• Zalo

Phong bì sẽ hạ thấp giá trị của giáo viên

Giáo dụcThứ Năm, 20/11/2014 12:58:00 +07:00Google News

Cô Thu cho rằng giá trị của mình bị đồng tiền hạ thấp nếu cứ nhận phong bì. Tuy không được nhận phong bì ở trường mới nữa, nhưng cô cảm thấy hạnh phúc.

Cô Thu cho rằng giá trị của mình bị đồng tiền hạ thấp nếu cứ nhận phong bì. Tuy không được nhận phong bì ở trường mới nữa, nhưng cô cảm thấy hạnh phúc.

Chia sẻ với phóng viên, cô giáo mầm non Quỳnh Thu hào hứng kể 20/11 này đã nhận được rất nhiều quà từ phụ huynh, học sinh như tấm thiệp, dây buộc tóc, đồ ăn… Tất cả món quà đó đều là đồ handmade có giá trị vật chất không cao, nhưng khiến cô hạnh phúc hơn trước đây khi phải cầm phong bì.

Thu kể rằng, sau tốt nghiệp cao đẳng, cô có 3 năm dạy tại trường mầm non công lập có tiếng ở Hà Nội. Mỗi dịp lễ như ngày Tết, 8/3, 20/11…, cô được tặng nhiều phong bì từ phụ huynh. Ban đầu, cô xấu hổ đến đỏ mặt, nhưng theo thời gian và xung quanh đồng nghiệp đều nhận, cô cảm thấy bình thường, coi đó là việc nghiễm nhiên, xứng đáng với công sức mình bỏ ra.

Bình quân lớp 30 học sinh, cô Thu nhận về hơn 10 triệu đồng mỗi dịp lễ. Số tiền này lớn hơn nhiều so với đồng lương hàng tháng của cô. Ngay lập tức, Thu dùng quà mà phụ huynh gọi là “bồi dưỡng cho cô” đi mua sắm. Nhưng khi giáo viên mầm non này không may để trẻ bị ngã, có những bố mẹ chẳng tiếc lời mắng: "Đã nhận phong bì rồi mà không chăm con cẩn thận".

Chuyển sang dạy ở trường mới có quy định cấm nhận phong bì, ban đầu cô Thu cũng thấy hụt hẫng. Sau thời gian, cô cảm nhận được niềm hạnh phúc từ những món quà handmade mà trước kia phong bì không mang lại.

“Trong mắt học trò, tôi như một thiên thần mà các cháu muốn tặng những gì quý giá nhất với chúng như tấm thiệp tự tay mình làm được. Phụ huynh cũng tôn trọng hay hỏi thăm, giúp đỡ giáo viên và chia sẻ với chúng tôi niềm vui như khi làm thành công món ăn gì đó lại mang đến tặng. Lấy phong bì đang là bệnh của nhiều giáo viên, nhất là bậc mầm non. Căn bệnh ấy làm hạ thấp giá trị cao quý của nghề gõ đầu trẻ”, Thu tâm sự.
 Món quà quý giá nhất với các thầy cô là tình cảm bền lâu của học sinh, phụ huynh, là thấy học trò xưa thành đạt trở về trường chúc mừng mỗi dịp lễ. Ảnh minh hoạ: HH
Cô giáo cấp hai đã về hưu tên Thuý cũng cho rằng, những chiếc phong bì làm quan hệ thầy - trò trở nên không trong sáng. Bản thân cô mỗi dịp lễ nhận được rất nhiều “món quà” như thế, đôi khi giá trị rất cao nhưng chúng không làm cô vui. Giáo viên Thuý từng trả lại phong bì cho phụ huynh, song hôm sau những bố mẹ đó lại khệ nệ khiêng chậu hoa lớn đến nhà cô giáo.

“Những chiếc phong bì được gửi tới dù với động cơ trong sáng nhưng khi tôi trả lại khiến mọi việc trở nên rắc rối. Văn hoá quà tặng đã thay đổi theo thời gian và nhu cầu xã hội. Trước kia tôi chỉ nhận được tấm thiệp, túi rau hay quả ổi… nhưng thấy vui và ý nghĩa lắm. Tôi cất giữ những thiệp chúc ấy trong một chiếc hộp và đến giờ đọc lại vẫn hạnh phúc. Phong bì không làm chúng tôi giàu lên nhưng vì có người gửi nó với mục đích không tốt, dần dần làm nghề giáo bị mang tiếng”, cô Thuý nói.

