• Zalo

Sóc Sơn: Vì sao chỉ 18 hộ dân bị cưỡng chế?

Bất động sảnThứ Ba, 09/04/2019 13:08:00 +07:00 Google News

Lãnh đạo xã Minh Phú (huyện Sóc Sơn) vừa mời các hộ dân được cho là có công trình vi phạm trật tự xây dựng ở năm 2017-2018 lên đề nghị phá dỡ xong trước 30/4.

Yêu cầu đó không được chấp thuận vì người dân “so đo” có hàng trăm công trình khủng vi phạm đất rừng nhưng chính quyền chỉ nhằm vào 18 công trình của họ.

soc son

 Một trong nhiều công trình vi phạm tại Sóc Sơn.

Thông báo Kết luận Thanh tra TP Hà Nội chỉ rõ trên địa bàn 9 xã huyện Sóc Sơn có hơn 1000 trường hợp vi phạm đất rừng, trong đó tập trung ở xã Minh Trí và Minh Phú và Hồ Đồng Quan, Đồng đò, Hàm lợn và một số hồ lớn với tổng số 797 trường hợp. Thanh tra TP đề nghị huyện Sóc Sơn cưỡng chế ngay các công trình vi phạm trong năm 2017-2018 trên địa bàn xã Minh Phú và Minh Trí.

Trước khi Thanh tra TP đưa ra kiến nghị trên, huyện Sóc Sơn đã nhiều lần đốc thúc 18 hộ dân ở thôn Lâm Trường tự phá dỡ các công trình vi phạm, và UBND Xã Minh Phú đã tổ chức cưỡng chế một số công trình của 18 hộ dân này, gây thiệt hại lớn về tài sản.

Sau khi có Thông báo kết luận của Thanh tra TP, ngày 30/3, các hộ dân này được UBND xã Minh Phú mời lên làm việc với nội dung xử lý công trình vi phạm đất đai, trật tự xây dựng trên đất lâm nghiệp.

Sau khi nghe ý kiến của ông Nguyễn Văn Hân - Chủ tịch UBND xã Minh Phú, các hộ dân trên không đồng tình theo thông báo kết luận Thanh tra TP. Các hộ dân ở đây cho rằng, kết luận của Thanh tra TP không đầy đủ, không xem xét các yếu tố lịch sử, các văn bản pháp lý, đặc biệt kiến nghị không bám theo Kết luận Thanh tra Chính phủ năm 2006.

“Hiện các công trình theo kết luận Thanh tra Chính phủ chưa xử lý tại sao lại xử lý 18 hộ trong khi có nghìn hộ ở huyện Sóc Sơn cũng tương tự như chúng tôi. Chúng tôi mong được biết lý do tại sao?”, một trong những hộ dân có công trình bị đề nghị tháo dỡ băn khoăn.

Ông Ngô Văn Cam và Bà Vũ Thị H. cho biết, thực tế trong thời gian 2017-2018, trong rừng của thôn Lâm Trường còn có nhiều công trình nguy nga khác xây dựng chứ không chỉ riêng 18 công trình nằm trong danh sách “đen” từ nhiều tháng nay. Những công trình mới tinh tươm còn thơm mùi sơn nhưng vẫn không nằm trong danh sách “cưỡng chế ngay”. 

Ngoài ra các hộ dân có nhiều căn cứ pháp lý và các giấy tờ liên quan để làm rõ nguồn gốc đất nhưng trong Thông báo kết luận thanh tra vẫn không đề cập đến, hơn nữa đến thời điểm hiện nay các cơ quan quản lý chưa thực hiện bàn giao thực địa xong mốc giới rừng để làm cơ sở quản lý...

 Chính vì vậy, 18 hộ dân có công trình thuộc danh sách đen kể trên đã có đơn kiến đề nghị có buổi được đối thoại với UBND huyện Sóc Sơn để có được sự công bằng với các công trình khác có nguồn gốc và xây dựng cùng thời điểm. Đề cập đến các công trình vi phạm từ năm 2006-2018, trên địa bàn xã Minh Phú và Minh Trí, Thanh tra TP Hà Nội chỉ đề nghị UBND TP Hà Nội giao huyện Sóc Sơn thiết lập hồ sơ có phương án xử lý đúng quy định của pháp luật, đảm bảo đất đai sử dụng đúng mục đích.

Trước câu hỏi của phóng viên, về việc tại sao không kiến nghị phá dỡ luôn gần hơn 1.000 công trình vi phạm trật tự xây dựng trong rừng Sóc Sơn, mà chỉ tập trung vào các công trình vi phạm trong năm 2017-2018, Thanh tra TP Hà Nội “vòng vo” giải thích các trường hợp này phải xử lý theo đúng kết luận, kiến nghị của Thanh tra Chính phủ.

“Thanh tra Thành phố đã kết luận trách nhiệm và kiến nghị UBND Thành phố chỉ đạo UBND huyện Sóc Sơn khẩn trương thực hiện dứt điểm kết luận của Thanh tra Chính phủ”, Thanh tra TP Hà Nội nêu rõ quan điểm.

Về nguyên nhân và trách nhiệm chưa thực hiện xử lý đối với các trường hợp vi phạm đã được Thanh tra Chính phủ kết luận, Thanh tra TP cho là do UBND huyện Sóc Sơn, UBND các xã không nghiêm túc thực hiện Kết luận của Thanh tra Chính phủ, ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND Thành phố.

Trách nhiệm thuộc UBND huyện Sóc Sơn, UBND các xã để xảy vi phạm đã được Thanh tra Chính phủ kết luận.

Sáng 9/4, trao đổi với báo chí bên lền kỳ họp HĐND TP Hà Nội, ông Phạm Xuân Phương - Bí thư Huyện ủy Sóc Sơn cho biết, thực tế trong kết luận Thanh tra Chính phủ từ năm 2006 đã nêu rõ hướng xử lý hàng trăm công trình vi phạm trong rừng Sóc Sơn.

Cụ thể, Thanh Chính phủ yêu cầu huyện Sóc Sơn và các đơn vị liên quan phải tiến hành rà soát các công trình vi phạm. “Thanh tra Chính phủ mở cho hướng công trình nào trong vùng chồng lấn thì phải báo cáo, công trình nào vi phạm thì phải xử lý”, Bí thư Huyện ủy Sóc Sơn - Phạm Xuân Phương nói.

(Nguồn: vnmedia.vn)
Bình luận
vtcnews.vn