Trong mùa mưa lũ khắc nghiệt ở vùng cao Tây Bắc, thông tin trên sóng phát thanh đã đồng hành với người dân ở những vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng thiên tai, ngập lụt, sạt lở, lũ quét... Đặc biệt vào những thời điểm mưa lũ tàn phá, chia cắt nhiều xã, bản, sóng điện thoại, mạng internet gián đoạn, mất kết nối..., riêng phát thanh vẫn đến được với bà con.
Vào 3 khung giờ mỗi ngày, chương trình phát thanh tiếng Mông của Đài Tiếng nói Việt Nam thường dành nhiều thời lượng cập nhật, thông tin về tình hình mưa lũ, dự báo thời tiết, cảnh báo về thiên tai... Đặc biệt tuyên truyền, hướng dẫn bà con cách phòng tránh, ứng phó, đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ.
Đây là một trong những kênh thông tin quan trọng với nhiều người dân ở xã vùng cao Long Hẹ, huyện Thuận Châu, Sơn La, trong đó có ông Vừ A Thống: "Đồng bào vùng cao chúng tôi thường xuyên nghe chương trình, vì nhiều khi không có mạng, cũng không xem được truyền hình... Nhất là trong những ngày mưa lũ này thì các bản tin của đài liên tục có các thông tin về phòng chống bão lũ để chúng tôi nắm bắt và chủ động phòng tránh, bảo vệ tính mạng, tài sản của bản thân và gia đình".
Mưa lũ lịch sử tại Yên Bái làm 44 người chết và mất tích, gần 23.000 ngôi nhà bị hư hỏng, trong đó chủ yếu là bị ngập trong nước lũ dâng cao từ 3-4m, gần 60.000 người phải di chuyển khỏi nơi ở.
Để chủ động nắm được thông tin thời tiết, cảnh báo mưa lũ, cũng như diễn biến mưa lũ, phòng tránh thiệt hại, đa số người dân đã quan tâm theo dõi qua các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là qua radio trong những ngày mất điện, mất mạng internet, mất sóng điện thoại.
Chị Bùi Hương Giang ở phường Yên Ninh, TP Yên Bái chia sẻ: "Trong đợt mưa lũ này, chúng tôi thấy hệ thống đài phát thanh đã phát sóng dày đặc các thông tin về tình hình mưa bão, sạt lở đất. Nhờ vậy nên nhiều người đã di dời, sơ tán kịp thời, tránh được những hậu quả đáng tiếc xảy ra".
Những ngày qua, mưa lũ tàn phá, sạt lở khắp nơi khiến trung tâm thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai gần như bị chia cắt với tất cả các xã, riêng phát thanh vẫn đến được với người dân.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Hường, Giám đốc Trung tâm Văn hóa – Thể thao và Truyền thông thị xã Sa Pa, các bản tin dự báo, cảnh báo, chỉ đạo khẩn về mưa lũ được phát sóng liên tục với tần suất dày đặc trong suốt những ngày qua. Ngoài phát FM còn phát qua hệ thống 206 cụm loa truyền thanh cơ sở dùng công nghệ IP đã mang lại những hiệu quả đáng kể.
"Trạm truyền thanh xã hoạt động đủ, đúng quy định chỉ 3 tiếng một ngày thôi. Nhưng mấy ngày qua thì ráo riết, liên tục, hết công điện này đến công điện kia, rồi dự báo thời tiết, 30 phút lại phát một lần. Người ta nghe thấy vậy cũng phải đề cao cảnh giác, chính vì vậy công tác cứu hộ, cứu nạn, di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm được thực hiện rất tốt, tránh được nhiều thương vong đáng tiếc xảy ra", bà Hường nói.
Bình luận