• Zalo

Sinh viên trốn học về bên canh bạc

Giáo dụcThứ Bảy, 08/12/2012 08:00:00 +07:00Google News

Thời gian gần đây, sinh viên các trường đại học tại TP.HCM còn có những thú vui khác mà phụ huynh có nằm mơ cũng không dám mơ tới: trốn học đánh bạc.

Thời gian gần đây, sinh viên các trường đại học tại TP.HCM còn có những thú vui khác mà phụ huynh có nằm mơ cũng không dám mơ tới: trốn học đánh bạc.


Quán nước K.H, đối diện trường ĐH Giao thông vận tải nơi các sinh viên chọn để sát phạt nhau 
Điểm danh xong rồi trốn
Câu nói: “nhàn cư vi bất thiện” có lẽ là không sai đối với những sinh viên “chán học, mê cờ bạc”. Thay vì mỗi ngày đến giảng đường, nhiều sinh viên đã chọn cách tụ tập trong các quán nước gần trường để sát phạt nhau bằng trò đỏ đen. 
Khoảng 8 giờ sáng, chúng tôi có mặt tại một quán nước K.H trên đường Lê Văn Việt (P. Tăng Nhơn Phú A, Q.9, TP.HCM), khu vực tập trung các Trường Đại học Giao thông vận tải cơ sở 2, Cao đẳng Tài chính hải quan, Cao đẳng Công thương, Trung cấp nghề Sư phạm Kỹ thuật…. 
Quán vắng khách, chỉ thấy có mấy sinh viên mang áo có logo của các trường đã ngồi đồng từ khi nào với ly cà phê đã vơi hơn một nửa. Họ nhấp nhổm hết đứng lên lại ngồi xuống như đang trông một ai đó. Không lâu sau có khoảng 5 – 6 sinh viên khác kéo vào. 
Thay vì chào nhau một cách lịch sự, những sinh viên này vừa gặp nhau đã văng tục, chửi thề như dân chợ búa. Một người trong nhóm phân bua: “Đã nói là từ từ rồi mà. Ông thầy khó như quỷ. Điểm danh xong tao phải ngồi lại chờ hết tiết mới ra được. Thôi sắp bàn đi, tao gỡ mấy kèo coi. Hôm qua đen quá”.
Trong quán mỗi bàn là một sòng bạc sinh viên sát phạt nhau đến tối 
Quán đông dần. Sinh viên đủ các trường tập trung càng lúc càng nhiều. Sau khi chia thành 4 bàn ổn định, các sinh viên bắt đầu chia bài. Mỗi bàn chơi một loại. Tiến lên có, xì dách có, phỏm có, … 
Bên cạnh mỗi người chơi đều có thêm một hoặc hai người ngồi xem và thỉnh thoảng làm quân sư bất đắc dĩ. Cứ như vậy, quán nước đông dần lên. Đến 9 giờ là quán đã chật kín chỗ, không còn nơi cho khách vào uống nước, thư giãn nữa.
Đang ngồi chơi hăng say, H. một sinh viên mặc áo thể dục có logo của trường Giao thông vận tải nhận được điện thoại. Nghe xong, H. quẳng ngay mấy lá bài đang cầm trên tay xuống bàn rồi chạy như bị ma đuổi. Thì ra có người gọi điện báo có điểm danh hoặc cho làm bài kiểm tra gì đó.
Cứ tưởng thiếu tay, sòng này sẽ nghỉ. Nhưng không, H. vừa quẳng bài xuống là ngay lập tức có người ngồi vào thế chỗ. Cuộc chơi lại được tiếp tục. Chuyện nghỉ chơi giữa chừng không phải là chuyện lạ bởi thỉnh thoảng có người phải dừng cuộc chơi để đối phó với những thầy cô khó tính. 
Ngày thi sắp đến, nhưng không ai trong số những sinh viên này tỏ ra lo lắng. Ngồi trong sòng bài cũng có một vài người nói tới việc học. Nhưng tuyệt đối không nghe một ai nhắc đến chuyện ôn bài.

