Từ thập niên 1980, phim chuyển thể từ tiểu thuyết của cố nhà văn Kim Dung đã làm mưa làm gió trên màn ảnh nhỏ châu Á. Có thể khẳng định, đến nay, vẫn chưa có văn sĩ nào có số lượng tác phẩm được chuyển thể thành phim vượt qua ông. Khi ấy, mỗi bản dựng lại đều nhanh chóng trở thành hiện tượng và để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng công chúng.
Tuy nhiên, dòng phim này dần đi vào lối mòn do được làm đi làm lại nhiều lần và khán giả thuộc lòng với motif kịch bản. Để làm mới câu chuyện vốn đã trở nên nhàm chán, biên kịch buộc phải làm mới hình ảnh và kịch bản để phù hợp với thị hiếu thời đại. Thế nhưng, không ít phiên bản mới đã bị "thêm mắm dặm muối", cải biên quá đà khiến khán giả phẫn nộ, phản ứng dữ dội.
Tiếu ngạo giang hồ 2013 không còn là tiểu thuyết Kim Dung?
Phiên bản năm 2013 của "biên kịch vàng" Trung Quốc Vu Chính là bộ phim cổ trang võ hiệp chuyển thể từ tiểu thuyết Kim Dung từng khiến khán giả bức xúc, mắng chửi thảm hại vì cải biên quá lố, xa rời nguyên tác.
Tiếu ngạo giang hồ tái hiện chuyện tình yêu nam nữ, đặc biệt là mối quan hệ éo le giữa Lệnh Hồ Xung và Nhậm Doanh Doanh.
Nếu như trong tiểu thuyết gốc, Doanh Doanh mới là nhân vật nữ chính, thì sang đến tay Vu Chính, nội dung bị đảo lộn 180 độ. Đông Phương Bất Bại - vốn được biết đến với hình tượng đồng tính nam đã được đẩy lên làm nữ chính, chuyển giới hoàn toàn thành nữ. Không ít người sau khi xem xong thậm chí còn gọi bản Tiếu ngạo giang hồ này là "phim võ hiệp kiểu Quỳnh Dao" hay "phim kiếm hiệp ủy mị Hồng lâu mộng".
Kết thúc của phim còn bị nhận xét là nhái lại Họa bì 2 khi Đông Phương Bất Bại trả lại trái tim để cứu Nhậm Doanh Doanh. Ngoài ra, nhân vật Lệnh Hồ Xung còn "liếc mắt đưa tình", đóng giả vợ chồng với Điền Bá Quang. Nhiều khán giả trẻ đã gọi "cặp" này là "mối tình gay giang hồ".
Thậm chí, đạo diễn nổi tiếng Trương Kỷ Trung còn thẳng thắn gọi Tiếu ngạo giang hồ của Vu Chính là bộ phim "nhảm nhí, vớ vẩn".
"Loại phim như thế mà có thể xem được hay sao? Thực sự là không có chút tôn trọng nào đối với nhà văn Kim Dung. Kịch bản bị xào nấu quá nhiều, tôi nghĩ họ nên lấy hẳn cái tên mới cho xong. Tôi tuyệt đối không làm ba cái dạng phim vớ vẩn, nhảm nhí như thế. Phải nhớ rằng khán giả thích phim mỳ ăn liền không phải chuyện gì sai trái. Nhưng họ cũng cần phải ăn ngon và nếu là người đầu bếp có tâm thì nên làm mỳ chất lượng một chút”, Trương Kỷ Trung nói.
Tân Tiếu ngạo giang hồ 2018 bị cho thảm họa
Nếu như "siêu phẩm" Tiếu ngạo giang hồ của Vu Chính từng khiến khán giả lắc đầu ngán ngẩm vì không khác gì nồi lẩu thập cẩm, thì 5 năm sau những người yêu thích tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung lại một lần nữa choáng váng trước bản remake lần thứ 12, được xem là "tệ nhất lịch sử phim truyền hình Trung Quốc" của đạo diễn Kim Sâm và biên kịch Mạnh Hoan.
So với bản chuyển thể năm 2013, mức độ thảm họa của bản 2018 còn tăng lên gấp bội. Nếu như Vu Chính từng sáng tạo ra bản Tiếu ngạo giang hồ đậm chất ngôn tình, thì Tân Tiếu ngạo giang hồ của Kim Sâm lại biến thành phiên bản kiếm hiệp mang đậm chất thanh xuân vườn trường - dòng phim ăn khách năm đó.
Không chỉ vậy, nội dung phim còn bị cải biên đến mức khiến khán giả "kêu trời không thấu". Dàn diễn viên xuất hiện trong web drama này cũng được khắc họa khác xa nguyên tác một trời một vực.
Nếu như dưới ngồi bút của Kim Dung, Lệnh Hồ Xung vốn là một gã trai hào kiệt, lãng tử với tính tình phóng khoáng, yêu rượu hơn cả mạng. Nhưng sang đến Tân Tiếu ngạo giang hồ 2018, do hướng đến giới trẻ, đội ngũ biên kịch mạnh dạn xây dựng Lệnh Hồ Xung - đại đệ tử phái Hoa Sơn, chưởng môn phái Hằng Sơn - thành một kẻ yếu đuối, mặt mũi non choẹt.
