• Zalo

Sởn gai ốc với độc dược ngọt ngào từ hè phố

Sức khỏeThứ Ba, 09/07/2013 08:29:00 +07:00Google News

(VTC News) - Với thời tiết nắng nóng gay gắt, ghé vào bên đường gọi 1 ly nước sâm giải nhiệt đúng là không gì bằng.

(VTC News) - Với thời tiết nắng nóng gay gắt và kéo dài như Sài Gòn hiện nay, ghé vào bên đường gọi 1 ly nước sâm giải nhiệt đúng là không gì bằng.

Thế nhưng, thay vì uống nước sâm để làm mát và giải nhiệt, người tiêu dùng đang vô tình tự bơm thêm chất độc vào cơ thể mình.

Từ “công nghệ” nấu nước sâm tươi…

Trước đây, pha được thùng nước sâm để bán không phải là chuyện đơn giản, nguyên liệu phải dùng rất nhiều loại hoa lá củ, rễ, nấu chín già và dùng đường phèn làm vị ngọt.Tuy nhiên, do nhu cầu của người mua ngày càng lớn và người bán lại hám lợi nên “công nghệ” chế biến một thùng nước sâm đủ vị: bông cúc, mía lau, bí đao, nước đắng, hồng trà…trở nên đơn giản hơn rất nhiều.

Chế biến nước sâm bẩn
Chế biến nước sâm bẩn

Vào vai hai vợ chồng từ Tây Nguyên xuống Sài Gòn kiếm việc, chúng tôi ghé một tiệm nước sâm dọc công viên Gia Định (Q.Phú Nhuận) uống sâm bí đao và lân la làm quen. Sau khi nói có ý định mở xe nước mát bán và thắc mắc nước sâm thơm ngon thế này bán có 7 ngàn 1 ly thì đâu lời bao nhiêu.

Một chị làm tại quán (nghe gọi là chị Hai) cười: “Em nghĩ sao vậy, mỗi ngày kiếm cả trăm ngàn đồng là chuyện bình thường, còn vào mùa nắng bỏ túi hai, ba trăm dễ òm. Hai vợ chồng làm công nhân lương tháng chưa chắc bằng”.

Khi được hỏi công thức nấu hoặc mua lại nước sâm đã nấu từ tiệm về bán, chị Hai dắt chúng tôi vào phía sau nhà. Khu bếp và sàn nước bày la liệt các loại can nhựa màu trắng. Các loại bột (nghi là hóa chất để pha nước) đủ màu rơi vãi nhìn vô cùng nhếch nhác. Mùi bí đao và sâm sực nức khiến chúng tôi nghĩ đến một dây chuyền nấu các loại lá mát, mía lau vô cùng đậm đặc.

Tuy nhiên, mùi hương lại bốc ra từ chính những bịch bột màu trắng (nghi là đường hóa học – có hương vani) và bột màu nâu tím (nghi là bột để pha nước sâm)

Chị Hai cho biết: “Pha nước sâm còn dễ hơn…pha trà với thành phần chính là nước lã + đường hóa học + mùi, màu. Ngoài các nguyên liệu chính này, người bán thường bỏ thêm một ít rong biển, rễ tranh, mía lau, la hán quả (tùy loại)… để “làm màu” và tạo mùi tự nhiên.

đường hóa học
Đường hóa học 
Còn màu và mùi thì ra chợ Kim Biên, cái gì cũng có”. Tại chợ Kim Biên các loại hóa chất hầu như sạp nào cũng có. Việc pha chế thì tùy, muốn lời nhiều thì pha loãng khoảng chục thùng với 3 món: hương, màu và chất tạo ngọt (đường hóa học). Nhiều chủ sạp còn tư vấn thêm, không nên xài một loại chất tạo ngọt mà phải nấu một ít nước đường pha vào, rồi ra Hải Thượng Lãn Ông (quận 5) mua ít cọng rong biển, rễ tranh…nấu chung cho có mùi vị tự nhiên.

…đến “công nghệ” nước sâm đóng chai ướp lạnh.

Không chỉ các khu vực bán nước sâm lâu đời tại TP.HCM, hiện nay, hầu hết các tuyến đường lớn trong thành phố còn xuất hiện rất nhiều những thùng bán nước di động: nước sâm, nha đam đường phèn…bày bán khắp các vỉa hè ở khắp các quận hoặc các quán ăn vỉa hè và được giới thiệu “của nhà tự nấu”. 

Khi được hỏi lấy nước sâm, nha đam từ đâu hầu hết người bán đều e dè và trả lời là nhà nấu rồi tự đóng chai. Theo khảo sát  hầu hết các loại hóa chất và hương liệu được bày bán ở chợ không có nhãn mác, không xuất xứ và hạn sử dụng. Chưa kể việc dùng lại chai nhựa cũ không đảm bảo vệ sinh, nước để pha chế không rõ nguồn gốc…cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây bệnh.

 
Ngó lơ với sức khỏe

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, đa phần thức uống lề đường không được kiểm soát về chất lượng, nguyên liệu không có nguồn gốc rõ ràng. Thường các chất tạo màu, tạo mùi dùng trong công nghiệp chứa nhiều tạp chất và kim loại nặng; khi dùng trong thức ăn, thức uống sẽ tích tụ trong cơ thể, lâu ngày gây ngộ độc mãn tính và có thể dẫn đến ung thư.
Ngó lơ sức khỏe
Ngó lơ sức khỏe 

Mặc dù là thức uống, trực tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe con người nhưng các loại nước giải khát lề đường gần như không được kiểm tra chất lượng. Người bán tự do bán, người mua vô tư uống, miễn sao ngon và giá rẻ, còn chất lượng thì…kệ.

Ông Nguyễn Xuân Hòa, Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm TP.HCM cho hay đa số các loại hóa chất có trong thức uống đường phố thường không biểu hiện ngộ độc ngay mà gây ra những tác hại lâu dài như mắc các bệnh về xơ gan, ung thư, vô sinh...




Minh Đạt

Bình luận
vtcnews.vn