Phó giáo sư Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới - Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết vừa cấp cứu bệnh nhân nữ N.T.B (37 tuổi, quê ở Ninh Bình) nhiễm HIV giai đoạn cuối.
Chị B. đến viện trong tình trạng đau đầu dữ dội, chóng mặt, mắt phải nhìn mờ, buồn nôn kéo dài hàng tháng nay, đã đi khám mắt và khám thần kinh.
Bệnh nhân đã đi khám ở bệnh viện tuyến huyện (điều trị 1 tuần), được chuyển lên tuyến tỉnh vẫn không tìm ra bệnh. Bệnh nhân tiếp tục đi khám mắt và thần kinh ở tuyến Trung ương nhưng vẫn không tìm ra nguyên nhân. Những lần kiểm tra này, chị B. đều giấu bản thân mắc HIV.
Tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, qua xét nghiệm, các bác sĩ phát hiện chị B. nhiễm HIV và mắc nhiễm trùng cơ hội nặng, tổn thương não - màng não. Lúc này, sức khỏe bệnh nhân suy giảm nghiêm trọng, tế bào CD4 dưới 200/mm3. Mặc dù bệnh ở giai đoạn muộn, nhưng chị B. vẫn không muốn hợp tác để chữa trị.
PGS Cường cho biết, khi có xét nghiệm khẳng định nhiễm HIV, bệnh nhân mới chia sẻ lây bệnh từ chồng cách đây 10 năm. Chị B. sợ bị kỳ thị, chị không muốn sống và cũng không muốn điều trị. Sau khi được các bác sĩ tư vấn, bệnh nhân được điều trị tích cực và bệnh tiến triển tốt hơn.
Theo bác sĩ Cường, nếu điều trị sớm, bệnh nhân có thể áp dụng ngay các phác đồ đặc trị, tránh những biến chứng. Vì chị B. để bệnh tiến triển sang giai đoạn muộn nên việc chữa khó khăn, tốn kém, cần thời gian lâu dài.
Hiện nay vẫn còn nhiều bệnh nhân lo sợ, không khai báo với bác sĩ là mình bị nhiễm HIV nên rất khó khăn trong công tác chẩn đoán và điều trị, khi phát hiện thì bệnh đã ở giai đoạn muộn.
"Việc giấu bệnh làm tăng nguy cơ phơi nhiễm HIV cho nhân viên y tế khi chăm sóc bệnh nhân", bác sĩ Cường nói và cho biết trên thực tế đã có nhiều người trải qua hàng chục năm theo dõi điều trị tại Trung tâm, nay khỏe mạnh và có tỷ lệ virus dưới ngưỡng ức chế đạt rất cao (trên 98%).
"Các bệnh nhân nên chia sẻ với các bác sĩ để có thể kịp thời điều trị, kéo dài sự sống cho bản thân, cũng tránh rủi ro cho người xung quanh", bác sĩ Cường chia sẻ.
Bình luận