Năm 1978, tàu vũ trụ Pioneer Venus của NASA đã tìm thấy bằng chứng về việc sao Kim có thể đã từng có những đại dương rộng lớn. Việc nghiên cứu bầu khí quyển của hành tinh này được tiến hành ngay sau đó, tiết lộ chi tiếu mới nhất về cách nó chuyển biến từ một hành tinh xanh giống như Trái đất của chúng ta thành hành tinh chết như ngày nay.
Theo các nhà khoa học, sao Kim có thể từng có những đại dương lớn, tồn tại khoảng 2 đến 3 tỷ năm, trước khi xảy ra một sự kiện tái tạo bề mặt khổng lồ cách đây khoảng 700 triệu năm, gây ra hiệu ứng nhà kính, khiến bầu khí quyển của hành tinh trở nên cực kỳ nóng.
Viện nghiên cứu vũ trụ Goddard của NASA đã chia sẻ chùm 5 mô phỏng cho thấy môi trường của sao Kim thay đổi như thế nào, dựa trên nhiệt độ bầu khí quyển khác nhau.
Theo thông tin từ Hội Europlanet, cả 5 mô phỏng đều cho thấy rằng, sao Kim có thể duy trì nhiệt độ ổn định, từ mức thấp là 68 độ F (20 độ C) đến nhiệt độ cao là 122 độ F (50 độ C), trong khoảng 3 tỷ năm.
Một trong những nhà nghiên cứu, Michael Way cho biết: “Theo giả thuyết của chúng tôi, khí hậu sao Kim có thể đã ôn hòa hàng tỷ năm trước đây. Sự kiện tái tạo bề mặt hành tinh được cho là nguyên nhân dẫn đến biến đổi khí hậu, giống như trái đất đang nóng lên theo cách mà chúng ta trải qua ngày nay”.
Các nhà nghiên cứu nhận định, trong điều kiện khí hậu ổn định, sao Kim có nước, cho phép sự sống được tồn tại. Trên thực tế, nếu hành tinh này không xảy ra sự kiện tái tạo bề mặt, nó có thể vẫn là một hành tinh xanh cho đến hiện tại.
5 mô phỏng khác nhau về bầu khí quyển của sao Kim, có mô hình hành tinh này cách đây 4,2 tỷ năm, cách đây 750 triệu năm và như hiện tại. Các mô hình chứng tỏ sự tăng dần lượng bức xạ mặt trời trên sao Kim, cũng như sự nóng lên của mặt trời.
Ngoài ra, 3 trong 5 mô hình giả định địa hình của sao Kim giống như ngày nay. Trong mô hình này, đại dương dao động từ độ sâu 10 mét, đến 310 mét, với một lượng nước nhỏ.
Để so sánh, các nhà khoa học cũng đã nghiên cứu một mô hình, trong đó, địa hình của hành tinh này tương tự giống trái đất với đại dương sâu 310 mét, và một mô hình khác với toàn bộ bề mặt sao Kim được bao phủ bởi đại dương với độ sâu 158 mét.
“Hiện nay, lượng bức xạ mặt trời ở sao Kim gần gấp đôi so với Trái đất. Tuy nhiên, trong tất cả các mô hình, chúng ta thấy rằng, nhiệt độ bề mặt sao Kim vẫn có thể tồn tại nước. Một điều gì đó đã xảy ratrên hành tinh này”, nhà nghiên cứu Michael Way nói.
Mặc dù nguyên nhân chính xác của sự kiện vẫn chưa được tìm ra, nhưng các nhà khoa học dự đoán có thể liên quan đến núi lửa hoạt động. Khi mắc ma và dung nham phun trào lên bề mặt hành tinh, lượng lớn các bon điôxít sẽ được giải phóng trở lại vào khí quyển. Nếu mắc ma đông cứng trước khi chạm tới bề mặt, nó sẽ tạo ra rào cản, ngăn không cho bề mặt hấp thu khí trở lại.
Sự kiện tương tự đã xảy ra trong quá khứ của Trái đất. Ví dụ, dãy núi lửa khổng lồ Siberian Traps ở Siberia, một trong những sự kiện núi lửaphun trào lớn nhất được biết đến trong 500 triệu năm qua. Nó đã thải ra lượng khí nhà kính độc hại vào bầu khí quyển, gây ra nạn tuyệt chủng hàng loạt.
Tại buổi trình bày nghiên cứu ngày 20/9 vừa qua tại Geneva, Michael Way cho biết: “Chúng tôi cần nhiều hoạt động nghiên cứu hơn để hiểu biết chi tiết về lịch sử tiến hóa của sao Kim”.
Bình luận