng Dũng ngày nào, hóa đang khiến cả nền bóng đá phải chịu cơn sóng gió.

(Nguồn: Tiền Phong)
Bình luận
vtcnews.vn