* Tiếp tục cập nhật
Sập cầu Phong Châu ở Phú Thọ, 8 xe rơi xuống sông
-----
19h: Quân đội dựng lều dã chiến tìm nạn nhân vụ sập cầu Phong Châu
Theo thông tin từ UBND tỉnh Phú Thọ, mực nước sông Hồng tại Ấm Thượng (khu vực xảy ra vụ tai nạn sập cầu Phong Châu) đạt 27,25 m, trên báo động ba 1,25 m.
Xác định công tác tìm kiếm, cứu nạn cứu hộ còn có thể kéo dài, gặp nhiều khó khăn do mực nước liên tục chảy xiết, lực lượng quân đội tại hiện trường dựng lều dã chiến, túc trực thu thập thông tin tìm kiếm người bị nạn dọc 2 bên bờ sông.
17h30: Thông tin 'cứu 4 người trong ô tô rơi từ cầu Phong Châu' là bịa đặt
Chính quyền cho biết thông tin lan truyền trên mạng cho rằng chiếc ô tô rơi trong vụ sập cầu Phong Châu bị cuốn trôi 10km, 4 người thoát chết, là không chính xác.
17h: Trích xuất camera để xác định số người, phương tiện gặp nạn
“Hiện, lưu lượng nước và dòng chảy xiết, mạnh. Chúng tôi tập trung đầy đủ phương tiện và con người để triển khai các phương án tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn", Đại tá Nguyễn Minh Tuấn nói.
Các lực lượng công an, quân đội cũng trích xuất từ hệ thống camera của nhà dân và camera hành trình các ô tô thời điểm cầu sập để đánh giá tổng thể số lượng người và phương tiện gặp nạn.
Lực lượng chức năng làm nhiệm vụ ở hai đầu cầu đang nỗ lực rà soát, cố gắng từ giờ đến đêm nay cùng với tin báo của người dân để khớp các số liệu người và phương tiện gặp nạn.
16h40: Đỏ mắt tìm người thân
15h40: Nguyên nhân sập cầu
Sở Giao thông vận tải (GTVT) tỉnh Phú Thọ cho biết, bão số 3 gây mưa lũ, khiến nước sông Hồng dâng cao, lưu tốc dòng chảy xiết làm thay đổi địa hình lòng sông, kéo đổ trụ T7 và làm sập 2 nhịp dàn chính của cầu Phong Châu (nhịp 6 và 7) lúc 10h02 ngày 9/9.
15h20: Theo báo cáo của UBND tỉnh Phú Thọ, trong vụ sập cầu Phong Châu có 1 xe tải, 1 xe con, 5 xe máy, 1 xe đạp điện bị cuốn trôi; lực lượng chức năng cứu được 5 người.
14h30: Chỉ đạo khắc phục sự cố sập cầu Phong Châu, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc giao Quân khu 2 (Bộ Quốc phòng) làm cầu phao sớm nhất, tốt nhất để bảo đảm lưu thông.
13h: Chưa hết bàng hoàng sau vụ việc vừa xảy ra, anh N.C.T. (trú xã Sơn Thủy, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ) kể lại, khoảng gần 10h, anh đi ô tô lên cầu Phong Châu theo hướng Tam Nông sang Lâm Thao.
Khi vừa đến đầu cầu, anh cảm nhận được sự rung lắc nhẹ. Chưa kịp định hình nguyên nhân sự rung lắc đến từ đâu thì bất ngờ hai nhịp cầu trước mắt đổ sập xuống sông.
Trong tích tắc, anh đạp chân phanh, như chết đứng trước thảm hoạ, "chỉ nhanh vài giây thôi có lẽ cả người và xe đã đi theo dòng nước lũ".
Nạn nhân vụ sập cầu Phong Châu, Phú Thọ.
12h40: Khi xảy ra sự cố sập cầu Phong Châu, có một xe chở khách, một số xe ô tô 4 chỗ, một xe container cùng nhiều người đi xe máy trên cầu. Số lượng người, phương tiện cụ thể chưa thể thống kê chính xác.
Nhiều xe rơi xuống sông trong vụ sập cầu Phong Châu, Phú Thọ.
