Thông tin trên do ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết.
- Từ ngày 1/8, EVN đã quyết định tăng giá điện bán lẻ bình quân tăng 5%, lên mức hơn 1.500 đồng mỗi kWh. Xin ông cho biết lí do của đợt tăng giá điện lần này?
Tăng giá điện chủ yếu là do giá than và giá khí vừa qua tăng mạnh. Đặc biệt từ 20/4, Bộ Tài chính cho phép giá bán than bán cho điện tăng bình quân từ 37-41%, làm cho chi phí phát điện của nhiệt điện than tăng lên, tạo sức ép tăng giá.Ông Đinh Quang Tri.
Theo tính toán của chúng tôi, để bù đắp đủ cho tăng giá than và giá khí thì giá điện bán lẻ phải tăng 10%. Nhưng cân nhắc điều kiện kinh tế xã hội và nỗ lực của EVN tìm giải pháp giảm sức ép tăng giá thì chúng tôi chỉ đề xuất Bộ Công Thương tăng 5%.
- Một trong những vấn đề mà dư luận quan tâm hiện nay là việc công khai minh bạch giá thành sản xuất của EVN, ông có thể cho biết thông tin?
Giá thành điện theo kiểm toán năm 2012 là 1.325 đồng/kwh. Trong đó khâu phát điện 964 đồng/kwh; cho phí truyền tải 81 đồng/kwh; cho phân phối 265 đồng/kwh và 15 đồng/kwh cho khâu phụ trợ.
Năm 2012, với giá thành như vậy công ty mẹ chỉ lãi hơn 100 tỷ đồng. Mỗi năm có giá điện riêng. Giá thành năm 2013 phụ thuộc vào cơ cấu sản lượng của năm 2013. Năm nay do điện thương phẩm tăng 10%, EVN phải mua giá điện có giá thành cao nên giá thành cao hơn 2012. Theo quy định đầu năm 2014 kiểm toán sẽ kiểm toán toàn bộ và giữa năm 2014 sẽ công bố, trên cơ sở đó sẽ quyết định giảm hay tăng trong thời gian tới.
- Có ý kiến cho rằng, những khoản nợ, thua lỗ từ nhiều năm trước của EVN để lại quá lớn và chỉ có tăng giá điện mới giúp cân bằng được. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
Hiện nay EVN còn 2 khoản lỗ là lỗ do sản xuất kinh doanh điện từ năm 2010 - 2011 do hạn hán EVN phải phát điện với giá dầu, mua điện giá cao, dẫn đến lỗ 11.000 tỷ đồng. Năm 2012 xử lý được 3.000 tỷ. Nay còn lại gần 8.000 tỷ.
Chúng tôi dự kiến lấy lợi nhuận của các nhà máy điện của EVN để bù lỗ chứ không lấy tăng giá điện để bù lỗ. Tăng 5%, dự kiến thu được 3.500 tỷ đồng đến 3.600 tỷ đồng. Chi phí than chúng tôi chi tăng thêm 5.000 tỷ đồng, giá khí tăng lên chi thêm khoảng hơn 1.000 tỷ đồng. Nên phần thu tăng thêm này không đủ bù lỗ do giá than và khí tăng. Nhưng chúng tôi phải điều hành giảm chi phí sản xuất, làm sao có khoản lợi nhuận bù cho phần do chi phí than và khí tăng, để đảm bảo năm 2013 không bị lỗ.
- Mới đây, cùng với việc tăng giá xăng dầu là nhiều mặt hàng thiết yếu cũng tăng giá. Vậy quyết định tăng giá điện vào thời điểm này liệu có hợp lý không và có tác động lớn đến nền kinh tế?
Việc tăng giá điện đã được tính toán theo quy trình đã được quy định trong Quyết định 24, không liên quan giá xăng dầu lên xuống. EVN căn cứ theo quy trình hàng tháng tính toán chi phí sản xuất kinh doanh, giá thành điện, xem những yếu tố đầu biến động như tỷ giá, giá nhiên liệu và cơ cấu sản lượng điện để quyết định giá điện tăng hay giảm.
Vừa qua, giá đầu vào tăng mạnh, đáng lẽ EVN phải tăng 10%, nhưng chúng tôi cân nhắc tình hình kinh tế phát triển ổn định và đời sống nhân dân bớt khó khăn nên chúng tôi kiến nghị chỉ tăng 5%. Đối với người thu nhập thấp và nghèo thì không bị ảnh hưởng.
- Một vấn đề mà người dân cũng như doanh nghiệp rất quan tâm hiện nay là liệu từ nay đến cuối năm giá điện có tăng nữa không, thưa ông?
Về lộ trình điều chỉnh giá điện theo Quyết định 24 của Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh tính toán trên cơ sở chi phí sản xuất kinh doanh điện, chi phí truyền tải phân phối được kiểm toán hàng năm.
Chi phí mua điện của EVN bao nhiêu thì tính theo giá thị trường và bán điện cho người dân chỉ được phép cộng thêm phí truyền tải, phân phối và một số dịch vụ phụ trợ, không được phép thu gì hơn.
Từ nay đến cuối năm sẽ không điều chỉnh giá điện lần nào nữa. Đến cuối tháng 12 năm nay sẽ tính toán giá thành thực hiện năm 2013 và lộ trình điều chỉnh giá điện năm 2014 để trình Bộ Công thương và Chính phủ phê duyệt.
Theo VOV News
Bình luận