Vừa qua, tại hội thảo Tiếp cận và xử trí các bệnh lý hậu COVID-19, do Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương tổ chức, TS.BS Thân Mạnh Hùng, Phó Trưởng khoa Cấp cứu cho biết, trong một báo cáo trên thế giới vào tháng 10/2021 khi thực hiện 21 mẫu phân tích gộp, với 47.910 bệnh nhân tham gia nghiên cứu cho thấy, khoảng 55 tác dụng phụ kéo dài của hậu COVID-19, trong đó có rối loạn tâm thần. Được biết, những bệnh nhân này được theo dõi từ 14- 110 ngày kể từ khi mắc COVID-19 và độ tuổi trung bình từ 17-87 tuổi. Ước tính khoảng 80% bệnh nhân có ít nhất một hoặc nhiều hơn một triệu chứng liên quan đến hậu COVID-19.
COVID-19 tác động lên rất nhiều các cơ quan, bộ phận trên cơ thể. Đối với sức khỏe tâm thần, 13% bệnh nhân COVID-19 triệu chứng lo âu, 12% chán nản, trầm cảm, ngoài ra 7% trường hợp bệnh nhân cần chăm sóc sức khỏe tâm thần và 6% F0 có biểu hiện tâm thần khác.
Theo một nghiên cứu khác đăng trên tạp chí Lancet, theo dõi triệu chứng tâm thần, thần kinh của bệnh nhân trong vòng 6 tháng với 236.379 bệnh nhân sau khi khỏi COVID-19, cho thấy những tổn thương về cảm xúc tinh thần của bệnh nhân cũng rất cao. Những nhóm bệnh nhân triệu chứng nhẹ không cần phải nhập viện cho tỷ lệ gây rối loạn tâm thần thấp hơn so với nhóm phải điều trị tại ICU. Bên cạnh đó, về rối loạn cảm xúc, đối với bệnh nhân nhẹ, không có triệu chứng thì những tổn thương về mặt tinh thần đỡ hơn nhiều so với bệnh nhân cần nhập viện hoặc bệnh nhân cần phải ICU.
Tại Việt Nam, nhóm nghiên cứu khảo sát 107 bệnh nhân COVID-19 trong quá trình điều trị tại bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Đây là các bệnh nhân tỉnh táo và có khả năng trả lời, cho thấy, biểu hiện rối loạn tâm thần ở bệnh nhân COVID-19 chiếm khoảng 45,9% bệnh nhân. Trong đó 3 dấu hiệu tổn thương tâm thần lớn nhất, cụ thể lo âu chiếm khoảng 18,69% (trong đó ở bệnh nhân nhẹ là 18,62%), trầm cảm có 33,64%, mất ngủ chiếm 28,97%, chủ yếu ở bệnh nhân thể nhẹ.
Theo TS Hùng, các rối loạn tâm thần này có nguyên nhân trực tiếp do nhiễm SARS-CoV-2 hoặc gián tiếp do tâm lý căng thẳng trong đại dịch. Ví dụ mệt mỏi kéo dài do không ngủ đủ hoặc ngủ không ngon giấc hoặc hội chứng sương mù não, suy giảm nhận thức.
“Nhiều bệnh nhân hậu COVID-19 cho biết họ cảm thấy không giống như mình, mất trí nhớ ngắn hạn, lú lẫn, không thể tập trung và chỉ cảm thấy khác so với trước khi mắc bệnh. Một số bệnh nhân hậu COVID-19 tình trạng sương mù não kéo dài vài tuần hoặc vài tháng sau khi các triệu chứng khác của họ, như ho, mệt mỏi hoặc sốt đã biến mất”- BS Hùng cho biết.
Vì vậy, khi người bệnh gặp vấn đề căng thẳng trong COVID-19, cần có phương pháp cân bằng cuộc sống. TS Thân Mạnh Hùng khuyến cáo gồm tăng cường khoảng thời gian giao tiếp với xã hội, ngủ đủ giấc, cải thiện chất lượng giấc ngủ, dần hình thành các bài tập thể dục, hoạt động thể thao giúp máu lưu thông, để giấc ngủ tốt hơn. Đồng thời đảm bảo chế độ ăn lành mạnh để cung cấp cho cơ thể những chất dinh dưỡng cần thiết để trở lại sức khỏe tốt. Tránh sử dụng các chất kích thích như thuốc lá, rượu
Với những trường hợp nặng cần tư vấn trực tuyến hoặc trực tiếp của chuyên gia tâm thần để có được những lời khuyên hoặc liệu pháp tâm lý điều trị phù hợp.
Tiêm vaccine có phòng được hậu COVID-19?
Theo TS Trần Văn Giang, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, tiêm vaccine COVID-19 là biện pháp phòng bệnh COVID-19 tốt nhất. Khi không bị mắc COVID-19 hoặc có mắc ở những người đã tiêm vaccine thì vấn đề về hậu COVID-19 sẽ nhẹ nhàng hơn.
Theo một nghiên cứu đã được đăng tải trên tạp chí Lancet, nồng độ kháng thể có thể kháng virus SARS-CoV-2 thấp thì có thể tăng nguy cơ xuất hiện hậu COVID-19. Vì vậy, việc tiêm vaccine vừa phòng được bệnh COVID-19, đồng thời đây cũng là cách phòng hoặc hạn chế được vấn đề hậu COVID-19.
Bình luận