Phim 'Cậu Vàng' ra tay làm mờ những nhân vật kinh điển thế nào?

Sao ViệtThứ Sáu, 15/01/2021 07:30:08 +07:00

Phim "Cậu Vàng" làm lu mờ những nhân vật kinh điển của Nam Cao, qua những tình tiết thừa thãi, có phần nông cạn.

Lão Hạc, giáo Thứ, Bá Kiến... là những nhân vật kinh điển của văn học hiện thực phê phán. Họ là nhân vật điển hình của một giai đoạn tăm tối trong lịch sử.

Một đạo diễn từng nói với đại ý, việc đưa những tác phẩm văn học lên màn ảnh là một hành trình sáng tạo lần hai, biệt lập với câu chuyện đã có. Nghĩa là, không nên và không thể yêu cầu những bộ phim phóng tác phải bám sát, hay bê nguyên những nguyên mẫu nhân vật, câu chuyện của văn học lên màn ảnh.

Phim 'Cậu Vàng' ra tay làm mờ những nhân vật kinh điển thế nào? - 1

Phim "Cậu Vàng".

Khi lên phim, những nhân vật của văn học sẽ có một đời sống mới, sức sáng tạo mới. Thế nhưng, phim Cậu Vàng đã làm lu mờ những nhân vật kinh điển của Nam Cao, qua những tình tiết thừa thãi, có phần nông cạn.

Binh Tư

Binh Tư trong phim Cậu Vàng được sáng tạo từ chất liệu chủ yếu của nhân vật Binh Chức và một phần nhỏ Chí Phèo (trong tác phẩm Chí Phèo). Binh Chức và Chí Phèo ở tác phẩm văn học đều là những người nông dân bị bần cùng hóa dẫn đến lưu manh hóa.

Ở làng Vũ Đại, Binh Chức - Chí Phèo xuất thân là những nông dân hiền lành, chất phác, lương thiện, cả hai vì mối thù sâu sắc với Bá Kiến mà bị ức hiếp, đày đọa, chèn ép và bị lợi dụng đến tận cùng, dẫn đến tha hóa, lưu manh.

Nam Cao khắc họa sự bi thảm của Binh Chức, Chí Phèo trong mối tương quan thù hận với Bá Kiến. Binh Chức vì nghèo khổ, cùng quẫn đã quyết định để vợ con ở làng, đi phu lính. Khi Binh Chức quăng mình và cuộc sống phu phen khổ cực, vợ Binh Chức ở nhà qua lại với khắp đàn ông trong làng từ phó lý đến trương tuần, và cả Bá Kiến.

Bá Kiến không chỉ ăn nằm với vợ Binh Chức, còn ăn bớt tiền phu lính mà Binh Chức hàng tháng vẫn gửi về cho vợ con. Chính vì mối hận này, khi về làng, Binh Chức đưa vợ con đến tận nhà Bá Kiến dọa nạt, nếu Bá Kiến dồn hắn đến đường cùng, hắn sẽ giết vợ con và chết trước mặt Bá Kiến.

Thấy to chuyện, Bá Kiến phải xoa dịu Binh Chức. Được đà, Binh Chức hỏi cụ Bá: “Hồi tôi còn tại ngũ, tôi gửi về nhà có trăm. Không biết vợ tôi nó tiêu pha gì hay cho trai mà không còn một đồng nào cả. Tôi hỏi nó thì nó bảo: Ở nhà đàn bà con gái một mình, không dám giữ tiền, được đồng nào mang gửi ông lý cả…”. Và Binh Chức thỉnh thoảng, cứ có chuyện, lại đến nhà cụ Bá vòi tiền, theo cách ấy.

Mâu thuẫn, hận thù giữa Binh Chức và Bá Kiến vì thế được đẩy lên cao trào. Trong mối hận thù ấy, trong cuộc giằng co giữa nhân tính và cơm áo ấy, người ta thấy được sự gian xảo của Bá Kiến, và sự cùng quẫn, quẫy đạp đến bi kịch của Binh Chức, Chí Phèo.

Phim 'Cậu Vàng' ra tay làm mờ những nhân vật kinh điển thế nào? - 2

Nhân vật Binh Tư trong phim Cậu Vàng.

Ở Cậu Vàng, nhân vật Binh Tư (được xây dựng từ Binh Chức) hùng hổ xuất hiện giữa làng với tạo hình gần như nhân vật Hellboy của Hollywood, cơ bắp cuồn cuộn, hình thể vạm vỡ. Binh Tư không được xây dựng nguồn gốc công phu đến mức xa lạ như bà Ba. Mọi sâu xa mâu thuẫn giữa Binh Tư và Bá Kiến bị lược bỏ.

