• Zalo

'Sàn đấu' của các cường quốc UAV ở Ukraine

Quân sựThứ Bảy, 12/11/2022 07:02:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Việc UAV mang vật liệu nổ được sử dụng nhiều hơn trong xung đột Ukraine cho thấy sự phát triển của công nghệ vũ khí mới này cũng như mối đe dọa của nó ở tương lai.

Sự xuất hiện của các UAV (phương tiện bay không người lái) trong xung đột ở Ukraine cho thấy sự thay đổi lớn của công nghệ quân sự. Thứ công nghệ tiên tiến hàng đầu này vốn từng chỉ có một số quốc gia sở hữu. 

Gần đây, chính phủ Mỹ công khai thông tin tình báo cho rằng Moskva có được các máy bay không người lái từ Tehran và đã triển khai số vũ khí này trong xung đột Ukraine. Thông tin dường như nhằm giáng một “đòn” vào cả hai quốc gia nhưng họ đều đã phủ nhận các báo cáo. Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, các máy bay vận tải của Nga mang UAV Iran về từ tháng 8.

'Sàn đấu' của các cường quốc UAV ở Ukraine - 1

Hình ảnh được cho là máy bay không người lái Shahed-136 do Iran sản xuất bay trên bầu trời Kiev, Ukraine vào tháng 10. (Ảnh: Reuters)

Công nghệ UAV quân sự phát triển nhanh chóng trong vài thập kỷ gần đây. Sau chiến sự Ả Rập-Israel 1973, Israel bắt đầu triển khai các máy bay làm nhiệm vụ do thám. Rồi các kỹ sư từ nước này tới Mỹ, nơi các hệ thống điều khiển tiên tiến và động cơ nhỏ gọn cho phép họ phát triển vô số mẫu máy bay mới. Trong khi đó, Mỹ đã triển khai các máy bay không người lái có vũ trang ở Afghanistan và Iraq.

Vào năm 2011, Iran được cho là đã hạ được một máy bay không người lái RQ-170 của Mỹ và sao chép thiết kế này để sản xuất hàng loạt. Đến năm 2018, Israel bắn hạ được một bản sao RQ-170 của Iran bay từ Syria, cho thấy dự án đã phát triển đến mức nào.

Giờ đây, xung đột Ukraine có thể đã trở thành nơi trưng bày và thử nghiệm công nghệ máy bay không người lái mới nhất từ ​​các quốc gia khác nhau. Trong khi Nga được cho là đang sử dụng các máy bay không người lái của Iran, bao gồm dòng Shahed có thể mang tên lửa nhỏ; Mỹ cung cấp cho lực lượng Ukraine các máy bay không người lái do nước này sản xuất.

Làm thế nào Tehran có thể sản xuất máy bay không người lái trên quy mô lớn trong khi chịu các lệnh trừng phạt kinh tế vì nghi ngờ phát triển vũ khí hạt nhân? Nếu những chiếc được Nga khai thác ở Ukraine thực sự đến từ Iran, thì chúng có thể đã được chế tạo với động cơ từ các mẫu máy bay dân dụng sẵn có.

Hồi tháng 4, các bộ phận linh kiện xuất xứ Nhật Bản, bao gồm một camera và hệ thống cáp, được cho là xuất hiện bên trong một máy bay không người lái giám sát Orlan-10 - được cho là của Nga - đã rơi vào tay quân đội Ukraine. Moskva được cho là đã mua các bộ phận này thông qua các lỗ hổng trong mạng lưới trừng phạt.

Theo nhiều phỏng đoán, Iran có thể đã tìm nguồn nguyên liệu nhạy cảm cho vũ khí từ thị trường chợ đen, từ đó xây dựng các cơ sở hạt nhân và sản xuất hàng loạt tên lửa đạn đạo. Điều này khiến họ có thể dễ dàng tiếp cận các máy bay không người lái dân sự có thể được chuyển hướng sang sử dụng quân sự, tận dụng hoạt động thương mại của các công ty có hoạt động quốc tế.

Việc máy bay không người lái của Iran có tiếp tục được sử dụng ở Ukraine hay không sẽ phụ thuộc vào 3 yếu tố.

Một là nguồn cung cấp kéo dài bao lâu. Cũng giống như việc phương Tây chuyển giao vũ khí cho Ukraine vào một thời điểm nào đó sẽ đạt đến giới hạn, việc Tehran cung cấp máy bay không người lái cho Moskva sẽ cạn kiệt.

Hai là việc sử dụng vũ khí hiệu quả. Các mục tiêu tấn công chính xác đòi hỏi người dùng có sự thành thạo với hệ thống hướng dẫn của máy bay không người lái, vốn được cho là một thách thức đối với quân đội Nga.

Ba là Ukraine có thể cải thiện khả năng bắn hạ những UAV này không. Hiện tại, quân đội Ukraine theo dõi máy bay không người lái một phần thông qua giám sát trực quan và nhắm mục tiêu bằng pháo phòng không hoặc súng máy - một hệ thống tuy không hoàn hảo nhưng vẫn có tác dụng. Kiev đã thúc giục Washington và Brussels cung cấp thêm hệ thống phòng không, và đã có báo cáo rằng Israel đang bắt đầu hỗ trợ.

Trước đây, từng có thông tin về chiếc máy bay không người lái của Mỹ bị Iran giữ được năm 2011, sau đó được đưa tới Trung Quốc trong thời gian ngắn, và được cho là đã giúp Bắc Kinh trở thành người dẫn đầu toàn cầu trong lĩnh vực này. Sự gia tăng của công nghệ máy bay không người lái quân sự cũng làm dấy lên căng thẳng ở Đông Bắc Á.

Vì vậy, việc phát triển và triển khai một loạt các hệ thống phòng thủ đa dạng hơn, chẳng hạn như khả năng phát hiện qua radar được cải tiến và hệ thống laser công suất cao để đánh chặn các máy bay không người lái thù địch, sẽ rất quan trọng. Nhất là khi một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái bất ngờ trong thời bình có thể gây ra hậu quả tàn phá.

Phương Anh(Nguồn: Nikkei Asia)
Bình luận
vtcnews.vn