12h30: Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo các Bộ ngành, địa phương tập trung khắc phục sự cố sập nhịp cầu Phong Châu (tỉnh Phú Thọ) và ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét tại các tỉnh miền núi, trung du Bắc Bộ.
Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Quốc phòng, Công an huy động ngay mọi lực lượng, phương tiện cần thiết phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ và các địa phương có liên quan khẩn trương triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn đối với các nạn nhân vụ sập nhịp cầu Phong Châu.
Đồng thời Bộ trưởng Quốc phòng, Công an chỉ đạo các lực lượng đóng trên địa bàn phối hợp, hỗ trợ địa phương triển khai công tác ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ, sạt lở đất, lũ quét theo quy định.
12h10: Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Phú Thọ đang triển khai lực lượng gồm nhiều phương tiện, tàu, cùng 40 cán bộ, chiến sĩ; Lữ đoàn Công binh 543 (Quân khu 2) triển khai lực lượng, phương tiện đến cứu hộ, cứu nạn nạn nhân vụ sập cầu Phong Châu.
12h: Khoảnh khắc sập cầu Phong Châu
Video: Khoảnh khắc sập cầu Phong Châu (Phú Thọ).
11h30: Do cầu Phong Châu (Km18+300, Quốc lộ 32C) bị sập. Công an tỉnh Phú Thọ thông báo người dân các tỉnh Hoà Bình, Sơn La, các huyện Thanh Thuỷ, Thanh Sơn, Tân Sơn qua huyện Tam Nông để đi Lâm Thao, Việt Trì có thể lựa chọn các tuyến đường để di chuyển như sau:
Phương tiện từ các huyện Thanh Thủy, Tam Nông, Thanh Sơn, Tân Sơn đi Lâm Thao, Việt Trì di chuyển theo tuyến: Quốc lộ 32 (Tam Nông) → đi cầu Trung Hà → đi huyện Ba Vì, Hà Nội → đi cầu Văn Lang → đi Việt Trì, Lâm Thao. Các phương tiện từ Lâm Thao, Việt Trì đi Tam Nông, Thanh Thủy, Thanh Sơn, Tân Sơn theo chiều ngược lại.
Các phương tiện từ các huyện Thanh Thuỷ, Tam Nông, Thanh Sơn, Tân Sơn đi Hà Nội, Vĩnh Phúc di chuyển theo tuyến: Quốc lộ 32 (Tam Nông) → đi cầu Trung Hà hoặc → đi Tỉnh lộ 317G → đi Tỉnh lộ 317E → đi cầu Đồng Quang → đi huyện Ba Vì, Hà Nội → cầu Vĩnh Thịnh → đi Vĩnh Phúc. Các phương tiện từ Hà Nội, Vĩnh Phúc đi các huyện Thanh Thuỷ, Tam Nông, Tân Sơn, Thanh Sơn theo chiều ngược lại.
Các phương tiện từ các huyện Thanh Thuỷ, Tam Nông, Tân Sơn, Thanh Sơn đi Vĩnh Phúc, Hà Nội và ngược lại có thể đi theo tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai hoặc tuyến Quốc lộ 2: Quốc lộ 32 (Tam Nông) → đi đường Hồ Chí Minh → đi Quốc lộ 2 → đi Vĩnh Phúc, Hà Nội hoặc Quốc lộ 32 (Tam Nông) → đi đường Hồ Chí Minh → đi Nút giao IC9 → cao tốc Nội Bài Lào Cai → đi Vĩnh Phúc, Hà Nội.
11h: Người dân kể khoảnh khắc kinh hoàng sập cầu Phong Châu, Phú Thọ
Video: Nhân chứng vụ kể vụ sập cầu Phong Châu (Phú Thọ).
Ông Quách Hải Lý - Chủ tịch huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ cho biết khoảng 10h ngày 9/9, cầu Phong Châu trên Quốc lộ 32C bắc qua sông Hồng nối giữa huyện Tam Nông và huyện Lâm Thao của tỉnh này bị sập.
Theo thông tin ban đầu, nhiều xe máy ô tô bị rơi xuống sông, hiện chưa xác định rõ số lượng và thiệt hại về người và tài sản. Hiện các lực lượng đang nhanh chóng xử lý.
Bình luận