Cuối tháng 4/2016, nhiều ngân hàng tuyên bố sẽ giảm lãi suất cho vay. Giảm lãi suất cho vay đồng nghĩa với việc lãi suất tiết kiệm sẽ giảm theo.
Các chuyên gia ngân hàng nghi ngại khả năng giảm lãi suất vì lạm phát và giá dầu đang có xu hướng đi lên. Bên cạnh đó, lãi suất tiết kiệm phải “cạnh tranh” với thị trường Trái phiếu Chính phủ. Vì vậy, Trung tâm nghiên cứu của BIDV dự báo lãi suất sẽ tăng trong tháng 6.
Tuy nhiên, một số ngân hàng lại đang đi ngược lại với dự báo của giới chuyên gia. Ngày 16/6, ngân hàng thương mại cổ phần Tiên Phong (TPB) công bố biểu lãi suất mới. Theo đó, lợi ích của khách hàng gửi tiết kiệm tại đây sẽ giảm nhẹ.
Cụ thể, nếu đầu tháng 4, TPB gây sốc khi đưa lãi suất lên “đỉnh cao” mới 8,4%/năm cho kỳ hạn 36 tháng thì tới nay, ở kỳ hạn 37 tháng của gói tiết kiệm Tài Lộc, sau nhiều lần điều chỉnh, lãi suất chỉ còn là 7,9%/năm.
Với hình thức gửi tiết kiệm thông thường, lãi suất cao nhất 7,6%/năm được áp dụng cho kỳ hạn 36 tháng. Nếu gửi tiết kiệm online, khách hàng sẽ nhận được mức cao hơn một chút là 7,65%/năm. Chỉ cách đây 2 tháng, con số này là 8%/năm.
Liên tục giảm lãi suất cũng là điều mà ngân hàng thương mại cổ phần Phương Đông (OCB) thực hiện. Từ tháng 4, lãi suất huy động tại OCB được giảm từ 8%/năm xuống 7,9%/năm.
Và từ ngày 8/6, mức lãi cao nhất mà OCB dành cho khách chỉ còn là 7,7%/năm cho kỳ hạn 36 tháng và 13 tháng. Trong đó, ở kỳ hạn 13 tháng, OCB đưa ra thêm điều kiện đó là khoản tiền gửi phải từ 500 tỷ đồng trở lên.
Tại ngân hàng thương mại cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), lãi suất cũng đang giảm sâu. Cách đây 3 tháng, tại Eximbank, 7,9%/năm là mức lãi suất cao nhất áp dụng cho kỳ hạn 35 tháng và khoản tiền từ 10 tỷ trở lên. Còn với khách hàng thông thương, mức cao nhất chỉ là 6,9%/năm cho kỳ hạn 36 tháng.
Nhưng từ ngày 8/6, mức lãi suất cao nhất tại Eximbank chỉ còn 7,5%/năm, áp dụng cho kỳ hạn 13 tháng. Điều kiện để được hưởng mức lãi này là khách hàng phải gửi tiết kiệm từ 500 tỷ đồng trở lên. Với khách thông thường, mức lãi cao nhất chỉ là 6,8%/năm thay vì 6,9%/năm như trước đây.
Trong khi đó, các “ông lớn” ngân hàng vẫn tiếp tục duy trì chính sách lãi suất thấp. Lãi suất cao nhất tại Vietcombank là 6,5%/năm áp dụng cho các kỳ hạn từ 12 tháng tới 60 tháng, tại BIDV là 7,2%/năm cho kỳ hạn 36 tháng, tại Vietinbank là 7%/năm.
Ngân hàng Nhà nước vẫn rất quan tâm tới vấn đề giảm lãi suất. Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các ngân hàng thương mại báo cáo tình hình lãi suất huy động và lãi suất cho vay định kỳ vào ngày 20 hằng tháng từ tháng 6/2016.
Đây là động thái mới nhất của Ngân hàng Nhà nước sau khi Thống đốc Lê Minh Hưng ban hành Chỉ thị số 04 về một số giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng những tháng cuối năm 2016.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng thương mại xây dựng kế hoạch và thực hiện các giải pháp để tạo điều kiện giảm lãi suất.
Ngân hàng Nhà nước cũng đã công bố tình hình lãi suất ở thời điểm cuối tháng 5. Theo đó, mặt bằng lãi suất huy động bằng VND phổ biến ở mức 0,8-1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,5-5,4%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,4-6,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,4-7,2%/năm.
Mặt bằng lãi suất cho vay phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 6-7%/năm đối với ngắn hạn. Các ngân hàng thương mại nhà nước tiếp tục áp dụng lãi suất cho vay trung và dài hạn phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 9-10%/năm.
Lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường ở mức 6,8-9%/năm đối với ngắn hạn; 9,3-11%/năm đối với trung và dài hạn. Đối với nhóm khách hàng tốt, tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, lãi suất cho vay từ 5-6%/năm.
Bình luận