Theo lời kể của gia đình, khoảng 16h ngày 29/3, khi đang chơi ngoài sân, bé N.T.N.T. (15 tháng tuổi, quê tỉnh Tiền Giang) bị một con rắn cắn khiến cẳng tay chảy máu. Người nhà đắp lá thuốc (không rõ loại) lên vết cắn cho bé nhưng sau 2 giờ, máu vẫn chảy không ngừng.
Sau đó, bé được đưa đến Bệnh viện Đa khoa Trung tâm Tiền Giang, truyền huyết tương tươi đông lạnh và 4 lọ huyết thanh kháng nọc rắn lục tre. Tuy nhiên, tình trạng bé không thuyên giảm. Các bác sĩ chuyển bé đến Bệnh viện Nhi đồng 1.
Tại Bệnh viện Nhi đồng 1, các BS ghi nhận mạch, huyết áp bé khá ổn định nhưng vết rắn cắn liên tục chảy máu. Bé được truyền máu và các yếu tố đông máu, chuyển phòng hồi sức.
BS Đinh Tấn Phương, Trưởng Khoa cấp cứu Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, Bệnh viện cũng liên hệ với Bệnh viện Chợ Rẫy và được cho biết loại rắn này chưa có huyết thanh. Không nản lòng, BS Phương cho biết tiếp tục liên hệ các nước bạn nhằm tìm huyết thanh nhưng đều vô vọng, có một nơi tại Nhật Bản chỉ mới nghiên cứu thử nghiệm.
Tình trạng bé T. xấu dần khi chảy máu toàn thân như chảy máu chân răng, xuất huyết dưới da rất nhiều, sau đó suy hô hấp và tử vong lúc 18h50 ngày 1/4, chẩn đoán có khả năng do xuất huyết não.
Theo báo cáo của Bệnh viện Chợ Rẫy, trong vòng 10 năm qua, Bệnh viện đã tiếp nhận 31 trường hợp bị rắn cổ đỏ tấn công và chỉ cứu được 6 người.
BS Phương khuyến cáo, tùy theo thế cắn, lượng độc chất bơm vào cơ thể mà người bị rắn cổ đỏ cắn có thể không gặp triệu chứng gì cho tới bị rối loạn đông máu, thậm chí mất mạng. Trong điều kiện huyết thanh kháng lại nọc rắn còn là bài toán nan giải thì người dân đặc biệt là trẻ nhỏ không nên bắt loại rắn này làm cảnh, tránh nguy hiểm tính mạng.
Nếu chẳng may bị loại rắn này cắn, nên giữ vết thương sạch, đưa nạn nhân đến cơ sở y tế càng nhanh càng tốt, không garo vết thương như bị các loại rắn gây nhiễm độc thần kinh cắn và đặc biệt là không đắp lá cây để tránh gây nhiễm trùng vết thương.
Bình luận