Hiệu trưởng một trường tiểu học ở Hà Nội chia sẻ, nhiều giáo viên của cô tâm sự cảm thấy buồn, áp lực khi ngày 20/11 đáng lẽ được tôn vinh thì phải nghe dư luận không hay về chuyện nhận quà.

“Thực tế có một số thầy cô vụ lợi, nhưng đó không phải tất cả. Phần đông chúng tôi không có khái niệm muốn nhận quà gì trong ngày 20/11 mà đó là suy nghĩ của phụ huynh. Mỗi người có một cách thể hiện tình cảm, tôi không ra quy định gì về tiếp nhận quà tặng nhưng cũng chia sẻ để giáo viên, phụ huynh nhìn nhận vấn đề. Với tôi, món quà ý nghĩa nhất là học trò cũ đã thành đạt trở về trường thăm thầy cô”, hiệu trưởng này nói.

Những thầy cô không thích tặng hoa


Nhìn nhận thực tế ngành giáo dục đang bị thương mại hoá bởi những chiếc phong bì, trường THPT Anhxtanh Hà Nội đã ra thông báo kêu gọi tặng gạo cho thầy cô thay vì hoa và phong bì có tiền bên trong. Số gạo này sẽ được gửi tới đồng bào miền núi khó khăn.
Món quà của một cựu học sinh gửi tặng thầy Trần Đình Trợ nhân dịp 20/11 năm nay. Ảnh: Đ.T
Trường mầm non Reggio Emilia (Hà Nội) cũng gửi thông báo “thay hoa bằng sách” tặng thầy cô nhân ngày Nhà giáo Việt Nam. Trao đổi với VnExpress, ông Nguyễn Đức Quang, Giám đốc điều hành trường cho biết, trước đây mỗi dịp lễ nhà trường lại nhận được rất nhiều hoa do phụ huynh mang tới.

Món quà này tuy vô cùng quý giá, nhưng “sau mỗi ngày đó, thùng rác của tòa nhà lại nặng trĩu, các bác lao công vất vả thêm vì hàng loạt bó hoa bị bỏ đi. Nhiều học sinh nhìn vào cũng ý kiến. Xét về góc độ kinh tế, giá trị sử dụng và bảo vệ môi trường sống, chúng tôi mong muốn gia đình hạn chế tặng hoa cho giáo viên", ông Quang nói.

Trao đổi với học sinh và nhận được sự hưởng ứng tích cực, trường Reggio Emilia quyết định dịp 20/11 kêu gọi phụ huynh "biến hoa thành sách" tặng nhà trường. Theo giám đốc điều hành Đức Quang, việc mỗi gia đình mang đến một ít sách sẽ làm phong phú thêm cho thư viện của trường. Bản thân học trò cũng tự hào vì đóng góp được điều gì đó cho nơi mình học. Cách làm này cũng giúp học sinh quan tâm hơn đến sách, dạy các em tiết kiệm và bảo vệ môi trường.

Ra lời kêu gọi từ 13/11, đến nay mầm non Reggio Emilia nhận được hơn 40 đầu sách. "Những đứa trẻ khi cầm món quà đó đến trường tặng đã rất vui sướng. Các con liên tục khoe với bạn bè và kể lại câu chuyện mình đã đọc được ở cuốn sách ấy. Rõ ràng việc tặng sách thay vì hoa đã khuyến khích được niềm yêu thích học tập trong học trò", ông Quang nói.

Thầy Trần Đình Trợ (59 tuổi), giáo viên dạy Toán trường THPT Hương Sơn (Hà Tĩnh) năm nay cũng đăng lên trang cá nhân thông điệp “đòi quà” 20/11 bằng sách để xây dựng tủ sách cho những ai quan tâm tới đọc.

Theo Quỳnh Trang/VNE
Bình luận
vtcnews.vn