• Zalo

Quảng Bình, nỗi đau nhân đôi

Thời sựChủ Nhật, 06/10/2013 09:30:00 +07:00Google News

Quảng Bình, quê hương của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đang chìm trong tan hoang sau cơn bão số 10 thì hay tin vị Đại tướng của nhân dân qua đời...

Quảng Bình, quê hương của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đang chìm trong tan hoang sau cơn bão số 10 thì hay tin vị Đại tướng của nhân dân qua đời...

Những tiếng khóc từ làng An Xá nơi chôn nhau cắt rốn tiếc thương, những người cựu binh hay tin bật khóc nơi tâm bão. Nỗi đau như nhân đôi với nhân dân Quảng Bình, vùng cát trắng khó khăn.

Nỗi đau chồng nỗi đau

Chúng tôi tìm về làng quê An Xá (Lộc Thủy), nơi chôn nhau cắt rốn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Làng quê đang chìm trong nước bạc sau bão, nhà cửa, hàng cây, ruộng đồng tiêu điều, ủ rũ. Điện chưa khắc phục được, mọi thông tin liên lạc chưa thể thông suốt, ở làng cũng không nhiều người biết về tin Đại tướng của mình đã mất.

Từ nhiều nguồn, một số người dân An Xá biết được tin buồn, người mua hương, kẻ cầm cuốc xẻng đến căn nhà bình dị của gia đình ông để vệ sinh phong quang sau bão. Các em học sinh THCS ở xã Lộc Thủy được huy động đến dọn dẹp cây cối đổ nát nhằm có không gian cho người dân khắp nơi đổ về viếng, dâng hương.


Ông Võ Đại Hàm, người gọi Đại tướng bằng bác, phụ trách chăm nom ngôi nhà truyền thống của gia đình Đại tướng nói trong nước mắt: “Cụ (Đại tướng Võ Nguyên Giáp - PV), mất lúc 18h ngày 4/10, tôi nhận thông tin từ người con của anh cả cụ Võ Nguyên Giáp. Lúc đó tôi bần thần hồi lâu, nước mắt lại trào, tay cầm cái gì lên cũng rơi, phải cả tiếng sau mới bình tĩnh trở lại để chuẩn bị đồ lễ trong nhà”.

Bà Võ Thị Lài (75 tuổi) cạnh ngôi nhà Đại tướng kể: “Mấy đứa cháu đọc trên mạng, gọi điện về lúc được lúc mất thông báo cả đêm, bác Giáp đã qua đời. Tôi thắp lên trang thờ tổ tiên cầu khấn mà khóc hết nước mắt”.

 Bà Võ Thị Lài ở An Xá, khóc thương trước tượng bán thân Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Bà Võ Thị Lài ở An Xá, khóc thương trước tượng bán thân Đại tướng Võ Nguyên Giáp. 
Một cựu chiến binh ở xã Hàm Ninh, ông Nguyễn Thanh Hoanh (68 tuổi), khi hay tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời, ông đã đạp xe về chợ Đồng Hới mua bó hoa huệ rồi đạp xe về An Xá hơn 50km để chờ được viếng, kể: “Tôi là người lính từng phục vụ Đại tướng khi ông vào thăm đường 20 - Quyết Thắng tháng 3/1973. Lúc đó, tôi ở binh trạm 14, phụ trách công binh tại đèo Phu La Nhích, được Đại tướng bắt tay, hỏi han quê hương. Biết tôi là đồng hương, Đại tướng ôm tôi vào lòng, động viên chiến đấu giỏi vì miền Nam ruột thịt. Chừ nghe tin Đại tướng mất, lòng tôi hụt hẫng vô cùng, như mất đi điều thiêng liêng không thể tả”.

