• Zalo

Ráo riết chuẩn bị cho cuộc thi Robot quốc tế

Giáo dụcThứ Năm, 18/10/2012 08:15:00 +07:00Google News

(VTC News) - Các câu lạc bộ robotics đều đang hăng say học tập, rèn luyện, chuẩn bị tốt nhất cho cuộc thi sắp tới, nhằm mang lại kết quả cao nhất.

(VTC News) - Các câu lạc bộ robotics đều đang hăng say học tập, rèn luyện, chuẩn bị tốt nhất cho cuộc thi sắp tới, nhằm mang lại kết quả cao nhất, làm rạng danh nước nhà.

Chỉ còn hơn tuần nữa, Cuộc thi Robotics Quốc tế dành cho trẻ em 2012, sẽ diễn ra tại Trung tâm Hội nghị quốc gia (Hà Nội). Việt Nam sẽ có tổng số 14 đội tuyển tham gia cuộc thi tầm cỡ quốc tế này.

Trong những ngày này, hàng trăm học sinh của các trường tiểu học trên cả nước, các câu lạc bộ robotics đều đang hăng say học tập, rèn luyện, chuẩn bị tốt nhất cho cuộc thi sắp tới, nhằm mang lại kết quả cao nhất, làm rạng danh nước nhà.

Thi robotics ở Indonesia năm 2011 
Một số trường, như trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm, Tiểu học Xuân Đỉnh (Hà Nội), Nguyễn Bỉnh Khiêm (TP. HCM) và các câu lạc bộ robotics đã và đang thực hiện các cuộc thi đấu cấp trường để chọn ra những học sinh xuất sắc nhất trong số hàng trăm học sinh theo học môn robotics, để ôn luyện nâng cao. Mỗi trường sẽ chọn ra 2 đến 3 đội tuyển, mỗi đội gồm 3 em, để tham dự cuộc thi mang tầm quốc tế này.
Cài phần mềm cho robot hoạt động 
Say mê học robot 
Khác với các câu lạc bộ tại Hà Nội, câu lạc bộ robotics tại trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (TP.HCM) có hai cấp độ, gồm lứa tuổi 7-9 và 10-12 tuổi. Đội tuyển của trường gồm 24 em, bắt đầu tập trung luyện tập từ ngày 10-7-2012, với thời lượng 2 buổi/tuần (mỗi buổi 2h) vào các chiều thứ 3 và thứ 5 hàng tuần.

Đến thời điểm này, nhóm học sinh đã hoàn thành 4 nhiệm vụ theo yêu cầu của bài thi đặt ra. Thầy và trò nhà trường đang cùng nhau nỗ lực dạy và học để đưa câu lạc bộ Nguyễn Bỉnh Khiêm trở thành đội tuyển tiềm năng của Việt Nam trong cuộc thi mang tầm quốc tế này.

Như vậy, cuộc tuyển chọn ngay từ cấp trường đã rất khốc liệt. Các em phải học tập, rèn luyện cao độ, để trở thành những ứng viên xuất sắc nhất, được vinh dự lên đấu trường quốc tế.


Học sinh và giáo viên trường Tiểu học Xuân Đỉnh (Hà Nội) cũng đang háo hức chờ đợi ngày diễn ra cuộc thi. Tiểu học Xuân Đỉnh là trường công, học sinh là con em người dân ở nơi là ngôi làng vừa lên phố được vài năm nay.

Cơ sở vật chất của trường còn hạn hẹp so với các trường tư thục. Có trong mơ giáo viên, học sinh cũng không nghĩ lại được học môn học tưởng như chỉ có ở trời Tây này.

Tập đoàn DTT cùng với Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT Hà Nội đã chọn trường tiểu học Xuân Đỉnh là trường công duy nhất để đầu tư, tài trợ phòng Lab và môn học cực kỳ mới mẻ này cho nhà trường, để học sinh được tiếp cận.


Từ ngày 23/7, câu lạc bộ robotics mới được khai giảng ở trường. Là tân binh mới của môn học, nhưng các em học sinh “trường làng” rất hăng say học tập, đam mê khám phá môn học và thể hiện năng lực không hề kém cạnh so với các trường đã được đầu tư hơn năm nay.

Trải qua nhiều cuộc thi cấp trường, thầy Đức, thầy Cường đã tuyển lựa được 7 học sinh xuất sắc nhất, lập thành 2 đội tuyển để tham gia Cuộc thi Robotics Quốc tế dành cho trẻ em vào cuối tháng 10 này.

Trong số 7 em, chỉ chọn 6 em. Thầy Cường lăn tăn mãi mà không biết loại em nào. Cuộc tuyển lựa vô cùng gay gắt.

Quyết mang vinh quang về cho Tổ quốc! 
Trong số 7 học sinh ở trường, tôi rất ấn tượng với một bạn nữ duy nhất, là Nguyễn Gia Linh, học sinh lớp 3. Gia Linh có trán cao, ánh mắt biết cười. Trong khi các bạn mải mê lắp ráp robot, chạy thử trên sàn thi đấu, thì Gia Linh cặm cụi tính toán, cài đặt phần mềm để robot hoạt động chính xác, hiệu quả nhất.

Gia Linh tự tin: “Hồi đầu học thấy khó, nhưng càng học con càng thấy môn này hấp dẫn chú ạ. Con lắp ráp robot làm nhiệm vụ bắt cá, chế biến thực phẩm, lọc oxi, rồi cài đặt cho nó hoạt động dưới đáy đại dương”.

