Cái tết xa nhà của những người trẻ ấy thường thiếu nhiều hương vị đặc trưng, thao thức nỗi nhớ nhà, nhớ quê và thấm đượm sự san sẻ với nỗi lo toan tiền bạc của mẹ cha.
Và tất nhiên, ở họ, vẫn luôn còn đó niềm hy vọng vào những xuân sau được quây quần bên gia đình khi những thiếu thốn, vất vả đã vơi dần.
Đổi bao nhớ thương, lấy chút an lòng sau Tết
Quê ở tận huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa; gia cảnh lại khó khăn nên tết Giáp Ngọ này đã là cái tết thứ ba Lê Bá Hải - sinh viên năm cuối ĐH Giao thông vận tải cơ sở 2 - ở lại TP.HCM đón tết. Những tết trước, Bá Hải làm nhân viên quét dọn tại công viên văn hóa Đầm Sen, làm nhân viên phục vụ nhà hàng..., còn tết này, Hải trực thường xuyên tại một khu vui chơi ở Q.7, TP.HCM.
Bá Hải nhẩm tính: "Nếu về tết, chỉ tiền tàu xe cho hai lượt đã mất khoảng 3,5 triệu đồng. Thôi thì ráng ở lại TP.HCM làm việc, kiếm ít tiền tự lo cho bản thân sau tết.
Ngày Tết, để bớt nhớ nhà, mình thường đăng ký tăng ca để đi làm từ sáng đến tối, về đến nhà là lăn ra ngủ. Có lần nhớ quá kỷ niệm ngồi canh nồi bánh chưng với ba, mình tự gói bánh chưng, dùng nồi cơm điện luộc, kết quả bánh nửa sống nửa chín ".
Ở quê xa, người mẹ nay ốm mai đau của Bá Hải vẫn thỉnh thoảng chia sẻ nỗi buồn khi ngày tết vắng con trai, không quên dặn dò con nhớ tự nấu nướng mấy ngày tết cho đàng hoàng.
Như mọi năm, khi bạn bè của Bá Hải quay lại TP.HCM, mẹ sẽ nhờ mang cho Hải ít bánh chưng, bánh mật do mẹ làm. Điều an ủi mẹ một phần là em gái của Hải - vừa tốt nghiệp một trường cao đẳng tại TP.HCM - có thể về tết với gia đình bằng tấm vé mua bằng tiền để dành của Hải.
Bá Hải nói: "Mình con trai, có xa nhà dịp tết một chút cũng không sao, còn em gái thì nên cố gắng giúp em về quây quần với gia đình. Chỉ mong những tết năm sau khi việc học đã xong và có việc làm ổn định để cả nhà được đoàn tụ".
Giáp tết, trong khi bạn bè gói ghém đồ đạc về quê sum họp với gia đình thì Hoàng Văn Thông (sinh viên năm 3, ngành Quy hoạch, ĐH Kiến trúc Hà Nội) lại lỉnh kỉnh nghiên, mực, bút lông lang thang khắp phố phường bán chữ.
Văn Thông sinh năm 1993, quê ở huyện Thanh Chương, Nghệ An. Gia cảnh nghèo khó, bố mẹ ở quê quanh năm lam lũ, chỉ trông vào mấy sào ruộng khô cằn nên từ ngày chân ướt chân ráo vào đại học, Thông đã đi làm thuê kiếm tiền trang trải cuộc sống.
Thông đi khắp thành phố Hà Nội để bưng bê ở các quán cà phê, đi giao hàng… Năm nay, với số vốn 3 triệu đồng vay mượn từ bạn bè, Thông sắm đầy đủ cho mình một bộ bút lông, nghiên, mực để xuống phố bán chữ. Thông cho biết, trừ tiền mực, tiền giấy, nghiên… tiền lời mỗi chữ thu về cũng chưa đến 10.000đ.
Thông đi khắp nơi, khi ở phố Nguyễn Khuyến, lúc ở phố Văn Miếu đến tối mịt mới trở về phòng.
