• Zalo

Quốc hội vừa thông qua nhiều luật quan trọng

Thời sựThứ Ba, 20/11/2012 04:13:00 +07:00Google News

Các đại biểu Quốc hội họp tại hội trường, biểu quyết, thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật luật sư; Luật điện lực...

Sáng nay (20-11), các đại biểu Quốc hội họp tại hội trường, biểu quyết, thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật luật sư; Luật điện lực; Luật quản lý thuế; Luật dự trữ quốc gia; Luật hợp tác xã (sửa đổi); Luật xuất bản (sửa đổi).

Buổi chiều, các đại biểu thảo luận về dự án Luật khoa học và công nghệ (sửa đổi).

Giảng viên luật không được hành nghề luật sư

Quốc hội đã biểu quyết thông qua nội dung này sáng 20-11 với 62,27% ý kiến đại biểu tán thành.

Các đại biểu Quốc hội biểu quyết. Ảnh minh họa 

Về việc cho phép viên chức đang làm công tác giảng dạy pháp luật được hành nghề luật sư, Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội được trình bày sáng 20-11 cho biết, qua thảo luận và xin ý kiến bằng phiếu, các đại biểu Quốc hội có hai loại ý kiến chủ yếu.

Loại ý kiến thứ nhất tán thành với dự thảo Luật, theo đó không cho phép quy định viên chức đang làm công tác giảng dạy pháp luật hành nghề luật sư.

Loại ý kiến thứ 2 đề nghị chỉnh lý quy định tại điểm b khoản 4 Điều 17 dự thảo Luật theo hướng cho phép viên chức đang làm công tác giảng dạy pháp luật luật hành nghề luật sư (trong đó, nhiều ý kiến đề nghị cho phép đối tượng trên được hành nghề luật sư nhưng chỉ ở lĩnh vực tư vấn pháp luật).

Các ý kiến thứ 2 cho rằng, quy định như vậy sẽ tạo ra cơ chế thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao bổ sung cho đội ngũ luật sư, vừa phát huy năng lực chuyên môn, vừa giúp đội ngũ giảng viên pháp luật có điều kiện kết hợp giữa lý luận và thực tiễn, qua đó nâng cao năng lực chuyên môn của đội ngũ này.

Báo cáo giải trình của Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng việc cho phép viên chức làm công tác giảng dạy pháp luật được hành nghề luật sư sẽ làm phân tán nguồn lực, ảnh hưởng đến hoạt động chuyên môn giảng dạy và khó bảo đảm chất lượng hành nghề luật sư trong khi số giảng viên đại học chuyên ngành luật so với yêu cầu phát triển còn rất thiếu.

Hơn nữa, bên cạnh những lợi thế như loại ý kiến thứ hai đã nêu, nếu cho phép viên chức làm công tác giảng dạy pháp luật được kiêm nhiệm hành nghề luật sư cũng chưa khắc phục được những hạn chế căn bản của hành nghề luật sư những năm vừa qua.

Ngoài ra, nếu chỉ cho phép đối tượng nói trên hành nghề luật sư ở lĩnh vực tư vấn pháp luật thì sẽ hình thành hai loại luật sư: luật sư tư vấn và luật sư tranh tụng. Điều này không phù hợp với quy định hiện hành và cũng không giải quyết được vấn đề bức xúc nhất hiện nay là rất thiếu luật sư tham gia tố tụng, đặc biệt là trong hoạt động tố tụng hình sự.

Hơn nữa, hoạt động tư vấn pháp luật của viên chức giảng dạy pháp luật đã được pháp luật hiện hành điều chỉnh, nên không cần thiết bổ sung trong Luật này.

Từ những lý do nêu trên, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ quy định về vấn đề này như điểm b khoản 4 Điều 17 dự thảo Luật.

Quốc hội đã biểu quyết thông qua nội dung này với 330/470 ý kiến đại biểu có mặt tán thành, chiếm 62,27% trước khi thông qua toàn văn Luật với 90,16% ý kiến tán thành.

