• Zalo

Rợn người một chuyến đi săn trong rừng

Phóng sự - Khám pháThứ Năm, 27/03/2014 03:16:00 +07:00Google News

Sau tiếng nổ chát chúa, một con chồn hương nằm thoi thóp, vết đạn đã xé toạc một phía đầu.

Rong ruổi nhiều ngày ở chợ A Lưới (TT- Huế), cuối cùng chúng tôi cũng bắt mối được với Hồ Văn R., một thợ săn có tiếng ở phố núi này.


Xé toạc đầu chồn

Những tưởng một mình R. với chiếc win “độ” sung mãn để leo đồi, ai dè cả nhóm bạn anh thêm hai người nữa, cũng là thợ săn chuyên nghiệp ở phố núi A Lưới này, cùng tham gia. Chỉ khi nào có bạn tụ tập, ăn nhậu R. mới xách súng đi săn. Khi 14-15 tuổi R. đã biết theo bố lên rừng, làm quen với cách đặt bẫy, bắn thú. Thêm mười mấy năm tôi luyện trên núi rừng, R. trở thành một tay săn khá chuyên nghiệp.

Thợ săn Hồ Văn R. và những con thú anh ta bắn hạ 

Những cánh rừng cạnh đồi A Bia, sau chiến tranh đã trở lại màu xanh hoang hoải. Từ xã Hồng Bắc, chiếc xe win của R. “phóng nước đại” lên lưng chừng đồi. Hành trang là túi đựng súng, một ít xôi, muối nắm và rượu - thứ không thể thiếu đối với thợ săn.

Đến một gốc cây, R. giơ tay rồi nằm nhoài người xuống, đạn đã lên sẵn, bắt đầu ngắm. Ngồi như nín thở theo đường cong ngón trỏ bóp cò của R. Nhìn lên phía trên cây, chỉ thấy bóng lá xào xạc. Đôi mắt R. không chớp khỏi khoảng tối trước mắt. Những giọt mồ hôi thấm đẫm trên áo.

Đang suy nghĩ về những chuyến săn rừng tiếp theo khi trời đã ngả về chiều, bỗng một tiếng đoàng, cây súng hơi giật lùi “khạc” ra ít lửa và thứ âm thanh chát chúa. R. lao nhanh như sóc tới gốc cây cách vị trí nằm chừng 10 m. Một con chồn hương đang nằm thoi thóp, vết đạn đã xé toạc một phía đầu của nó. Ánh nhìn ghê dại, ám ảnh đầy oán trách.

Có được “thành quả” đầu tiên, R. ung dung ngồi châm thuốc, đi lại xung quanh tìm cây măng giang chặt bỏ vào a - chói. R. bảo, để trời tối rồi đi tiếp, tối bắn “chuẩn” hơn bây giờ. Những thợ săn chuyên nghiệp như R. thường có biệt tài bắn ban đêm rất chuẩn xác. Khi con thú đã “đóng đèn” trên cây thường không di chuyển, ánh mắt của người thợ săn như “nhìn” xuyên đêm, trăm phát đều trúng.

Tập tính săn bắn của người Tà Ôi, Pa Cô nơi đây đã có từ xưa, khi mà núi rừng chưa có những quy ước chặt chẽ, và nó là nguồn sinh kế duy nhất của người miền núi. Mấy chục năm cầm súng đi săn, R. không biết đã bắn bao nhiêu thú rừng.

Hồ Văn R. nghe ngóng tìm thú rừng 
Ngắm bắn 

Ngồi nãy giờ, Hồ Văn N., bạn săn của R. như thấy không vừa ý lắm khi chưa có cơ hội để trổ tài bắn súng của mình. Xách con chồn xuống khe suối sắp cạn làm thịt. Mồi lửa quẹt lên, xua đuổi muỗi rừng. Trong chốc lát, con chồn đã được nhóm thợ săn thui, làm mồi nhắm ngay tại rừng.

Vừa ngồi uống rượu R. kể, tối hôm qua cũng bắn được con heo rừng nhỏ, cả nhóm làm ngay tại lán trại của R. bên đèo Pê Ke, nhậu say túy lúy. Đến rạng sáng mới về, định đi tiếp nhưng say quá không đi nổi…

Voọc bị thui sống

Hành trình chúng tôi có chút thay đổi khi ngày hôm sau phải chuyển hướng sang khu vực đèo Pê Ke, gần lán trại của R.. Đèo Pê Ke thuộc địa phận hai xã Hồng Vân và Hồng Thủy, nơi tiếp giáp với Khu Bảo tồn thiên nhiên Phong Điền.