Ngay sau khi ra tù, khán giả thấy Binh Tư hùng hổ lùa vợ con ra giữa làng, chỉ vào mặt từng người đàn ông đang đứng ở sân đình để vặn hỏi, “có phải mày ở nhà đã ngủ với vợ tao không?”, rồi quay sang hỏi tiếp cô vợ, “Mày đã ngủ hết với những thằng đàn ông này đúng không…?”.

Dù câu chuyện được đặt ở bối cảnh nào, thời đại nào (không cứ phong kiến hay nửa phong kiến như những năm 1945), ngay ở thời hiện đại, một người đàn ông hùng hổ đưa vợ ra giữa đình để truy hỏi chuyện cô ấy đã ngủ với đàn ông khắp làng như thế nào, cũng không thể được đánh giá là chi tiết đắt giá.

Nam Cao viết tác phẩm Chí Phèo năm 1941, cách đây 79 năm. Nhà văn đã “thiết kế” cho Binh Chức những câu thoại, cách ứng xử đắt giá. Chính sự khôn ngoan có được sau bao nhiêu năm đi phu lính, bị dồn đến đường cùng, đã giúp Binh Chức dám vùng lên, đối diện với Bá Kiến, đòi lại những thứ anh ta đã bị lấy mất.

Nhân vật Binh Tư đã bị Cậu Vàng lấy đi tất cả những sự đắt giá cần có, một nguồn gốc sâu xa của mối hận thù với Bá Kiến, lý do của việc anh ta bị biến thành “quỷ dữ” của làng, bị tha hóa, lưu manh… Binh Tư ở Cậu Vàng chỉ còn thuần là một kẻ nông cạn, ít học, tự làm nhục mình và vợ giữa làng, mang ơn cậu Vàng và lão Hạc, nhưng khi đột ngột lương thiện lại lao đến nhà cụ Bá để giải cứu cho… bà Ba.

Thầy giáo Thứ (giáo Thứ)

Giáo Thứ vẫn được giới phê bình cho rằng chính là hiện thân của nhà văn Nam Cao ở tác phẩm Sống mòn. Ẩn mình sau giáo Thứ, nhà văn Nam Cao thể hiện sự đau đời, lạc lõng, bế tắc ở một giai đoạn tăm tối của lịch sử.

Trường học bị đóng cửa, giáo Thứ trở về làng. Đứng trước cảnh làng quê xơ xác, tàn tạ vì nghèo khó, nhìn những phận người bị bần cùng, bị cái đói làm cho vật vã, tha hóa, tận mắt chứng kiến lũ cường hào ác bá bóc lọt, ức hiếp dân lành… Giáo Thứ khóc trên những trang văn.

Nam Cao để giáo Thứ xuất hiện trong mỗi câu chuyện, bối cảnh, đều là sự day dứt, đau đời. Mỗi lời thoại, mỗi suy nghĩ của giáo Thứ đều nặng nề, chua xót. Giáo Thứ nhiều lần tự vẽ nên hình ảnh mình trong nhiều truyện ngắn, là kẻ bi kịch, đau khổ, ngồi viết văn giữa tiếng con khóc, vợ chì chiết vì tiền, và ngoài kia, là những kiếp lầm than.

Phim 'Cậu Vàng' ra tay làm mờ những nhân vật kinh điển thế nào? - 3

Vai giáo Thứ từng được nghệ sĩ Hữu Mười thể hiện xuất sắc ở bản phim Làng Vũ Đại ngày ấy.

Giáo Thứ trong Cậu Vàng xuất hiện (cũng) với một hình thể no đủ (như Binh Tư), gương mặt nhẹ nhõm. Nỗi lo lớn nhất của vợ chồng ông giáo nhà bên chỉ xoay quanh lão Hạc, khu vườn của lão Hạc, tất cả những buồn khổ khác của giáo Thứ đã bị lược bỏ ở Cậu Vàng.

Ngay cả những phân đoạn thoại về việc bán sách để có tiền (chuộc vườn cho lão Hạc), hai vợ chồng ông bà giáo cũng thoại khá… nhẹ nhàng, không chất chứa day dứt, buồn đau nặng nề trong đó.

Với giáo Thứ của Nam Cao, việc bán sách là sự xúc phạm đau đớn, ở một thời đại mà nhà văn cho rằng, mọi thứ về văn hóa, trí thức đều bị coi thường, rẻ mạt.

Bá Kiến

Bá Kiến dưới ngòi bút của Nam Cao là một nhân vật phản diện giàu màu sắc, đa nhân cách, nhiều sắc thái, không dễ đoán. Ở cụ Bá không chỉ có sự gian xảo, tàn ác còn là người đàn ông khôn khéo, biết toan tính, biết dàn xếp, có chiến lược cụ thể với từng kẻ thù cụ thể.