Hay Đông Phương Bất Bại - giáo chủ Nhật Nguyệt thần giáo vốn được Nhậm Doanh Doanh gọi là thúc thúc, sang bản mới lại biến thành bạn thanh mai trúc mã.
Không ít khán giả khi đó đã gay gắt chỉ trích đây là phiên bản chuyển thể "làm nhục kinh điển", "thảm họa cải biên". Trước phản ứng của dư luận, đạo diễn Kim Sâm cũng không ngại phân bua. Ông cho rằng ê-kíp Tiếu ngạo giang hồ chỉ đơn giản là đang làm mới tác phẩm của Kim Dung, sáng tạo ra phiên bản thanh xuân do những diễn viên trẻ đẹp diễn xuất để phù hợp với thị hiếu của giới trẻ.
Thần điêu đại hiệp 2014 mất điểm vì Tiểu Long Nữ
Thần điêu đại hiệp là cuốn tiểu thuyết được tái hiện gần 10 lần trên màn ảnh trong hơn 60 năm xuất bản. Mối tình sư đồ trắc trở của Dương Quá và Tiểu Long Nữ cùng những trận chiến tranh ngôi đoạt vị khốc liệt chốn giang hồ đến nay vẫn giữ được sức hút của mình trong lòng công chúng.
Đến năm 2014, Vu Chính lần nữa hủy hoại tác phẩm kiếm hiệp kinh điển của cố nhà văn Kim Dung. Cũng giống như Tiếu ngạo giang hồ 2013, "biên kịch vàng" Trung Quốc lại tiếp tục trào lưu ngôn tình hóa, biến Thần điêu đại hiệp trở thành phim tình cảm ướt át dành cho hội chị em phụ nữ.
Tác phẩm hứng chịu không ít gạch đá khi thêm thắt nhiều chi tiết, đào sâu vào chuyện tình yêu của Dương Quá – Tiểu Long Nữ và cả những nhân vật phụ như Hồng Thất Công, Lý Mạc Sầu, Đông Tà, Tây Độc.
Đặc biệt, hình tượng Cô Long do nữ diễn viên Trần Nghiên Hy thủ diễn khiến không ít khán giả chê cười và quay lưng với dự án. Khuôn mặt "bánh bao", kiểu tóc "đùi gà", tạo hình cổ trang tầm thường và tính cách theo kiểu thiếu nữ hoạt bát, nhí nhảnh hay hờn dỗi của người đẹp sinh năm 1983 đã hủy hoại khí chất thần tiên của vị chưởng môn phái Cổ Mộ.
Tân Thiên long bát bộ - võ hiệp lòe loẹt và điệu đà
Là một trong những bộ tiểu thuyết nổi tiếng của tác giả Kim Dung, Thiên long bát bộ cũng từng được "xào đi xào lại" nhiều lần trên màn ảnh nhỏ Hoa ngữ. Hơn 10 lần chuyển thể, khán giả đánh giá cao bản do TVB thực hiện năm 1997 do Trần Hạo Dân, Huỳnh Nhật Hoa, Lý Nhược Đồng đóng và bản phim ăn khách 2003 với sự tham gia diễn xuất của Hồ Quân, Lưu Đào, Lưu Diệc Phi, Lâm Chí Dĩnh.
Đến năm 2013, dự án remake Thiên long bát bộ gây chú ý khi quy tụ dàn diễn viên nổi tiếng như Chung Hán Lương, Kim Ki Bum, Trương Mông, Giả Thanh. Tuy nhiên, trái ngược với sự kỳ vọng của khán giả, tác phẩm bị "ném đá" dữ dội ngay từ khi công bố tạo hình màu mè, lòe loẹt và hở hang.
Thêm vào đó, ngay từ ban đầu đạo diễn Lại Thanh Thủy đã định hướng nội dung theo hướng giải trí và gần gũi với đại chúng nhằm thu hút giới trẻ đến với thể loại phim truyền hình võ hiệp, vô tình biến Thiên long bát bộ trở thành tác phẩm "nửa nạc nửa mỡ" khi lồng ghép nhiều yếu tố hiện đại.
Điều này khiến bộ phim nhận về vô số những chỉ trích dữ dội từ dân mạng, Sau đó, đến cả Kim Dung cũng phải đích thân chấp bút, sửa lại kịch bản để cứu lấy "đứa con tinh thần" của mình, song tình hình cũng không khá lên là bao. Tác phẩm trở thành bản chuyển thể dở nhất trong lịch sử những lần remake của Thiên long bát bộ.
Việc nhiều năm qua có quá nhiều tác phẩm kiếm hiệp kinh điển của Kim Dung bị chuyển thể và cải biên vô tội vạ khiến không ít khán giả phẫn nộ. Nhiều người thậm chí đã lên tiếng chỉ trích các nhà sản xuất chỉ biết quan tâm đến lợi nhuận mà hủy hoại hết những giá trị tốt đẹp đã được cố nhà văn Hong Kong xây dựng.
Đồng thời, họ hy vọng những nhà làm nghệ thuật đừng cố gắng lôi ra xào lại các bộ tiểu thuyết đã đi sâu vào lòng độc giả với mục đích thương mại hóa nếu không đảm bảo chất lượng và gây ảnh hưởng đến ấn tượng tốt đẹp vốn có.
Bình luận