Sau khi bỏ xe ven tuyến đường mòn, R. lại xách súng leo đồi. Đường đi ở đây khá hiểm trở, phải nhảy qua từng đá núi cheo leo nhiều khi bật cả máu chân. Đôi chân của R. sau nhiều năm đi rừng, được đệm thêm một lớp da chai sần, cứ thoăn thoắt qua những mỏm đá chênh vênh nhưng không hề hấn chi.

Đến lán trại, R. chuẩn bị nước uống, thêm ít thức ăn. R. đến bên hốc núi, nơi đặt những viên đá để thờ “thần rừng” nói những câu rặt tiếng Tà Ôi. Đại ý, báo cáo với thần rừng hôm nay có những người bạn ở miền xuôi lên tham gia cùng chuyến đi săn, cầu mong được an toàn, thuận lợi trong chuyến đi rừng.

Một con chồn bị bắn hạ 

Đi đến nửa ngày đường rừng, vào tới khu vực giáp khu bảo tồn, trời ngả về chiều, R. ra hiệu cho mọi người im lặng để nghe ngóng. Phía xa, bầy voọc chà vá chân nâu đang réo rắt trên những cành cây. R., N, nhanh như cắt lủi vào tán cây rậm rạp, giương súng đợi chờ. Bầy voọc bắt đầu tản ra thì cũng là lúc tiếng “đoàng” khô khốc vang lên, con voọc lao mình xuống dưới gốc cây. Một phút bừng tỉnh, tôi lao theo R..

Dường như con voọc gắng chút hơi tàn để giãy giụa trên lớp lá khô. Vết thương ở lồng ngực không lớn bởi đường đi của viên đạn khá “gọn” nhưng máu cứ ứa ra liên hồi. Nhúm lá cây rừng vừa ăn chưa nuốt khỏi miệng. Cầm hai chân con voọc xấu số xốc ngược lên đi xuôi về phía triền dốc. Ánh mắt R. đảo ngược xung quanh như cảnh giới một ai vừa nhìn thấy hành động táo tợn của anh.

Những con voọc chà vá bị bắn hạ trong Khu Bảo tồn thiên nhiên Phong Điền 
Những con voọc bị thui ngay tại rừng 

Về tới lán trại thì trời đã tối như bưng. Con voọc được R., N., mồi lửa thui ngay tại rừng. “Không mang về được, đây là động vật quý, mang về cán bộ bắt được thì khốn", R. giải thích. Một phần thịt được nhóm thợ săn xẻ ăn ngay tại rừng, phần còn lại theo tập tính của người Tà Ôi, Pa Cô là treo lên lán trại, phơi khô dự trữ cho những chuyến đi săn lần sau.

Trong câu chuyện đi suốt đường rừng, R. kể cho chúng tôi cách ăn thịt thú rừng “truyền thống” khá rừng rợn của những cánh thợ săn. Khi thú rừng là nai, hoẵng bị dính đạn nhưng vẫn còn sống, cánh thợ săn cột chúng vào gốc cây, giữ hai chân trước và đầu cho vững rồi lấy lửa thui ở phần mông. Còn vật còn sống giãy giụa bởi sức nóng của lửa. R. giải thích: “Máu tập trung ở phần thịt bị thui nóng nên ở đó thịt sẽ rất ngon và bổ dưỡng. Thợ săn sau chuyến đi rừng lao lực, tẩm bổ bằng thứ đó là nhất”.

Kết thúc chuyến đi săn, R., N., cất súng, giấu kín tại lán trại chứ không mang về. R. bảo: “Một cây súng như thế này giá 20 triệu đồng. Nếu mang về nhà, công an thu mất thì toi cơm".

Trở về phố núi huyên náo nhưng từng âm thanh chát chúa, khô khốc, từng ánh mắt man dại của loài thú rừng bị bắn hạ, phải lìa bỏ cuộc sống hoang dã vẫn ám ảnh tôi. Phía sau phố núi phồn hoa, hằng ngày đâu đó vẫn diễn ra cảnh tàn sát thú rừng, lặng thầm, không thương tiếc.


TheoDuy Phiên (Nông nghiệp Việt Nam)
Bình luận
vtcnews.vn