Vấn đề Quy hoạch Tổng thể phát triển Du lịch Sơn trà trở thành tâm điểm trong những ngày gần đây. Cũng như nhiều người, tôi quan tâm và ủng hộ những tiếng nói, nỗ lực để bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ để bán đảo Sơn Trà không bị “bê tông hóa”.Tôi cũng hoan nghênh tinh thần cầu thị, khoa học và tuân thủ pháp luật của Chính phủ khi xem xét các kiến nghị của Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng.
Theo dõi những thông tin về cuộc “tọa đàm khoa học” do Bộ VHTTDL tổ chức ngày 30/5 vừa qua, tôi thấy có điều rất đáng tiếc là thiếu bóng dáng của những chuyên gia về pháp luật trong khi một trong những nội dung rất quan trọng trong suốt thời gian vừa qua lại liên quan tới pháp luật và nếu được làm rõ thì câu chuyện sẽ bớt phức tạp đi nhiều.
Thứ nhất, liên quan tới các quy định pháp luật về thẩm quyền, trình tự việc xây dựng, phê duyệt một Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia. Từ đó để làm rõ thẩm quyền, trách nhiệm của từng cơ quan trong việc xem xét các kiến nghị liên quan tới bản quy hoạch. Làm rõ điều này sẽ tránh được những ý kiến cảm tính, cực đoan. Ở đây, không bàn về nội dung quy hoạch, nhưng trên giác độ luật pháp thì rõ ràng là không thể “đúng luật, đúng quy trình rồi thì không điều chỉnh”. Ngược lại cũng không thể nói “dừng” hay “điều chỉnh” ngay bởi trình tự điều chỉnh một quy hoạch cũng được pháp luật quy định.
Thứ hai, liên quan tới thẩm quyền, trình tự cấp phép đầu tư đối với 18 dự án đầu tư du lịch trên bán đản Sơn Trà trước năm 2013. Nếu các dự án đó được UBND TP. Đà Nẵng cấp phép đúng thẩm quyền, đúng quy định thì Nhà nước có trách nhiệm đối với những thiệt hại mà các nhà đầu tư phải gánh chịu khi các dự án này bị dừng, bị cắt giảm. Bản Quy hoạch tổng thể phát triển khu Du lịch Quốc gia Sơn Trà (được phê duyệt sau khi các dự án này đã được cấp phép) khi được triển khai sẽ chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới quyền lợi của một số nhà đầu tư (vì quy mô từ trên 5.000 phòng bị Quy hoạch giới hạn lại ở mức 1.600 phòng).
Nếu bản Quy hoạch này được UBND TP. Đà Nẵng đồng ý trình Thủ tướng thì UBND TP. Đà Nẵng có trách nhiệm giải quyết với các nhà đầu tư. Ngược lại thì Bộ VHTT&DL và Thủ tướng sẽ phải có trách nhiệm này. Giả sử tới đây có điều chỉnh quy hoạch xuống dưới mức 1.600 phòng thì cũng tương tự.
Thứ ba, về kiến nghị “Giữ nguyên trạng để bảo vệ Sơn Trà” của ông Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, cần làm rõ “nguyên trạng” là như thế nào? Có các dự án, công trình đang dở dang không? Nếu có thì có để như vậy không hay phải phá dỡ, hoàn nguyên, khôi phục lại nguyên trạng như khi chưa thi công? Như vậy thì ngoài trách nhiệm của Nhà nước còn phải tính thêm các nghĩa vụ liên quan tới phá dỡ, khôi phục nguyên trạng.
Giả sử Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, UBND Thành phố Đà Nẵng đồng ý với kiến nghị “giữ nguyên trạng” của ông Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Thành phố Đà Nẵng mà phải chi từ ngân sách nhà nước (trực tiếp bồi thường hay gián tiếp hỗ trợ các nhà đầu tư) thì phải làm rõ trách nhiệm những người đã cấp phép cho các dự án trước đây (nếu cấp sai quy định) hoặc những người quyết định “giữ nguyên trạng” (đương nhiên không phải trách nhiệm của ông Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng vì ông chỉ là người kiến nghị).
Thứ tư, Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cần nghiên cứu rất kỹ các văn bản pháp luật khi để ông Chủ tịch Hiệp hội có những ý kiến rất không chuẩn xác về pháp luật.
Về ý kiến cho rằng Quy hoạch đã cắt mất 1.056 ha rừng vi phạm điều 30 Luật Đầu tư. Điều 30 Luật Đầu tư quy định thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Quốc hội đối với các dự án đầu tư. Quyết định phê duyệt Quy hoạch không phải là quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án. Luật Du lịch cũng quy định rõ Thủ tướng là cấp phê duyệt các quy hoạch phát triển tổng thể khu du lịch quốc gia và diện tích khu du lịch quốc gia phải trên 1.000 ha.
Ông Chủ tịch Hiệp hội cũng cho rằng Quy hoạch vi phạm 13 điều ở 4 luật khác nhau như Luật Bảo vệ và phát triển rừng, Luật Bảo vệ môi trường v.v... Nhưng nghiên cứu kỹ các Luật, điều luật này thì không phải Quy hoạch vi phạm luật mà do ông Chủ tịch Hiệp hội nhầm lẫn các khái niệm (mặc dù luật đều quy định rõ, không khó hiểu).
Tôi cũng thấy ngạc nhiên là các cơ quan của Chính phủ không có động thái gì trước những lời quy kết Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ký văn bản vi phạm luật. Ở các nước tiên tiến, không chỉ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ mà mọi tổ chức, cá nhân đều sẽ bằng các công cụ pháp lý để bảo vệ quyền lợi, uy tín của mình trong những trường hợp tương tự.
Chính do thiếu vắng những chuyên gia luật pháp nên nhiều vấn đề bị đẩy lên tới mức sai lệch hẳn so với bản chất sự việc. Ví dụ rất nhiều ý kiến cho rằng cần hủy bỏ bản Quy hoạch Tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Sơn Trà để bảo vệ Sơn Trà. Trong khi thực ra bản Quy hoạch lại là cơ sở pháp lý duy nhất để buộc Đà Nẵng phải rà soát, điều chỉnh các quy hoạch, dự án đã được Đà Nẵng phê duyệt, cấp phép theo hướng giảm quy mô đầu tư (tới hơn 2/3) để bảo vệ Sơn Trà.
Trong một Nhà nước pháp quyền, nói và làm theo pháp luật cần được thấm nhuần, tuân thủ ở mọi cấp, mọi ngành, mọi tổ chức, mọi người, ở mọi nơi, mọi lúc.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có thông điệp mạnh mẽ “đồng hành cùng doanh nghiệp”. Sự “đồng hành” cũng phải trên cơ sở tuân thủ pháp luật. Doanh nghiệp vi phạm pháp luật phải bị xử lý theo pháp luật. Những quyết định của nhà nước liên quan tới lợi ích của doanh nghiệp cũng phải đúng pháp luật và trên nguyên tắc không hồi tố nếu ảnh hưởng xấu tới lợi ích doanh nghiệp.
Video: Tạm dừng khiển khai quy hoạch bán đảo Sơn Trà
Bình luận