Điểm trường 3 không
Dọc theo quốc lộ 14, chúng tôi vượt quảng đường gần 75km đến với xã Ia Le. Điểm trường thôn Ia Bia (xã Ia Le) nằm sâu trong con đường làng thuộc thôn Ia Bia.
Men theo con đường làng nhỏ, điểm trường nằm trên quả đồi nhỏ dần hiện ra trước mắt chúng tôi. Ngoài hiên lớp, các em học sinh mầm non và lớp 1 đang chơi đùa vui vẻ.
Ấn tượng đầu tiên và cũng dễ nhận thấy nhất, đó là các em học sinh ở đây rất ngoan. Dù còn nhiều bỡ ngỡ, ngại ngùng khi tiếp xúc với người lạ, nhưng em nào cũng lễ phép, khoanh tay chào từng vị khách lạ.
Sau giờ giải lao các em tự giác vào chỗ ngồi. Trên khuôn mặt các em, những giọi mồ hôi chảy dài. Thấy chúng tôi có vẻ ngạc nhiên khi cô giáo không bật quạt cho các em mát.
Cô Lê Thị Nụ - Giáo viên mầm non - cười và nói: Quạt điện chỉ làm cảnh thôi, chứ điểm trường không có điện. Ngoài ra, điểm tường này cũng không có nước và không có chỗ đi vệ sinh.
Điểm trường thôn Ia Bia được thành lập ở thôn tái định cư. Học sinh của trường phần lớn là người đồng bào dân tộc thiểu số. Điểm trường có 3 lớp, ngoài lớp mầm non của cô Nụ còn có lớp 1 và lớp 2.
Mặc dù điểm trường đã được xây dựng khá kiên cố, tuy nhiên lâu nay, cô trò nơi đây phải dạy và học trong muôn vàn thiếu thốn. Ngoài thiếu về trang thiết bị đồ dùng dạy học, điểm trường thôn Ia Bia còn thiếu nhiều điền kiện cơ bản phục vụ sinh hoạt.
Trò chuyện với các giáo viên, chúng tôi phần nào hiểu được sự khó khăn của việc “gieo chữ” ở vùng đất đầy nắng và gió. Trong trăm sự thiếu thốn, vấn đề nước sinh hoạt vẫn là “bài toán khó” bao năm nay chưa giải được.
Cả điểm trường không có lấy 1 giọt nước. Cô trò muốn uống nước phải vào làng xin. Nhưng xin lắm cũng ngại vì cả làng này đều thiếu nước uống, Các cô đành dùng xe máy mang từng can nước ngọt cánh đó 3km về cho cả cô và trò dùng hàng ngày.
Thiếu nước, nhà vệ sinh không còn tác dụng. Lâu nay, nhà vệ sinh xây cho có vì luôn trong tình trạng cửa đóng, then cài do không có nước.
Lâu ngày không dùng nên nhà vệ sinh đã hư hỏng, được tận dụng để đồ. Các cô ở đây nói vui nhưng mà có thật: “Cô trò trước khi đến lớp phải thực hiện các khâu vệ sinh cá nhân trước. Bởi cả buổi không có chỗ đi vệ sinh, phải nín cho đến lúc tan học về nhà mới được “giải quyết”.
Khó khăn chưa dừng lại ở đó, điểm trường được thành lập ở vùng có khí hậu nắng nóng nhưng không có điện. Những lúc nắng nóng, cô trò phải dùng quạt tay để giải nhiệt.
Nhưng vượt lên tất cả, cô và trò đều đến lớp đều đặn. Những con chữ vẫn được giảng dạy vang vọng giữa núi đồi, như tiếp thêm niềm hi vọng ở vùng đất còn lam lũ này.
Mong muốn có nước cho học sinh
Cô Lê Thị Nụ cho biết, tôi về đây dạy được 1 năm rồi. Nhà tôi hiện ở huyện Chư Sê, để đi xuống điểm trường dạy phải đi hơn 38km. Đi lại vất vả nhưng chưa bằng không có chỗ vệ sinh, không có điện, nước.
Giáo viên phải đi xách từng can nước để cho các cháu rửa tay chân, còn nước uống cô trò đều tự mang đến lớp. Mong muốn lớn nhất của cô trò ở đây là có nước.
Ông Rơ Mah Chik - Trưởng thôn Ia Bia - cho biết: Thôn được thành lập năm 2008 từ dự án tái định canh, định cư của tỉnh. Hiện trong thôn có 104 hộ, trong đó 102 hộ là người đồng bào dân tộc thiểu số.
Cả thôn chỉ có tới 68 hộ nghèo và 25 hộ cận nghèo. Để có nước sinh hoạt, thôn Ia Ba hàng ngày phải đi chở nước ở làng khác về. Điểm trường của thôn cũng chung tình cảnh vậy.
“Các cháu học ở đây không có nước, không có điện. Thấy các cô đi xin nước trong làng, người dân cũng chia sẻ nhưng nhiều lúc dân cũng hết nước không có nước để cho.
Dân trong làng rất biết ơn các cô vì không ngại khó, ngại khổ đem con chữ về cho con em trong làng. Cũng mong cấp trên tạo điều kiện đưa nước sạch về cho dân và cô trò của điểm trường” - Trưởng thôn làng Ia Bia chia sẻ.
Video: Kỳ lạ ngôi trường ba không: Không học phí, không nhận lương và không trượt tốt nghiệp
Bình luận