Ở tác phẩm văn học, Bá Kiến xuất hiện lần đầu tiên, điều để độc giả nhận diện, là “cụ cất tiếng rất sang”,“Cụ Bá cười nhạt, nhưng tiếng cười giòn giã lắm”, “Người ta bảo cụ hơn người cũng chỉ bởi cái cười”…

Nhìn thấy Chí Phèo nằm ăn vạ giữa sân nhà, Bá Kiến thân mật hỏi: “Về bao giờ thế? Sao không vào tôi chơi? Đi vào nhà uống nước”.

Phim 'Cậu Vàng' ra tay làm mờ những nhân vật kinh điển thế nào? - 4

NSƯT Hữu Châu đóng vai Bá Kiến phim Cậu Vàng.

Bá Kiến bị cả dân làng căm ghét, nhưng có cả những người nể cụ Lý. Chính bởi sự khôn ngoan hơn người, biết “nắm thằng có tóc, không ai nắm thằng trọc đầu”, biết cương nhu khi cần, biết lợi dụng những “thằng cố cùng liều thân” như Chí Phèo, Binh Chức để loại bỏ kẻ thù khác trong làng.

Nam Cao để Bá Kiến xuất hiện trong thế đối lập với con trai Lý Cường. Nếu ở Lý Cường là sự hung hãn, nóng vội, non kém, ở Bá Kiến sẽ là sự mưu lược, khôn khéo, nhìn xa trông rộng.

Ở Cậu Vàng, Bá Kiến đã bớt màu sắc, chỉ còn lại chủ yếu sự gian xảo tàn ác lộ liễu, luôn mang gương mặt gườm gườm thể hiện sự nguy hiểm, trong mọi phân cảnh.

Cũng ở Cậu Vàng, Bá Kiến luôn xuất hiện với hành động sự xúi giục, kích động Lý Cường tìm cách cướp lấy khu vườn của lão Hạc, chưa cho thấy cường hào “đại phản diện” đa màu sắc.

Lão Hạc

Lão Hạc trong tác phẩm của nhà văn Nam Cao được xây dựng đắt giá đến từng câu thoại. Mọi tâm tư, tình cảm, nỗi đau khổ, bi kịch của lão Hạc đều được tâm sự với ông giáo (giáo Thứ). Sự khổ tâm vì nghèo đói, nỗi đau buồn vì con trai đi mãi chưa có tin tức gì, cả nỗi hổ thẹn vì ốm đau tiêu vào tiền tiết kiệm, sự day dứt khi lừa bán cậu Vàng… đều được chuyển tải qua những câu thoại đầy cảm xúc.

Trong đó, có những câu thoại của nhân vật lão Hạc thấm đẫm nỗi đau đời, nỗi đau thế hệ, nỗi đau của cả một thời đại.

Đơn cử như khi lão Hạc kể với ông giáo chuyện đã lừa bán cậu Vàng. Giáo Thứ an ủi: “Ta giết nó chính là hóa kiếp cho nó đấy, hóa kiếp để cho nó làm kiếp khác”. Lão Hạc chua chát bảo: “Ông giáo nói phải! Kiếp con chó là kiếp khổ thì ta hóa kiếp cho nó để nó làm kiếp người, may ra sung sướng hơn một chút… Kiếp người như kiếp tôi chẳng hạn…”.

Một nhà phê bình từng viết, mỗi câu thoại của lão Hạc, đều ầng ậc nước mắt.

Cậu Vàngđã lược bỏ hầu hết câu thoại đắt giá nhất của lão Hạc. Phim có một vài phân đoạn xử lý ánh sáng tốt cộng thêm phần diễn xuất của nghệ sĩ Viết Liên, lão Hạc vẫn có được những khắc khổ, đói nghèo, thảm thương.

Nhưng, cái chết vì bả chó quá đỗi nhẹ nhàng (như đi ngủ), vô tình khiến bi kịch của lão Hạc vơi đi nhiều so với nguyên tác.

Hay việc xây dựng cái kết “happy ending” cho anh Cò (con trai lão Hạc), mở ra tương lai tươi sáng cho anh bên dòng sông đầy hoa cải - có phần vội vã, chóng vánh, trong khi cuộc đời bi thảm của cha anh chỉ vừa mới kết thúc…

Phải khẳng định, chuyển thể tác phẩm của Nam Cao và đưa những nhân vật kinh điển có tính điển hình của cả một thời đại như lão Hạc, giáo Thứ, Bá Kiến... lên màn ảnh, là điều không dễ. Thậm chí rất khó. Bởi, để đưa được những nhân vật ấy lên phim, để họ có được một đời sống mới sinh động, thuyết phục, các nhà làm phim phải cần có tài năng, và hơn thế, phải có sự thấu hiểu về phận người, phận đời ở giai đoạn lịch sử những năm 1930-1945.

Thời ấy, không thể chỉ nói khơi khơi là thành câu chuyện. Thời ấy, mỗi phận người đều là một nỗi đau, mỗi số phận đều là tấn bi kịch, thấm đẫm nỗi niềm thời đại.

(Nguồn: Zing News)
Bình luận
vtcnews.vn