Đang lợp lại mái nhà, ông Phạm Thanh Lãng (58 tuổi), cựu binh ở xã Hải Ninh, Quảng Ninh được con từ miền Nam gọi về thông báo tin buồn, ông Lãng thẫn thờ người: “Tôi nghe con nói qua điện thoại mà tuột từ mái nhà xuống, may có đống cát không thì bị thương nặng. Tin rất buồn, tôi biết bác Giáp tuổi cao, sức yếu, sống chết là thường tình của tự nhiên, nhưng mà giữa lúc bề bộn đau thương bão lũ mà bác Giáp của quê hương Quảng Bình lại ra đi nữa thì người dân như tôi thấy mất mát lớn quá, không gì có thể bù đắp được trong lúc này, tim như xát muối”.

Đại tướng qua đời nhưng... không mất đi


Ông Lại Văn Ly, lão thành cách mạng, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bình Trị Thiên thời chiến tranh, nhà ở Đồng Phú, Đồng Hới cho biết: “Ở Quảng Bình, hễ nhắc đến hai từ Đại tướng là người ta hiểu ngay đó là Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tôi từng được phục vụ Đại tướng nhiều lần khi ông vào thị sát chiến trường đường mòn Hồ Chí Minh thời chiến. Đại tướng giản dị, thương dân như con, trọng lính vô cùng. Nghe tin Đại tướng qua đời, lòng tôi buồn vô hạn Đại tướng vì dân, vì nước, được nhân dân tin quý, cuộc đời như sao khuê, giờ Đại tướng qua đời, nhân dân mất đi một chỗ dựa vững chãi, quê hương mất đi một người con ưu tú, thế giới mất đi một người kiệt xuất. Đại tướng là cả niềm tin cho bao thế hệ và đất nước hôm nay”.

Nói xong, ông Ly lấy vạt áo lau nước mắt, bần thần một lúc lại nói tiếp: “Đại tướng qua đời nhưng không mất đi, di sản cách mạng, đường lối quân sự, tấm lòng vị tha của Đại tướng, nhân cách nhân văn, trí tuệ thanh liêm của Đại tướng... đều không mất đi. Đại tướng để lại gia tài quý giá về đức hy sinh, vì dân, vì nước cho đồng bào Việt Nam”.


Sinh viên Nguyễn Văn Tuấn, học ở Đại học Khoa học Huế, quê Bố Trạch, Quảng Bình gặp chúng tôi trên đường về quê Đại tướng, nói: “Em đọc báo, nghe tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời, em về Lệ Thủy để mong được dâng nén nhang”.

Cuộc đời Đại tướng để lại một di sản đời thường bình dị, đầy chất nhân văn cho dòng họ và con cháu. Ông Võ Thanh Bình, gọi Đại tướng bằng bác, nói: “Con cháu trong dòng họ mỗi lần có dịp gặp bác Giáp, cụ đều nói: “Dòng họ nhà mình không có ai học dốt, hy sinh vì cách mạng nhiều cho nên các cháu không được công thần, cậy thế, phải tự nỗ lực vươn lên, ai học giỏi thì cứ học, ai làm ăn được cứ làm ăn. Ở giữa làng mình, vùng chiêm trũng, bà con có người làm ăn giỏi giang khấm khá thì các cháu cũng phải làm ăn cho tốt, không được cậy quyền dòng họ mà làm điều xằng bậy”.

Từ lời khuyên giản dị mà sâu sắc, con cháu của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đều nghe theo, người chăm bẵm chữ nghĩa thành thầy giáo, người cuốc sâu cày bẫm ở lại quê nhà làm ruộng, có người chọn nghề buôn bán vặt ở chợ huyện mưu sinh”.


