• Zalo

Sốc với những ngôn từ "sủa", "phân chó" cùng GV lên lớp

Giáo dụcChủ Nhật, 06/11/2011 03:47:00 +07:00Google News

Sỉ nhục HS trước lớp, ăn chậm quá giờ là ăn roi, dùng điểm số làm công cụ phạt... là tình trạng khá phổ biến trong trường học.

Sỉ nhục HS trước lớp, ăn chậm quá giờ là ăn roi, dùng điểm số làm công cụ phạt... là tình trạng khá phổ biến trong trường học.

Ai “sủa” trong lớp?

Mới đây, nhiều phụ huynh và học sinh đã bày tỏ phẫn nộ trước cách hành xử phản sư phạm của giáo viên môn toán T.T.M.C ở Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ, quận 4, TP.HCM.

 Không ai có thể quên hình ảnh cô giáo trường THCS Nguyễn Văn Bé (Q.Bình Thạnh) bắt các HS xếp hàng và tát từng em một

Theo tường trình của nhiều học sinh lớp 10A1, ngày 19/10, cô Châu vào dạy môn toán. Cả lớp đang chăm chú nghe giảng thì từ chỗ học sinh Hoàng Huy Long phát ra một tiếng nói lớn. Cô Châu quay xuống hỏi: “Ai sủa trong lớp vậy?”. Không có ai lên tiếng. Cô Châu gọi lớp trưởng hỏi: “Ai là người thường hay sủa trong lớp?”. Sau đó, cô đuổi Long ra ngoài. Ở hai tiết học tiếp theo, giáo viên này tiếp tục đuổi 12 học sinh khác.

Các em học sinh trong lớp cho biết, đã có lần cô Châu đuổi gần nửa lớp ra ngoài.

Cô Châu còn có những lời: “Kẻ đê tiện tôi sẽ xử lý theo kiểu đê tiện, em tưởng có nhiêu đó mà đòi vào lớp với tôi sao? Cái thằng con trai to, cao, bự kiểu đó mà bệnh gì? Bệnh hoạn thì có. Cái người bệnh hoạn tôi không muốn nói đến. Người gì mà ngu si dữ vậy?”

Hay “Phân chó mà tưởng pa tê”, “Mày về uống thuốc thần kinh đi”.

Trong một lần cúi xuống gầm bàn để lấy cây bút, một học sinh nữ của trường PTTH tại TP HCM còn bị cô giáo ví "như là chó". Bạn bè trêu chọc. Từ đó cô bé mắc bệnh trầm cảm buộc gia đình quyết liệt đòi chuyển trường cho con.

Còn nhớ, Năm 2008, hành động tát vào mặt, vào đầu các bé, miệng thường xuyên quát tháo, chửi thề là cách mà 2 giáo viên mầm non tư thục Phương Linh, phường 5, quận 11, TP HCM, đã gây luồng hoang mang trong dư luận.

Cứ bé nào ngậm cơm hay khóc nhè, bảo mẫu Nguyễn Thị Hoàng Sanh sẽ ép ăn bằng cách đánh vào đầu kèm theo chửi mắng: "Ăn vô không tao đánh mày chết".
Bà Sanh còn dùng chiếc muỗi nhựa thúc mạnh thức ăn vào miệng bé, làm tróc da bên trong môi chảy máu. Khi bé nôn hết, bà Sanh dùng nước lã pha vào những thứ vừa ói trộn lên đút cho bé ăn tiếp.

Như côn đồ, GV bẻ quặt tay HS

Thêm hành động nữa khiến các bậc phụ huynh không khỏi lên án đó là ngoài việc chửi bởi, các giáo viên còn dọa dẫm và đánh đập các em học sinh, nhiều em phải rời bỏ lớp học, rời trường, nghiêm trọng hơn, các em còn phải đi cấp cứu và hoảng loạn vì điều này.

Một thầy giáo ở Trường THCS Trần Bội Cơ (quận 5, TP.HCM) đánh một học sinh lớp 7. Em học sinh này sau đó đã được nhập viện do gia đình lo em bị chấn thương ở đầu.

Mới đây, tại Khoa Tiêu hóa - Bệnh viện Nhi Đồng 2 một em học sinh tên P đang nằm điều trị sau khi bị giáo viên tát mặt, đầu, tay. Giáo viên này còn bẻ quặt tay em P ra sau lưng như trấn áp tội phạm.

Có trường hợp sau khi dùng thước kim loại đánh học sinh đến thâm tím tay, chân, thầy giáo còn thản nhiên: "Đánh như vầy đã chưa?".

Không chỉ vào viện, nhiều em học sinh cô giáo mắng, đã nhảy lầu tự tử, làm các em học sinh khác hết sức kinh hoàng.