Hỏi Thông khi nào về quê ăn tết, Thông ngậm ngùi: “Tranh thủ mấy ngày tết mình làm thêm kiếm chút tiền gửi về cho bố mẹ sắm tết. Tiết kiệm được thêm chút nào hay chút đó, chứ giờ vé tàu về tết rồi lại ra cũng mất gần 500.000đ. Tốn lắm!”.
Nếu giờ này con ở nhà... Ngoài công việc bán hàng, phục vụ ăn uống...; nhiều sinh viên chọn công việc bảo vệ đường hoa Nguyễn Huệ (Q.1, TP.HCM). Khung cảnh đường hoa rực rỡ, dòng người náo nức du xuân càng thêm khiến nhiều người trẻ xa quê khắc khoải mơ phút đoàn tụ.
Trong màu áo xanh của đội bảo vệ đường hoa, Trần Minh Thành - sinh viên năm 2 CĐ Du lịch Sài Gòn - chu đáo hướng dẫn khách tham quan đường hoa.
Quê ở tỉnh Đồng Nai - cách TP.HCM chẳng bao xa - nhưng đây đã là tết thứ hai Minh Thành ở lại TP.HCM làm thêm. Khoản thù lao 25.000đ/giờ làm bảo vệ sẽ giúp Thành trang trải phần nào học phí, sinh hoạt phí sau tết.
Khu nhà trọ ở huyện Nhà Bè (TP.HCM) nơi Thành trọ học đã vắng hoe bởi bạn bè hầu hết đã về tết.
Cái tết của Thành sẽ trôi qua với thùng mì gói, ít bánh chưng, bánh tét mẹ cho và những cuộc điện thoại thăm hỏi người thân trong phút giao thừa. Minh Thành chia sẻ: "Nếu giờ này được ở nhà, mình sẽ dọn dẹp nhà cửa, trò chuyện với ba mẹ, anh em. Như thế đã là vui lắm!".
Cô sinh viên nghèo Nguyễn Thị Quỳnh Trang (quê ở Văn Chấn, tỉnh Yên Bái) - sinh viên ĐH Thương mại (Hà Nội) - cũng đã ba năm nay không đón tết bên gia đình. “Mình tranh thủ mấy ngày tết được nghỉ đi làm kiếm chút tiền gửi về cho mẹ và em ăn tết.
Buổi sáng mình bưng bê ở nhà hàng, buổi tối lại đi phụ việc dọn nhà cho mọi người. Công việc vất vả hơn nhưng thu nhập cao hơn gấp ba ngày thường” - Trang nói.
Nhà Trang nghèo, bố mất sớm do tai nạn giao thông, còn lại bốn mẹ con, Trang là chị cả, dưới Trang còn ba em đang ở độ tuổi ăn học. Vừa đi học, Trang vừa kiếm tiền gửi về cho mẹ nuôi em. “Lúc đầu đón tết xa nhà, mình buồn lắm nhưng mãi cũng quen.
Ngày bố còn sống, nhà mình đỡ vất vả. Nhớ lại những ngày cả nhà ngồi chờ đến giao thừa mà nhớ bố, nhớ mẹ và các mình quá. Nếu giờ này ở nhà, mình sẽ giúp mẹ dọn dẹp nhà cửa.
Hôm qua mình vừa gọi điện thoại về nhà, các em cứ réo chị về mãi, khiến mình ứa nước mắt. Mình mà về thì lấy đâu ra tiền mua quần áo mới cho các em…” - Quỳnh Trang rưng rưng.
Trong căn phòng trọ xập xệ, Trang cũng sắm Tết cho mình: một chiếc bánh chưng, một gói mứt, vài lạng giò, thịt lợn…“Giao thừa năm nay, mình sẽ đi chùa và làm lễ để cầu may mắn, sức khỏe cho cả nhà” - Trang vừa nói vừa dọn phòng chuẩn bị đón tết.
Bình luận