Không chỉ vậy, những câu chuyện liên quan đến học tập, thi cử được những sinh viên này mang ra bàn tán như một câu chuyện vui. Một sinh viên đang loay hoay với mấy lá bài xua tay nói: “quan tâm làm gì, tao đã lo cửa sau rồi. Học chỉ là phụ, chơi mới là chính”.
Hiện tượng không đến lớp, hoặc chỉ đến cho có mặt chờ điểm danh xong là vội vàng cắp cặp trốn ra, nhiều sinh viên còn không mang theo cặp sách để tiện cho việc đi chơi. Nhiều sinh viên khác dùng chiêu để cặp sách lại ngay lại lớp nhờ bạn cuối giờ mang về giúp. Có hàng trăm cách, và hàng ngàn lý do để các sinh viên trốn học, bỏ tiết. 
Chơi như dân chuyên nghiệp
Không chỉ chơi để giải trí, mà những sòng bài mang đậm chất sinh viên cũng dần trở thành những nơi để các bạn thể hiện đẳng cấp của mình với bạn bè và mọi người xung quanh.
Sinh viên trường ĐHGTVT với trang phục thể dục say sưa với những quân bài 
Chưa đủ tay, Hùng, sinh viên Trường CĐ Tài chính Hải quan cầm bộ bài trên tay xào rất điệu nghệ. Cỗ bài cứ mở ra lại xếp lại rất nhanh như dân chơi chuyên nghiệp. Một lát sau, cả nhóm tu tập đông đủ, Hùng bắt đầu chia bài. Chưa vội ra quân, Hùng ngồi nhìn những đối thủ của mình một cách chăm chăm. 
Dường như anh ta đang có một tính toán gì đó. Cười một mình một cách kín đáo khó hiểu, bộ mặt Hùng trở nên rắn lại. Có lẽ: “Ta đã biết được chúng mày đang cầm lá gì trên tay, đừng hòng mà thắng nổi ta”. 
Những lá bài được đánh ra. Những nước bài cao thấp tùy theo trình độ của mỗi con bạc. Cứ như thế, họ ngồi chôn chân với những lá bài vô hồn, nhưng thần sắc của mỗi người chơi thì biến đổi liên tục. Lúc đăm chiêu, lúc vui vẻ, lúc tỏ ra chán nản…

Kẻ thắng thì muốn thắng nữa vì đang lúc đỏ. Kẻ thua thì muốn gỡ vì đang vận đen. Chỉ khi nào có người cháy túi, những trận sát phạt nhau mới dừng lại.
Tiền đặt cho mỗi ván bài được đặt kín đáo. Khi thì dằn dưới bao thuốc lá, khi thì kẹp trong cuốn sổ nhỏ. Những đồng tiền vốn là mồ hôi, công sức và niềm kỳ vọng của mẹ cha được các sinh viên đưa vào canh bạc đỏ đen.
Không nhiều, mỗi ngày chơi chỉ hết là vài trăm, nhưng đó là cả một tài sản lớn đối với những ai còn cắp sách đến giảng đường. Ấy thế nhiều sinh viên hàng ngày vẫn lao vào canh bạc như con thiêu thân. Lâu ngày, máu đỏ đen, máu ăn thua thấm dần không cho phép những sinh viên này dừng lại. 
Đã không ít sinh viên bán rẻ tương lai của mình vào những lá bài. Có mấy ai làm nên sự nghiệp nhờ vào những canh bạc. Càng thua càng muốn gỡ, càng gỡ lại càng thua. Lâu dần, số tiền của gia đình gởi cho ăn học chắp cánh ra đi. Và rồi cũng từ đó đã sinh ra biết bao nhiêu hậu quả khôn lường.
Được biết, trên đường Lê Văn Việt, cạnh các trường đại học, cao đẳng đã có những hàng quán chứa các sòng bạc sinh viên một cách công khai diễn ra hàng ngày. Nhiều năm qua, chúng vẫn tồn tại như một thách thức đối với các ngành chức năng có trách nhiệm.

Trong khi đó, việc quản lý sinh viên một cách lỏng lẻo của các trường cũng tạo điều kiện cho các sòng bạc nẩy nở. Thực trạng này đã diễn ra hết sức phổ biến và cũng đã đến lúc báo động . . .

Theo Vietnamnet
Bình luận
vtcnews.vn