Thầy giáo ở Bảo Lộc, Lâm đồng đã dùng roi đánh dập mông 6 em HS do chưa làm bài tập 


Trong tình huống khác, trước hàng chục học sinh trong lớp, cô giáo lớn tiếng sỉ nhục một em về chuyện học tập: "Mày học lớp 7 mà thua con tao học lớp 3". Hay như chuyện giáo viên tại một trường THCS bắt một học sinh 13 tuổi đứng trước lớp giải thích "thế nào là cave", khiến nữ sinh cảm thấy xấu hổ và bị bạn bè trêu chọc.

Do căng thẳng hay biểu hiện của vi phạm đạo đức?

Hầu hết các vụ việc giáo viên đều nhận trách nhiệm. Tuy nhiên kèm theo đó vẫn là lời giải thích nghe chả mấy “thấu tình đạt lý” như là: giáo viên A có hơi men và hay bị mệt trong thời gian gần đây, nên họ luôn trong tình trạng mất tỉnh táo.

Nhiều th ầy hiệu trưởng còn tỏ ra bao biện cho hành động của giáo viên trường họ, kiểu như: “Hành động đánh học sinh xuất phát từ chỗ muốn cho các em tốt hơn”.

Lý do cho muôn ngàn câu hỏi vẫn là: “Các em học sinh bị đánh hay chửi đó đều là học sinh hư, không học bài, làm bài”.

Lại có nguyên nhân, một số giáo viên vì quá bị áp lực từ chuyện dạy học, việc nhà, làm sổ sách nên đã quá tay với học sinh.

Tuy nhiên, trên các diễn đàn cho rằng, dù vì lý do gì, việc xúc phạm học sinh của thầy giáo theo kiểu mày tao và đánh đập cũng khó có thể được chấp nhận. Vì chính giáo viên là người truyền đạt những kiến thức, dạy dỗ học sinh là con người có ích cho xã hội.

Theo một bạn độc giả, nếu học sinh mà ngỗ ngịch quá giáo viên dạy dỗ mãi mà học sinh không chịu nghe thì có thể trong cơn giận dữ quá giáo viên có thể xưng TÔI, EM với học sinh. Đừng nên mắng học sinh như vậy sẽ làm mất đi tư cách của người giáo viên tốt. Nếu học sinh bất trị quá, giáo viên có thể mời phụ huynh của em học sinh đó lên bàn bạc và nói chuyện đóng góp ý kiến cho phụ huynh đó biết con em của họ là như thế đó.

Ông Đỗ Quốc Anh, Giám đốc cơ quan đại diện Bộ giáo dục đào tạo tại TP.HCM cho rằng, những hành động trên là một trong những tình huống vi phạm nghiêm trọng đạo đức nghề giáo.

Báo VnExpress trích lời ông Anh cho biết, tình trạng bạo lực trong học đường hiện nay mặc dù chưa phổ biến nhưng với những vụ việc xảy ra trong thời gian qua, cũng đã đến mức báo động đối với gia đình, nhà trường và xã hội.

Theo số liệu thống kê của Bộ, trong năm học 2008, cả nước có 20 vụ bạo hành nghiêm trọng xảy ra ở các địa phương, trong đó Hà Nội có 5 vụ, TP HCM 3 vụ. Số giáo viên vi phạm đạo đức nghề giáo là 46 trường hợp, 9 giáo viên đã bị buộc phải thôi dạy.

Sức ép về chương trình giảng dạy, sai lệch về quan niệm "thương cho roi cho vọt", sự tác động của môi trường xã hội, thiếu phương pháp sư phạm... là những yếu tố được các chuyên gia cho là nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo hành đối với trẻ em và học sinh.

Theo bà Phan Thanh Minh, đại diện Sở Lao động Thương binh và Xã hội, đây là hình thức sỉ nhục, bạo lực trong học đường. Mặc dù không xâm phạm đến thân thể các em, song những cách giáo dục đó lại làm tổn thương nghiệm trọng đến tâm hồn trong sáng của học sinh. "Những câu nói này tưởng như không phải là bạo lực nhưng thực ra lại ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý, nhận thức của trẻ và cả niềm tin của các em với thầy cô giáo", bà Minh phát biểu.

Trao đổi với báo Tuổi trẻ, ông Trương Đình Mậu, phó cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) nhấn mạnh: “Nếu đúng là giáo viên có biểu hiện vi phạm đạo đức nhà giáo như vậy thì sẽ phải chịu hình thức kỷ luật theo quy định của Bộ GD&ĐT”.



Thu Giáo/GDVN

Bình luận
vtcnews.vn