Theo đó, điểm b khoản 4 Điều 17 quy định: Người đang là cán bộ, công chức, viên chức; sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân thì không được cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư.

Thông qua Luật Dự trữ quốc gia

Trong buổi sáng, Quốc hội cũng đã biểu quyết thông qua luật Dự trữ quốc gia với 471/472 ý kiến tán thành (chiếm 94,58%).

Luật quy định mục tiêu của dự trữ quốc gia (DTQG) là Nhà nước hình thành, sử dụng dự trữ quốc gia nhằm chủ động đáp ứng yêu cầu đột xuất, cấp bách về phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh; phục vụ quốc phòng, an ninh.

Chế độ, chính sách đối với công chức, viên chức DTQG

Báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban thường vụ Quốc hội cho biết một số ý kiến đề nghị có chế độ, chính sách riêng đối với người làm công tác DTQG. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, không nên áp dụng chế độ riêng đối với những người làm công tác DTQG hoặc chỉ nên áp dụng đối với một số đối tượng làm công tác DTQG tại vùng sâu, vùng xa, tiếp xúc trực tiếp với các hóa chất độc hại…

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, trên thực tế, người làm công tác DTQG có điều kiện làm việc đặc thù, có khó khăn riêng (phải làm việc trong nhiều tình huống khẩn cấp, nguy hiểm). Vì vậy, cần có chính sách động viên, khuyến khích người lao động gắn bó với công tác DTQG, nhưng mặt khác, cũng bảo đảm tính công bằng giữa người làm trực tiếp công tác DTQG với người chỉ làm công tác hành chính tại các bộ, ngành. Do đó, UBTVQH tiếp thu, chỉnh sửa và trình Quốc hội xem xét.

Theo đó, Điều 9 của Luật Dự trữ quốc vừa được Quốc hội thông qua gia quy định: Người làm công tác dự trữ quốc gia bao gồm: Công chức, viên chức làm việc tại cơ quan quản lý dự trữ quốc gia chuyên trách; người làm công tác dự trữ quốc gia là quân nhân, công an thì được hưởng phụ cấp thâm niên; tùy theo lĩnh vực, tính chất công việc được hưởng phụ cấp ưu đã nghề.

Như vậy, công chức, viên chức làm công tác DTQG tại các bộ, ngành không được hưởng chính sách trên.

Quy định danh mục hàng dự trữ quốc gia

Điều 27 của Luật quy định các mặt hàng thuộc Danh mục hàng dự trữ quốc gia phải đáp ứng mục tiêu dự trữ quốc gia được quy định tại Điều 3 và một trong các tiêu chí: Là mặt hàng chiến lược, thiết yếu, có tần suất sử dụng nhiều, có tác dụng ứng phó kịp thời trong tình huống đột xuất, cấp bách; Là mặt hàng đặc chủng, không thể thay thế; Là vật tư, thiết bị, hàng hóa bảo đảm quốc phòng, an ninh mà sản xuất trong nước chưa đáp ứng được yêu cầu về số lượng, chất lượng, chủng loại.

Điều 27 cũng quy định Danh mục hàng dự trữ quốc gia bao gồm các nhóm hàng: Lương thực; Vật tư, thiết bị cứu hộ, cứu nạn; Vật tư thông dụng động viên công nghiệp; Muối trắng; Nhiên liệu; Vật liệu nổ công nghiệp; Hạt giống cây trồng; Thuốc bảo vệ thực vật; Hóa chất khử khuẩn, khử trùng làm sạch môi trường, xử lý nguồn nước sinh hoạt và trong nuôi trồng thủy sản; Thuốc phòng, chống dịch bệnh cho người; Thuốc phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, cây trồng, nuôi trồng thủy sản; Vật tư, thiết bị, hàng hóa phục vụ quốc phòng, an ninh.