Ngày trước khi còn sức khỏe, đi lại được, mỗi năm Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn về thăm quê, người dân nhắc nhớ, ông đi khắp các phương trời, nhưng vẫn nhớ quê hương da diết: “Ra đi trên dòng sông Kiến Giang, làm sao mà quên được cảnh sông núi hiền từ, hùng vĩ. Quê hương và gia đình đã hun đúc nên nhân cách của tôi, quyết định con đường đi của tôi”. Cả Quảng Bình đang thương tiếc người con ưu tú Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đất trời miền cát mấy ngày qua hanh khô sau bão, nhưng khi tin Đại tướng qua đời lan nhanh, mưa đã tầm tã không ngớt, “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”!
Ông Phạm Hữu Thảo, Phó Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy, cho biết huyện đã thành lập tiểu ban tang lễ ở quê hương Đại tướng Võ Nguyên Giáp do Bí thư Huyện ủy Nguyễn Đình Hiệu làm trưởng ban. Huyện tổ chức hai trang thờ, một đặt tại nhà lưu niệm Đại tướng, một đặt tại Trung tâm văn hóa huyện để bà con dâng hương trong những ngày tới sau khi phát tang.
“Lệ Thủy nói riêng và Quảng Bình nói chung đang khắc phục hậu quả của bão, mỗi người dân quê hương hứa với bản thân cố gắng làm việc bằng hai, bằng ba để khắc phục nhanh chóng hậu quả cơn bão để Đại tướng yên lòng, thanh thản”, ông Nguyễn Hữu Thảo tâm sự.
Minh Phong

Tiếc thương vô hạn

Ngay khi biết tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ra đi, người dân cả nước vô cùng thương tiếc và bày tỏ tình cảm của mình đối với Đại tướng. PV ghi nhận cảm xúc của bà con dành cho Đại tướng.

Thiếu tướng Phan Khắc Hy, nguyên Phó Tư lệnh Đoàn 559 Bộ đội Trường Sơn: Vị tướng mưu lược và bình dị nhất của Việt Nam

Nói về con người, phẩm chất đạo đức và đường binh nghiệp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, không ít người đã viết thành sách dài tập. Với tôi, nếu nhận xét về anh, tôi có một câu: Tướng Giáp là vị tướng mưu lược và bình dị nhất Việt Nam! Mưu lược ở chỗ anh biết dùng nghệ thuật lấy ít thắng nhiều, lấy thô sơ thắng hiện đại, lấy kiên nhẫn – trường kỳ thắng “tốc chiến tốc thắng” của địch.

Có thể chứng minh sự mưu lược này qua những chiến thắng mà tôi và đồng đội đã giành được dưới sự cầm trịch của Đại tướng. Chiến thắng Điện Biên Phủ (5-1954) là kết quả của việc sử dụng cùng lúc nhiều chiến thuật của anh Giáp.


Ngoài việc dồn lực lượng, tạo sức mạnh cho quân đội chủ lực đánh vào các trung tâm, tập đoàn cứ điểm của địch ở Điện Biên Phủ, vị tướng đứng đầu Quân đội Việt Nam lúc này đã bố trí lực lượng của ta tham chiến tại Trung Lào, nhằm đánh lừa quân Pháp. Khoảng 6.000 quân Pháp không dồn vào các cứ điểm ở phía Bắc nước ta, mà chuyển sang túc trực tại mặt trận Trung Lào đã mở rộng hơn cơ hội cho quân ta làm nên chiến thắng vĩ đại Điện Biên Phủ.

Hay với chiến thuật “Thần tốc, thần tốc hơn nữa; táo bạo, táo bạo hơn nữa; tranh thủ từng phút, từng giờ…”, Đại tướng đã giúp Không quân Việt Nam sử dụng máy bay Mig 17 (tốc độ 900km/h) bắn rơi hai máy bay F8 và F105 (có tốc độ gấp nhiều lần Mig 17) của Không quân Mỹ trong hai ngày 3 và 4/4/1965 được thế giới nức lòng khen ngợi.