Thầy Trần Văn Cường bảo: “Gia Linh tuy là nữ, nhưng lại thông minh toàn diện. Em không chỉ lắp ráp giỏi, mà tính toán, cài đặt phần mềm cho robot chạy cũng chuẩn xác. Gia Linh là hạt giống của câu lạc bộ robotics trong trường”.
Thầy Cường đang cấp tốc ôn luyện cho các đội tuyển 
Đội của Gia Linh gồm 3 bạn, là Gia Linh, Đức Anh, Thái Anh. Thế nhưng, Gia Linh chỉ đạo 2 bạn trai đâu ra đấy. Chỉ chưa đầy 10 phút, Gia Linh đã ráp xong một robot, trông vừa như chiếc xe tải em vẫn gặp ngoài con đường bụi mù chạy qua làng em, vừa giống chiếc xe tăng với bánh xích, có thể hoạt động ở mọi địa hình, lại giống chiếc máy cẩu để nâng, hạ các đồ vật… mà em thường thấy trên tivi. Em đã biến trí tưởng tượng phong phú của mình thành những con robot cá tính.

Từ tháng 8-2012, các câu lạc bộ robotics cho học sinh lứa tuổi 12-13 đã được mở tại một số trường trên địa bàn Hà Nội như Trường Trung học cơ sở Đống Đa, Trường Trung học cơ sở Thăng Long và Trường Quốc tế Vietkid,… Trong giai đoạn này, liên doanh liên doanh DTT - Eduspec đã giới thiệu, quảng bá chương trình đào tạo tới các em học sinh, với thời lượng khóa học là 21 giờ (02 tiết/01 buổi/tuần).
Mặc dù hôm đó trường có việc, toàn bộ học sinh và giáo viên của trường nghỉ học, nhưng các học sinh thuộc câu lạc bộ robotics vẫn say mê học tập. Đến cuối giờ chiều, cô hiệu trưởng Nguyễn Thị Bích Hằng tìm đến lớp học, theo dõi các em luyện tập, cổ vũ các em quyết tâm hơn nữa.


Cô Nguyễn Thị Bích Hằng bảo: “Xuân Đỉnh thực sự là trường học của nông thôn. Quá trình đô thị hóa, cán bộ nơi khác về ở, thì mới có một số ít học sinh là con cán bộ.

Vì là trường làng, nên phần đa con em các hộ dân còn nghèo, mong được học hành trong môi trường tốt là cố lắm rồi. Do đó, được lãnh đạo Bộ, được Tập đoàn DTT đầu tư phòng Lab, hệ thống robot nhiều trăm triệu đồng quả là giấc mơ.


Vì học sinh mới làm quen môn học mới mẻ này, nên mình cũng không kỳ vọng nhiều được giải nọ, giải kia. Các con được mở rộng giao tiếp, làm quen với bạn bè quốc tế là đã mừng lẳm rồi. Đây chính là tiền đề giúp các con tự tin, phát huy tốt nhất khả năng bản thân.

Sau cuộc thi này, đặc biệt là được giải, được tôn vinh, chắc chắn các bậc phụ huynh sẽ quan tâm, tìm hiểu và đầu tư hơn nữa cho con cái theo học”.
Hiệu trưởng Trường tiểu học Xuân Đỉnh Nguyễn Thị Bích Hằng 
Tôi hỏi: “Theo chị, có nên đưa môn học robotics thành môn học chính?”. Chị Hằng bảo: “Qua tìm hiểu, mình thấy môn học này cực kỳ quan trọng với tương lai các em, tương lai đất nước. Tuy nhiên, việc quyết định có đưa thành môn chính hay không thì phải ở cấp Bộ, chứ trường không thực hiện được, bởi tiểu học Xuân Đỉnh là trường quốc lập.

Trước mắt, trường mới tổ chức ở dạng câu lạc bộ. Nhưng mình tin rằng, nếu môn học này thực sự cần thiết, thì lãnh đạo Bộ, Sở cũng sẽ nhìn nhận”.

Cuộc thi Robotics Quốc tế dành cho trẻ em (DYA) diễn ra tại Trung tâm hội nghị quốc gia, gồm 53 đội tuyển đến từ 5 quốc gia (Việt Nam, Indonesia, Philippines, Malaysia, Singapore) với hai lứa tuổi. Các em nhỏ độ tuổi 6 – 9 thi đấu với nội dung mang tên “OCEANUS”. Độ tuổi 9 – 13 thi đấu với nội dung mang tên “TRITON”.

Phần thi OCEANUS có nhiệm vụ: Khôi phục lại nguồn khoáng sản biển; Kích hoạt máy định vị thủy âm; Đi theo đường mòn đến ABYSS; Triển khai các dữ liệu thăm dò vào ABYSS.

Phần thi TRITON có nhiệm vụ: Tham gia vào tua bin Thủy Triều (TIDAL); Thu thập nguồn cung cấp thức ăn; Điều chỉnh nguồn cung cấp ôxi; Khử muối nước biển.

Việt Nam có 14 đội tham gia, đến từ các trường Đoàn Thị Điểm, Xuân Đỉnh (Hà Nội), Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lương Định Của (TP. Hồ Chí Minh).

Hàng năm, liên doanh DTT - Eduspec sẽ tổ chức các cuộc thi cho trẻ em tham gia môn học này bao gồm các cuộc thi robotics cấp quốc gia và quốc tế, đặc biệt Giải thưởng tuổi trẻ kỹ thuật số – Robotics cho trẻ em.

Quân Lê

Bình luận
vtcnews.vn