Trong trường hợp cần điều chỉnh Danh mục hàng dự trữ quốc gia, Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Hợp tác xã được cung cấp sản phẩm ra thị trường

Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Hợp tác xã (sửa đổi) với 436/463 ý kiến tán thành (87,55%).

Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của các đại biểu Quốc hội do Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày cho biết, có ý kiến đề nghị cho phép hợp tác xã được quyền cung cấp sản phẩm, dịch vụ rộng rãi ra thị trường để hợp tác xã phát triển và khẳng định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, khác với mô hình hợp tác xã kiểu cũ, hợp tác xã kiểu mới hoạt động nhằm mục đích tập trung mang lại lợi ích cho thành viên thông qua việc cam kết cung ứng, tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ, việc làm theo nhu cầu của thành viên.

Để đạt mục đích đó, hợp tác xã tự chủ trong hoạt động, có quyền được cung ứng, tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ, việc làm cho cả đối tượng không phải là thành viên.

Tuy nhiên, để hoạt động đúng bản chất, hợp tác xã phải bảo đảm lợi ích cho thành viên lớn hơn so với đối tượng không phải thành viên, do vậy, dự thảo Luật được thiết kế theo hướng hợp tác xã có quyền cung ứng, tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ, việc làm ra thị trường, nhưng phải bảo đảm hoàn thành cam kết nghĩa vụ đối với thành viên.

Khoản 3 và 4 Điều 8 đã được Quốc hội thông qua quy định về quyền của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nêu rõ: “Tiến hành các hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm theo ngành, nghề đã đăng ký nhằm đáp ứng nhu cầu chung của thành viên, hợp tác xã thành viên; Cung ứng, tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ, việc làm cho thành viên, hợp tác xã thành viên và ra thị trường nhưng phải bảo đảm hoàn thành nghĩa vụ đối với thành viên, hợp tác xã thành viên.”

Quy định về Liên minh hợp tác xã

Báo cáo giải trình của Ủy ban thường vụ Quốc hội cho biết, có ý kiến cho rằng, xét về bản chất, liên minh hợp tác xã là tổ chức đại diện do các hợp tác xã tự nguyện thành lập và hoạt động theo quy định pháp luật chung về hội, đề nghị cân nhắc bỏ Điều 58 trong dự thảo Luật (Điều 58: Tổ chức liên minh hợp tác xã Việt Nam, tổ chức liên minh hợp tác xã tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương).

Có ý kiến cho rằng dự thảo Luật quy định liên minh hợp tác xã được thành lập ở Trung ương và cấp tỉnh là chưa bảo đảm nguyên tắc tự nguyện, tự chủ; có ý kiến đề nghị nên mở rộng hệ thống liên minh đến cấp huyện.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, liên minh hợp tác xã là tổ chức đại diện của hợp tác xã và thực tế đang tồn tại cơ cấu tổ chức, hoạt động của liên minh ở cấp trung ương và cấp tỉnh; điều lệ hoạt động được cơ quan Nhà nước phê duyệt. Đồng thời, thực trạng hoạt động hợp tác xã còn nhiều hạn chế, nên cần Nhà nước hỗ trợ, tạo điều kiện để liên minh hợp tác xã hoạt động nhằm phát triển phong trào hợp tác xã ở nước ta đúng với tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 Khóa IX.

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉnh lý theo hướng tôn trọng nguyên tắc tự nguyện, tự chủ của tổ chức đại diện hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, đồng thời ghi nhận vai trò của liên minh hợp tác xã.

Tại Điều 58 của Luật Hợp tác xã (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua quy định rõ: Liên minh hợp tác xã Việt Nam được thành lập ở trung ương; liên minh hợp tác xã cấp tỉnh được thành lập ở các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Điều lệ liên minh hợp tác xã Việt Nam được đại hội liên minh hợp tác xã Việt Nam thông qua và do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; điều lệ liên minh hợp tác xã cấp tỉnh được đại hội liên minh hợp tác xã cấp tỉnh thông qua và do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt.

