Sau 6 tháng thăm thú đất Sri Lanka và Ấn Độ, giáo viên dạy yoga người Mỹ Aubrey Sacco đã quyết định kết thúc hành trình của cô bằng chuyến đi một mình xuyên qua dãy Himalaya huyền bí của Nepal.
Aubrey Sacco và một phụ nữ địa phương trước khi bị mất tích bí ẩn (Nguồn: AFP)
Cô giáo 23 tuổi cho gia đình biết rằng cô sẽ đi dọc theo Công viên quốc gia Langtang, nằm trên biên tới Tây Tạng, và sẽ trở lại trong vài ngày. Tuy nhiên họ chẳng bao giờ nhận được tin cô.
2 năm sau, mẹ cô đã trở lại Nepal và cáo buộc nước này đã không gióng lên hồi chuông báo động về sự nguy hiểm của những người phụ nữ đi khám phá một mình dọc theo dãy núi nổi tiếng nhất thế giới.
"Chúng tôi đã tới đây 3 lần để gặp các quan chức cảnh sát và tìm hiểu xem họ đã làm được gì trong việc điều tra vụ con gái tôi mất tích" - mẹ của Aubrey, bà Connie, cho các phóng viên biết - "Công việc của chúng tôi không phải là điều tra vụ mất tích. Đó là chuyện họ phải làm".
Aubrey được nhìn thấy lần cuối ở làng Langtang vào ngày 22/4/2010. Một số dân làng ban đầu nói với cha mẹ Aubrey rằng đã thấy cô rời đi vào buổi chiều. Nhưng sau đó họ lại thay đổi câu chuyện, nói rằng chưa từng gặp cô.
Nhà Sacco chấp nhận thực tế rằng Aubrey có thể đã chết trong một vụ tai nạn. Nhưng họ sợ rằng nhà chức trách Nepal có thể đang che giấu nguyên nhân nào khác, ví dụ như việc Aubrey bị tấn công tình dục, vốn có thể ảnh hưởng tới ngành công nghiệp du lịch ở đây.
Gia đình Sacco đã bắt liên lạc với dân địa phương, nhờ sự giúp đỡ của các nghị sĩ ở bang Colorado, nơi họ đang sống, và thậm chí còn nhờ sự giúp đỡ của Cục điều tra liên bang Mỹ. Tuy nhiên họ cho rằng vụ việc đang bị Nepal ngăn cản.
Một cuộc tìm kiếm lớn quanh khu vực làng Langtang vào thời điểm đó đã không phát hiện được thi thể nào. Ngoài ra cũng không có vụ lở tuyết nào được báo cáo.
Máy dò nói dối và một số thiết bị tìm kiếm thi thể, với khả năng phát hiện xác người sau 2 năm, đã được gửi tới đại sứ quán Mỹ. Nhưng theo bà Connie, cảnh sát Nepal đã không sử dụng chúng.
"Chuyện này khiến chúng tôi nghi ngờ cảnh sát và chính phủ Nepal không muốn tìm hiểu xem chuyện gì đã diễn ra với Aubrey" - bà Connie nói và đã đề nghị được gặp Thủ tướng Baburam Bhattarai.
Cảnh sát Nepal đã lên tiếng bảo vệ hành động của họ và cho AFP biết rằng họ đã tìm kiếm rất kỹ lưỡng khu vực, thậm chí còn nhờ sự giúp đỡ của một số thầy pháp.
Vụ mất tích của Aubrey là một trong số những vụ người đi bộ dọc theo dãy Himalaya bị tấn công và giết không rõ nguyên nhân ở Nepal.
Hồi tháng 12 năm ngoái, Lena Sessions, một cô gái Mỹ 23 tuổi, đang đi bộ một mình ở khu vực Aubrey, đã bị một người đàn ông đeo mặt nạ đen tiếp cận và dùng dao "khukri" đe dọa lấy mạng. Sessions nói rằng cô đã tìm cách trốn thoát, sau khi kẻ tấn công dọa giết nếu cô không khiến hắn thỏa mãn nhu cầu tình dục.
Vụ việc diễn ra chỉ một tuần sau khi một phụ nữ Hàn Quốc bị tấn công, cũng tại công viên quốc gia Langtang. Đại sứ quán Mỹ đã lên tiếng cảnh báo công dân nước này không nên đi một mình ở tuyến đường trên, sau vụ 2 phụ nữ Mỹ bị tấn công và bị thương nghiêm trọng hồi năm 2010.
Bộ Ngoại giao Anh cũng cảnh báo người dân về nguy cơ bị hiếp dâm khi đi trên các tuyến đường quá vắng vẻ.
Nhà Sacco tin rằng vụ tấn công nhằm vào Lena, vụ mất tích của Aubrey và một số vụ khác có liên hệ với nhau. "Có một gã đàn ông xấu xa đang lẩn khuất trong khu vực này, nơi nhiều phụ nữ đi bộ một mình và hắn có thể gây hại tới họ, cũng như các cô gái trẻ sống ở những ngôi làng gần đó" - bà Connie nói.
Trong các vụ tấn công gần đây, một số phụ nữ vẫn còn sống để kể lại chuyện của họ. Nhưng những người khác không được may mắn như vậy.
Hồi năm 2005, Celine Henry người Pháp và Sabine Gruneklee, người Đức, đã mất tích khi đang đi bộ dọc theo thung lũng Kathmandu.
Thi thể đã phân hủy nặng của Gruneklee sau đó được tìm thấy hồi năm 2006, nhưng thi thể của Henry thì mất tích vĩnh viễn.
Cùng năm đó, Kristina Kovacevic, người Đức, đã mất tích khi đi bộ dọc theo vùng Everest. Thi thể của cô được tìm thấy dưới một khe đá và cảnh sát nói rằng cô đã bị tai nạn. Nhưng gia đình tin rằng cô bị cướp giết.
Hiệp hội Các công ty Lữ hành Nepal cho AFP biết rằng không thể xác minh được liệu các vụ trên có liên quan tới nhau hay không. "Mọi người tới Nepal để thăm thú cảnh đẹp bằng đường đi bộ nên có ít nhất một bạn đồng hành với mình" - Mahendra Singh Thapa, chủ tịch hiệp hội nói.
Với những người như mẹ của Aubrey, họ tin rằng nhà chức trách Nepal không làm hết sức để bảo vệ du khách. "Nepal đã vào mùa du lịch đi bộ và nơi này rõ ràng là không an toàn" - bà nói.
Bình luận