 Đại tướng Võ Nguyên Giáp gặp gỡ bà con ở Bản Giốc (Cao Bằng) khi về thăm lại căn cứ địa cách mạng năm 1994.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp gặp gỡ bà con ở Bản Giốc (Cao Bằng) khi về thăm lại căn cứ địa cách mạng năm 1994. 
Phải khẳng định rằng, dân tộc Việt Nam giành được độc lập có vai trò rất lớn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ngoài phẩm chất kiên nhẫn, dám đương đầu với thử thách, chiến thuật dùng nghệ thuật lấy ít thắng nhiều, lấy thô sơ thắng hiện đại, lấy thời gian dài để thắng “tốc chiến tốc thắng” của Đại tướng đã không ít nước đế quốc đã và có ý định xâm chiếm nước ta phải nể sợ. Không chỉ mưu lược trong binh nghiệp, anh Giáp còn là vị tướng bình dị, anh luôn coi thuộc cấp, bộ đội, dân như người thân, ruột thịt trong gia đình.

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước,
nguyên Tư lệnh Quân khu 4: Chúng tôi đều là lính của anh

Vào lúc 8h tối 4/10, tôi nhận được tin Đại tướng mất. Việc Đại tướng ra đi là quy luật sinh lão bệnh tử của đất trời nhưng vẫn khiến tôi bàng hoàng. Từ lúc nhận tin Đại tướng mất cho đến 11h đêm 4/10 tôi chỉ loay hoay với cái điện thoại, lúc thì trả lời điện thoại của anh em đồng đội cũ hỏi về tin bác Giáp mất, lúc thì lục tìm điện thoại liên lạc của đồng đội cũ, nhất là những anh em ở xa để báo tin buồn cho anh em được biết. Suốt đêm 4/10, tôi đã gần như không ngủ…

Rồi đây, khi diễn ra đám tang của bác Giáp, tất cả những anh em cựu chiến binh chúng tôi - những người lính của anh Văn - những ai có thể đều sẽ đến đông đủ, quây quần trong buổi tiễn đưa anh. Chúng tôi sẽ không cần phải đi thành đoàn, vì tất cả chúng tôi - những người trong quân đội - đều là lính của anh cả thôi.

Không riêng tôi mà có lẽ tất cả gần 90 triệu người dân Việt Nam đều cảm thấy bàng hoàng, thương tiếc anh Văn. Ngày 3/9/1969, khi nghe tin Bác Hồ mất, chúng tôi ở chiến trường nhận tin thì đều khóc, đều đau lòng. Bây giờ nghe tin anh Văn-người tổng tư lệnh của chúng tôi trong 2 cuộc kháng chiến ra đi, chúng tôi ai cũng cảm thấy tiếc thương, nghĩ đến công lao của anh và xúc động.

Bác Hồ mất, những người lính chúng tôi vùng lên để chiến đấu, biến đau thương thành hành động chiến thắng kẻ thù, giải phóng đất nước. Anh Văn mất, chúng tôi tự nhủ phải tiếp tục góp sức mình xây dựng đất nước ngày càng đàng hoàng hơn, xứng đáng với Bác Hồ, với anh Văn…


Ông Phan Quốc Tấn, giảng viên Trường Đại học Kinh tế TPHCM: Đại tướng vẫn luôn đồng hành cùng dân tộc

Tôi cảm thấy bất ngờ, không muốn tin đó là sự thật. Dù đã chuẩn bị tinh thần từ lúc sức khỏe Đại tướng yếu đi vào năm 2010, nhưng tôi vẫn luôn cầu mong ông sẽ luôn sống với chúng ta. Như nhiều người dân Việt Nam, tôi tự hào về Đại tướng Võ Nguyên Giáp - “anh cả” của Quân đội Nhân dân Việt Nam; một trong những nhân vật quân sự, văn hóa nổi tiếng của Việt Nam. Đại tướng đã có công to lớn góp phần nối liền non sông, đem lại hòa bình cho dân tộc với những chiến thắng Điện Biên Phủ, Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử... lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.

Trước sự mất mát quá lớn này, chúng tôi càng thấy rõ trách nhiệm của lớp trẻ trong việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, không phụ sự kỳ vọng của các thế hệ đi trước. Tôi tin rằng, dù đã về cõi vĩnh hằng, Đại tướng vẫn luôn đồng hành cùng dân tộc, non sông Việt Nam. Mong anh linh của Đại tướng an nghỉ, luôn dõi theo sự phát triển của đất nước.