Chưa cho phép tư nhân thành lập nhà xuất bản

Sáng 20-11, các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Xuất bản (sửa đổi) với 92,37% ý kiến tán thành.

Trước khi biểu quyết thông qua toàn văn Luật Xuất bản (sửa đổi), Quốc hội đã biểu quyết thông qua điều Điều 12 về Đối tượng thành lập nhà xuất bản và loại hình tổ chức nhà xuất bản với 93,17% ý kiến tán thành.

Theo đó, Điều 12 quy định: Cơ quan, tổ chức được thành lập nhà xuất bản gồm: Cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương và cấp tỉnh; Đơn vị sự nghiệp công lập ở trung ương, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp ở trung ương trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm và tài liệu khoa học, học thuật. Nhà xuất bản tổ chức và hoạt động theo loại hình đơn vị sự nghiệp công lập hoặc doanh nghiệp kinh doanh có điều kiện do Nhà nước là chủ sở hữu.

Trước đó, Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội về Luật xuất bản (sửa đổi) do Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Đào Trọng Thi trình bày cho biết: Một số ý kiến đề nghị mở rộng đối tượng thành lập và loại hình tổ chức nhà xuất bản, cho phép tư nhân tham gia thành lập nhà xuất bản.

Có ý kiến cho rằng, quy định đối tượng thành lập nhà xuất bản như dự thảo Luật là quá rộng sẽ dẫn đến tình trạng thành lập nhà xuất bản tràn lan, khó khăn cho công tác quản lý.

Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng, Điều 12 của dự thảo Luật được thiết kế theo hướng kế thừa Luật hiện hành và cụ thể hóa đối tượng được thành lập nhà xuất bản, trong đó luật hóa những nội dung phù hợp đã được kiểm chứng trong thực tiễn của Nghị định số 72/2011/NĐ-CP ngày 23/8/2011của Chính phủ trong đó quy định bổ sung các tổ chức được thành lập nhà xuất bản, do đó không giao Chính phủ quy định về đối tượng khác được thành lập nhà xuất bản.

Để đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động xuất bản, dự thảo Luật đã mở rộng hợp lý sự tham gia của tư nhân trong các khâu khác nhau của hoạt động xuất bản. Tuy vậy, vì hoạt động xuất bản thuộc lĩnh vực văn hóa - tư tưởng, cho nên để bảo đảm điều kiện có thể quản lý, kiểm soát được nội dung văn hóa – tư tưởng của xuất bản phẩm, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị chưa cho phép tư nhân thành lập nhà xuất bản.

Xuất bản và phát hành xuất bản phẩm điện tử

Báo cáo giải trình cho biết có ý kiến đề nghị quy định chi tiết để điều chỉnh lĩnh vực xuất bản và phát hành xuất bản phẩm điện tử mà không giao cho Chính phủ quy định.

Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng, dự thảo Luật lần này đã bổ sung một chương riêng về xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử trên cơ sở kế thừa những quy định từ Luật hiện hành, nghiên cứu bổ sung những quy định mới về xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử cập nhật hơn với sự phát triển công nghệ thông tin và hoạt động xuất bản điện tử trong nước cũng như trên thế giới hiện nay. Những quy định này phù hợp, thống nhất với các quy định của pháp luật về viễn thông, công nghệ thông tin, giao dịch điện tử của Việt Nam.

Tuy nhiên, xuất bản điện tử là vấn đề mới, đang trong quá trình vận động, phát triển không ngừng, hơn nữa cũng mới là bước đầu hình thành ở Việt Nam trong những năm gần đây.

Do vậy, để vận dụng một cách linh hoạt trước sự phát triển của công nghệ thông tin trong thời gian tới cũng như giữ được sự ổn định về hiệu lực thực thi Luật sau khi ban hành, thì nội dung này cần được quy định theo hướng mở và giao cho Chính phủ hướng dẫn thi hành.

Theo VOV
Bình luận
vtcnews.vn