Trong nghiên cứu được công bố hôm 23/3 trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Science, nhóm các nhà khoa học phân tích một số khối đá được tìm thấy trong các hang ở Nilpena, Nam Australia.
Từ các khối đá này, họ phát hiện thấy dấu tích hóa thạch của một sinh vật có kích thước và hình dạng tương tự như hạt gạo, có niên đại 555 triệu năm trước.
Kết quả quét laser 3D sau đó cho thấy các sinh vật bé nhỏ này không chỉ có đầu, đuôi rõ ràng và mà còn có cơ thể đối xứng 2 bên. Trên thân của chúng có các rãnh mờ tương tự như một con sâu. Các nhà khoa học tin rằng các hang mà họ tìm thấy hóa thạch do chính sinh vật này tạo ra trong quá trình chúng "quằn quại" di chuyển để đào hang.
Các nhà nghiên cứu đặt tên cho sinh vật trên là Ikaria wariootia, tin rằng đây có thể là tổ tiên lâu đời nhất của tất cả các loài động vật.
Ikaria wariootia sống trong thời kỳ Ediacaran (571 triệu đến 539 triệu năm trước). Hầu hết các động vật thời kỳ này chết trong sự kiện tuyệt chủng hàng loạt, không để lại bất cứ liên hệ nào với các động vật hiện đại.
Tuy nhiên, Ikaria wariootia là một ngoại lệ. Các dấu vết từ hóa thạch cho thấy chúng tồn tại đủ lâu để tiến hóa thành các "hậu duệ" đối xứng hai bên.
Bình luận