Ái Chân - Tuấn Vũ - Lâm Nguyên ghi
Đại tướng ra đi “rất tự nhiên, nhẹ nhàng”

Đó là thông tin do anh Võ Hồng Nam, con trai út của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cho biết trong cuộc trò chuyện ngắn với phóng viên Báo SGGP chiều 5/10, tại nhà riêng của Đại tướng, số 30 phố Hoàng Diệu, Hà Nội.

Trong căn nhà của Đại tướng Võ Nguyên Giáp chiều qua đã diễn ra một “cuộc họp” giữa các thành viên gia đình, những người đang làm việc tại Văn phòng Đại tướng. Đại diện họ tộc của Đại tướng ở Lệ Thủy, Quảng Bình cũng đã ra Hà Nội để tham gia cuộc họp này, bàn mọi việc liên quan đến chuẩn bị tang lễ cho Đại tướng. Trong ngày, khá nhiều cựu chiến binh, người quen biết gia đình Đại tướng đã đến thăm hỏi và chia buồn cùng gia đình.

Nơi Đại tướng đã sống mấy chục năm cuối đời, mọi thứ về Đại tướng Võ Nguyên Giáp dường như vẫn hiển hiện, nhất là những bức ảnh nụ cười vừa hồn hậu vừa lạc quan của Đại tướng. Ngay trong phòng khách của Đại tướng, vẫn còn những lẵng hoa chúc mừng vào dịp Đại tướng tròn 102 tuổi, bước sang tuổi 103 vào ngày 25/8/2013.

Trao đổi với phóng viên, anh Võ Hồng Nam, con trai út của Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho biết, tối 5/10 gia đình sẽ lập bàn thờ và bắt đầu từ ngày mai sẽ đón khách đến chia buồn. Theo anh Nam, Đại tướng nằm tĩnh dưỡng ở Quân y viện 108, tính đến ngày qua đời là 1.559 ngày. Hơn 4 năm, với một người đã hơn 100 tuổi, đó là một kỳ tích. Anh Nam chia sẻ, có được điều đó trên hết là tình cảm, sự chăm sóc hết mình của tập thể y bác sĩ Quân y viện 108. Cùng với nghị lực sống của Đại tướng, tập thể y bác sĩ chăm sóc Đại tướng với tất cả lòng kính trọng, thương yêu hết mực như người thân.

“Gia đình rất cảm ơn họ. Những hôm vừa rồi, ông đã yếu đi nhiều. Con người đã đi hết quãng đời của mình. Như ngọn đèn đã cạn dầu, ông ra đi một cách rất tự nhiên, nhẹ nhàng và có đầy đủ con cháu bên cạnh. Bà thì đã được mọi người chuẩn bị tinh thần, nhưng vẫn sốc và rất buồn vì ông ra đi...” - anh Võ Hồng Nam nói.

Đại tá Nguyễn Huyên, người thư ký lâu năm của Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho biết, những ngày cuối đời, Đại tướng rất yếu. Vào dịp sinh nhật Đại tướng tròn 102, ngày 25/8/2013 vừa rồi, khi mọi người vào bệnh viện thăm, Đại tướng đã nhìn mọi người và nở một nụ cười rất tươi.

“Có lẽ chẳng cần nói gì nhiều nữa. Con người và sự nghiệp của Đại tướng đã nói lên tất cả. Nhân dân ta, đồng bào ta, quân đội ta, ai cũng biết cả. Có thể nói rằng, Đại tướng là người có một hạnh phúc lớn lao, khi gần như tuyệt đối được đồng bào, đồng chí, cán bộ, chiến sĩ quân đội yêu mến, kính trọng. Khi Đại tướng làm việc, rồi đến khi Đại tướng nghỉ hưu, nằm viện, cho đến lúc qua đời cũng vậy!” - Đại tá Nguyễn Huyên khẳng định.

Trần Lưu





Theo SGGP
Bình luận
vtcnews.vn