Trong 2 tháng trở lại đây, bất chấp việc hệ thống ngân hàng công bố lãi suất cho vay được điều chỉnh giảm, lãi suất huy động lại đồng loạt tăng. Mức cao nhất 8,7% thuộc về Ngân hàng TMCP Bản Việt (VietCapital Bank).
Không chỉ có vậy, VietCapital Bank còn rất nhiều kỳ hạn có mức lãi suất rất cao. Lãi suất 8,6% được áp dụng cho các kỳ hạn 24 tháng, 36 tháng, 48 tháng và 60 tháng.
Ngoài ra, VietCapital Bank cũng có rất kỳ nhiều hạn có lãi suất cao hơn 8%. Cụ thể, với kỳ hạn 18 tháng, khách hàng được hưởng mức lãi khá cao là 8,5%, lãi suất 8,3% và 8% được áp dụng ở kỳ hạn 15 tháng và 12 tháng.
Ngân hàng Xây dựng (CB) trung thành với mức lãi suất 8,5% suốt nhiều năm qua. Tuy nhiên, trên website chính thức, mức lãi suất tiền gửi cao nhất chỉ là 7,79% (kỳ hạn 12 tháng). Biểu lãi suất này có hiệu lực từ 1/1/2018.
Trước đây, Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB) luôn có mức lãi suất tiết kiệm 8,5%/năm. Tuy nhiên, hiện tại, mức cao nhất này được điều chỉnh xuống 8,2%/năm.
8,2%/năm cũng là lãi suất cao nhất trong mức lãi suất tiền gửi tại Ngân hàng TMCP Bảo Việt, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeaBank) và Ngân hàng TMCP Hà Nội Sài Gòn (SHB).
Ngoài ra, khá nhiều ngân hàng xây dựng chính sách có lãi suất cao với “trần” từ 8%/năm trở lên. Ngân hàng TMCP Tiên Phong áp dụng mức 8% cho kỳ hạn 12 tháng.
Video: Vì sao 4 ngân hàng lớn đồng loạt tăng phí rút ATM?
Nhóm “tứ đại gia ngân hàng” vẫn “án binh bất động”, không có bất cứ động thái nào cho thấy sẽ tăng lãi suất huy động.
Mức lãi suất tiết kiệm cao nhất tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) vẫn ở mức 6,5%/năm. Lãi suất cao nhất tại BIDV và VietinBank vẫn chỉ là 6,9%/năm và 7%/năm.
Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) vừa có báo cáo về những biến động của lãi suất trên thị trường, trong thời gian gần đây. BVSC cho rằng, thanh khoản hệ thống trở nên eo hẹp hơn khi Ngân hàng Nhà nước hút ròng nhiều tuần vừa qua; mặt bằng lãi suất huy động từ dân cư cũng bắt đầu có xu hướng tăng.
Điều đáng nói chính là các ngân hàng đẩy mạnh “hút tiền” vào hệ thống dù đầu ra là tăng trưởng tín dụng lại chững lại.
Báo cáo tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 30/8, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, tăng trưởng tín dụng năm 2018 sẽ đạt dưới 18%. Tính đến ngày 15/8/2018, tăng trưởng tín dụng khoảng 8,18% và dự kiến trong năm nay, mức tăng trưởng khống chế ở mức 17% (năm 2018 mức tăng này trên 18%).
Bình luận