HLV Arsene Wenger tin là luật công bằng tài chính sẽ giúp Arsenal thu hẹp khoảng cách trình độ với những đội bóng lắm tiền như Man City hay Chelsea. Điều ấy đúng, nhưng không đúng trọn vẹn. Vì khi cầu thủ rời Arsenal sang Man City, tiền không phải là vấn đề duy nhất.
Trong 5 năm trở lại đây, số cầu thủ chuyển từ Arsenal sang Man City có thể lập được phân nửa đội hình ra sân. Liệu chúng ta có thể quy cho quyết định của những Emmanuel Adebayor, Kolo Toure, Samir Nasri, Gael Clichy hay mới nhất là Bacary Sagna đều do tiền?
Sự khác biệt giữa Man City và Arsenal không hoàn toàn là tiền |
Kỳ thực, Arsenal đã đối diện viễn cảnh mất Sagna từ lâu và chính HLV Wenger thừa nhận là ông đã nhiều phen nỗ lực thuyết phục hậu vệ đồng hương ở lại. Mức lương mà Arsenal đề nghị để Sagna ký tiếp hợp đồng cao hơn mức hiện tại của anh ở Man City. Nếu ở lại, Sagna nghiễm nhiên là lựa chọn số một ở hành lang phải của Pháo thủ, thay vì phải cạnh tranh với Pablo Zabaleta ở Man xanh. Nghĩa là nếu đặt lên bàn cân, có nhiều lý do để Sagna ở lại Arsenal hơn.
Nhưng rốt cục hậu vệ người Pháp vẫn chọn Man City. Và trước thềm cuộc chạm trán đội bóng cũ, Sagna tiết lộ: chính Nasri và Clichy là những người thuyết phục anh đến sân Etihad. Họ là minh chứng rõ nét nhất cho việc “rời Arsenal lập tức có danh hiệu”, cũng như Cesc Fabregas và Robin van Persie vậy. Với tuyệt đại đa số cầu thủ, niềm thôi thúc để có một danh hiệu lớn còn lớn hơn cả chuyện thu nhập.
Trong ngày Alexis Sanchez ra mắt Arsenal, nhiều fan đã chế ra lời phát biểu của tiền đạo người Chile: “Tôi rất mừng vì đã gia nhập Arsenal. Tôi sẽ phấn đấu hết sức để cùng Arsenal kết thúc Premier League ở vị trí thứ 4 rồi sang Man City”.
Lời trêu chọc ấy đã nói lên được vấn đề của Arsenal. Suốt những năm khô hạn danh hiệu vừa qua, HLV Wenger không tạo cho các cầu thủ niềm tin là họ có thể vô địch. Ông đón nhận việc Arsenal sa sút quá bình thản. Có thể ông thương học trò, cũng có thể ông là người thực tế, nhưng việc chấp nhận vị trí thứ 4 cùng suất dự Champions League như một phần thưởng không thể là cốt cách của một đội bóng lớn.
Đối nghịch với một Arsenal chấp nhận bước xuống “chiếu dưới” là một Man City luôn hô hào mình đã ngồi ở “chiếu trên”. Man xanh hợm hĩnh đến mức Sir Alex Ferguson phải gọi họ là “Gã hàng xóm ồn ào”. Nhưng để trở thành nhà vô địch, chí ít bạn phải có khát vọng vô địch đã. Man City cho cả thế giới thấy họ có khát vọng ấy. Còn ở Arsenal lại là câu chuyện “giấc mơ con đè chết cuộc đời con”.
Trong cơn lũ từng cầu thủ “bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ”, rõ ràng Wenger là người đau lòng hơn cả. Thậm chí ông từng nghĩ đến quyết định buông xuôi. Nhưng rồi thì Wenger cũng ở lại và mùa bóng này đang chứng kiến sự... tỉnh ngộ của HLV người Pháp. 61 triệu bảng, một kỷ lục về tiêu xài của Wenger, đã được chi ra và con số ấy hứa hẹn vẫn chưa dừng lại. Ông đã tự tin hơn khi nói về đội bóng, về việc Arsenal đã giành được Oezil (2013) và Sanchez (2014) thay vì mất những cầu thủ ở đẳng cấp ấy trong 5 năm trước.
Luật công bằng tài chính do chủ tịch UEFA Michel Platini - một đồng hương của Wenger - khởi xướng rõ ràng đang có lợi cho Arsenal. Và họ phải chộp ngay cơ hội ấy để trở lại “chiếu trên”. Trận Community Shield với Arsenal vì thế vô cùng có ý nghĩa. Dù không có những nhà vô địch thế giới trong đội hình, Wenger cũng phải quyết sống mái với Man City một phen, thay cho lời tuyên bố: Arsenal đã sẵn sàng trở lại.
Theo Bongda+
Bình luận